Với 12.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động tại thành phố Cần Thơ, cử nhân Luật Kinh tế là thành phần không thể thiếu, họ can thiệp vào hầu hết các hoạt động của DN từ thành lập DN, quản lý lực lượng lao động, vận hành sản xuất, bảo hộ tài sản hữu hình lẫn vô hình của DN, tài chính DN, và các hoạt động xúc tiến thương mại,…
Cần Thơ là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học quan trọng của cả khu vực ĐBSCL
Tại khu vực ĐBSCL, thành phố Cần Thơ là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học quan trọng của cả khu vực, là nơi cung cấp nguồn nhân lực đa ngành với kiến thức và khả năng chuyên sâu được đào tạo từ sáu trường đại học công lập và ngoài công lập bao gồm: ĐH Cần Thơ, ĐH Kỹ Thuật Công Nghệ Cần Thơ, ĐH Y Dược Cần Thơ, ĐH Tây Đô, ĐH Nam Cần Thơ, và ĐH FPT Cần Thơ.
Hàng năm, Cần Thơ có hơn 500 cử nhân Luật và Luật kinh tế tốt nghiệp, riêng ĐH Tây Đô từ năm 2014 đến 2022 đã có 1.165 cử nhân Luật Kinh tế tốt nghiệp. Nguồn nhân lực được đào tạo từ các trường ĐH này nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu nhân lực ngành luật cho các công ty, DN tại thành phố.
Theo kế hoạch của UBND TP. Cần Thơ về việc ban hành thực hiện Chương trình số 24-Ctr/TU ngày 31/12/2021 của Thành Ủy Cần Thơ về hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV), khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tài năng trẻ giai đoạn 2021 – 2030, mục tiêu kế hoạch đề ra trong giai đoạn từ 2021 – 2025 là triển khai thực hiện hoạt động truyền thông, thay đổi nhận thức và phát huy tinh thần về khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên toàn thành phố. Ước tính đến năm 2025, sẽ có khoảng 18.000 DNNVV hoạt động trên địa bàn.
Khái niệm về nguồn nhân lực chất lượng cao
Nguồn nhân lực chất lượng cao là lực lượng lao động, những người có tri thức và trình độ chuyên môn cao. Có khả năng đáp ứng được những vấn đề quan trọng của kinh tế xã hội để từ đó tạo ra hiệu quả cao trong giải quyết công việc cho sự tăng trưởng và phát triển xã hội.
Nguồn nhân lực chất lượngđược thể hiện cả về thể chất, tinh thần, đạo đức nghề nghiệp và trình độ chuyên môn. Về thể lực, sức khỏe là yếu tố không thể thiếu để có một nguồn nhân lực chất lượng. Về trítuệ, năng lực trí tuệ thể hiện ở khả năng sử dụng thành tựu khoa học để phát minh ra kỹ thuật công nghệ tiên tiến, tiếp thu kiến thức, thích ứng nhanh và làm chủ công nghệ hiện đại. Về đạo đức nghề nghiệp, yêu cầu cơ bản đối với con người trong xã hội là phải có tấm lòng nhân hậu, vị tha, tôn trọng công việc và quý trọng công việc của người khác.
Vì vậy, nguồn nhân lực chất lượng cao có thể được hiểu là một bộ phận của nguồn nhân lực xã hội, thể hiện vai trò nồng cốt, tiêu biểu, đáp ứng các vấn đề quan trọng trong việc phát triển kinh tế- xã hội của một nước, mỗi quốc gia và khu vực trong từng thời kỳ.
Vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao
Nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học – công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, đảm bảo phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.
Nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ giúp cho DN, công ty, tổ chức tiếp cận được nhanh nhất với tri thức, công nghệ hiện đại và tốt nhất. Sau đó, việc ứng dụng hiệu quả tri thức và công nghệ vào hoạt động sản xuất và hoạt động kinh doanh của tổ chức, công ty và DN sẽ thúc đẩy phát triển. Đồng thời giúp cho năng suất lao động của tổ chức, công ty, DN được tốt hơn nhờ vào kỹ năng và kiến thức, cùng với kinh nghiệm làm việc của đội ngũ nhân viên. Nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ hoàn thành tốt công việc được giao, luôn sáng tạo trong công việc và tìm tòi học hỏi cách làm mới để đạt hiểu quả năng suất lao động tốt nhất.
Nguồn nhân lực chất lượng cao là điều kiện quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Toàn cầu hóa kinh tế tiếp tục phát triển về quy mô, mức độ và hình thức biểu hiện với những tác động tích cực và tiêu cực, cơ hội và thách thức đan xen phức tạp. Sự tùy thuộc lẫn nhau, hội nhập, cạnh tranh và hợp tác giữa các nước ngày càng trở thành phổ biến. Kinh tế tri thức phát triển mạnh, do đó nguồn nhân lực chất lượng cao càng trở thành nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia.
Nhân lực chất lượng cao về Luật Kinh tế
Hiện tại, với 12.000 DN đang hoạt động tại thành phố Cần Thơ, việc đáp ứng nhu cầu nhân lực ngành Luật Kinh tế là vấn đề cần quan tâm của các trường đại học trên địa bàn thành phố.
Trong các trường đại học, luật kinh tế là chuyên ngành đào tạo luật trong hệ thống các chuyên ngành luật.Người học được trang bị kiến thức cơ bản về các ngành như: tâm lý học, xã hội học, kinh tế học, quản trị học, công nghệ thông tin, tiếng Anh.
Song song đó là khối kiến thức lý luận và thực tiễn cơ sở ngành luật gồm luật dân sự và tố tụng dân sự, luật hình sự và tố tụng hình sự, luật hành chính và tố tụng hành chính, luật lao động, luật sở hữu trí tuệ và luật quốc tế, khối kiến thức lý luận chuyên sâu và thực tiễn ngành luật kinh tế.
Bên cạnh việc tiếp thu khối kiến thức khổng lồ từ hệ thống pháp luật Việt Nam, sinh viên còn thường xuyên được thực hành nghề nghiệp và áp dụng trực tiếp pháp luật vào thực tế.Đối với những sinh viên có vốn kiến thức và ngoại ngữ tốt còn có cơ hội đi trao đổi học tập tại nước ngoài.
Nguồn nhân lực Luật Kinh tế được đào tạo từ các ĐH tại Cần Thơ
Hàng năm, các trường đại học trên địa bàn thành phố Cần Thơ như: ĐH Cần Thơ, ĐH Tây Đô, ĐH Kinh Tế – Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ, ĐH Nam Cần Thơ đều có tuyển sinh ngành Luật và Luật Kinh tế.
Theo Danh mục ngành và chỉ tiêu tuyển sinh năm 2021 của ĐH Cần Thơ: Ngành Luật (Luật hành chính, luật Tư pháp, luật Thương mại) có chỉ tiêu là 142 sinh viên. Năm 2022 chỉ tiêu tuyển sinh ngành Luật (Luật Hành chính, luật Tư pháp, luật Thương Mại) là 240, tăng 98 chỉ tiêu so với năm 2021.
Riêng ĐH Tây Đô với phương châm đào tạo đáp ứng yêu cầu của xã hội, từ năm 2018 đến năm 2020 theo “Tổng hợp kết quả khảo sát tình hình việc làm của sinh viên tốtnghiệp năm 2018 đến 2020” trường đã đào tạo 627 cử nhân ngành Luật Kinh tế. Đây là tiềm lực cần thiết của các DN, góp phần không nhỏ trong công cuộc phát triển KT-XH ở Cần Thơ nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung.
Nhu cầu của các DN
Luật kinh tế là một hệ thống pháp luật chi phối các mối quan hệ gắn liền với các hoạt động kinh tế. Luật kinh tế được sinh ra để giúp cho nhà nước kiểm soát cũng như bảovệ quyền lợi cá nhân và DN cả trong và ngoài nước. Ngành Luật kinh tế bao trùm cả một cả một lĩnh vực rộng lớn với nhiều bộ luật về lĩnh vực DN, luật sở hữu trí tuệ, luật thương mại, cạnh tranh, thủ tục đăng ký DN.
Nhờ chú trọng liên kết DN và trường học, đến nay có hơn 600 sinh viên Luật kinh tế được ĐH Tây Đô đào tạo. Năm 2020 hơn 80% sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm (thống kê của ĐH Tây Đô, 2020). Các DN đều đánh giá rất cao năng lực và trình độ của sinh viên Luật kinh tế Trường Đại học Tây Đô.
Ông Đinh Văn Hùng – Giám đốc công ty TNHH MTV Moss, khu vực Cần Thơ nhận xét: “Tôi thấy sinh viên ngành Luật kinh tế ĐH Tây Đô có năng lực và chuyên môn rất cao, có nhiều sáng tạo, đổi mới trong xây dựng công việc. Tôi tin rằng trong tương lai các bạn sẽ phát triển và thành công hơn nữa với công việc mà mình đang công tác”.
Bên cạnh kiến thức chuyên môn, sinh viên ngành Luật kinh tế ĐH Tây Đô còn được đào tạo các kỹ năng mềm bổ trợ như: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đàm phán, kỹ năng giải quyết vấn đề,… Trong đó, đặc biệt là hoạt động tổ chức lập Phiên tòa giả định – một phần không thể thiếu trong học phần Luật tố tụng hình sự và một số học phần khác được tổ chức nhằm hướng tới sự phát triển hoàn thiện về kỹ năng pháp luật như: kỹ năng đọc, nghiên cứu, phân tích hồ sơ tài liệu, kỹ năng tranh tụng, kỹ năng điều khiển phiên tòa. Qua đó, giúp sinh viên có điều kiện làm quen với môi trường pháp lý để rèn luyện kỹ năng thực hành đối với môn học.
Theo ông Nguyễn Thành Đạt – Giám đốc công ty TNHH MTV Chính Đạt: “Hiện tại nhân sự công ty có một số cử nhân Luật Kinh tế được đào tạo từ ĐH Tây Đô. Nhìn chung các em đều có kiến thức vững vàng khi tham gia vào các hoạt động tư vấn, soạn thảo hợp đồng cho các DN. Hướng tới, công ty sẽ mở rộng tiếp tục tuyển dụng nhân sự từ nguồn đào tạo này”.
Nghị quyết 45 của Bộ chính trị “Về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Nghị quyết 59 của Bộ chính trị “Về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045” đều xác định giải pháp phát triển nguồn nhân lực cao của thành phố. Cụ thể hóa những nghị quyết này, các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố có nhiều quyết sách trong đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có nguồn lực Luật Kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế.
Ths. Nguyễn Thị Minh Châu