05/06/2022 3:35:51

Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp:

Cần một hệ sinh thái số GDNN thông minh, thông thoáng

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi từ mô hình tổ chức hoạt động truyền thống sang tổ chức hoạt động số bằng cách sử dụng công nghệ số như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (ICloud)… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa cơ quan…, là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.

Chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp

Ngày 30/12/2021Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định số 2222/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo quyết định này, mục đích của Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp nhằm triển khai các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên môi trường số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy và học, tăng cường hiệu quả công tác quản lý, phương pháp giáo dục nghề nghiệp tiên tiến, tạo đột phá về số lượng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh trong hội nhập quốc tế.

Quyết định số 2222/QĐ-TTg đặt ra những chỉ tiêu cụ thể về Chuyển đổi số như đến năm 2030 đạt 100% nhà giáo và cán bộ quản lý có kỹ năng, phương pháp sư phạm phù hợp để triển khai đào tạo trên môi trường số, phát triển học liệu số.

Phấn đấu đến năm 2030, 100% chương trình đào tạo có nội dung đào tạo phù hợp với phương thức chuyển đổi số.

Một tiết học ứng dụng công nghệ tại Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội.

Hình thành nền tảng số giáo dục nghề nghiệp quốc gia và kho học liệu, tài nguyên số dùng chung phục vụ cho hoạt động dạy và học vào năm 2025. Phấn đấu đến năm 2025 đạt được 50% và năm 2030 là 100% các trường cao đẳng, trung cấp có hạ tầng số, nền tảng số để kết nối, khai thác với nền tảng số giáo dục nghề nghiệp quốc gia.

Phấn đấu 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 số hóa quá trình học tập, tích hợp dữ liệu lên môi trường số. Các trường chất lượng cao là trường học số.

Quyết định trên có thể coi là “thể chế pháp lý số” đầu tiên, nền tảng để GDNN triển khai các hoạt động chuyển đổi số trên phạm vi toàn hệ thống.

Cũng như các lĩnh vực khác,hạ tầng số trong GDNN cũng bao gồm: Hạ tầng kỹ thuật; hạ tầng dữ liệu; hạ tầng ứng dụng; hạ tầng pháp lý và hạ tầng nhân lực. Theo đó hệ sinh thái CĐS trong GDNN gồm: Nhà trường (các cơ sở GDNN) – Nhà nước(cơ quan quản lý nhà nước) – Nhà doanh nghiệp (nơi tiếp nhận sinh viên thực tập và tuyển dụng, sử dụnglao động)

Chuyển đổi số GDNN là quá trình ứng dụng và tích hợp các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (IClouds), kết nối vạn vật (IOT), cơ sở dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ chuỗi khối (Blockchange)… vào các hoạt động của  hệ sinh thái GDNN, tạo chuỗi cung ứng liênkết, liên thông giữa các hoạt động, quản lý điều hành, chính sách, đào tạo, hỗ trợ, bằng cấp, công nhận trong GDNN theo hướng thông minh, thông thoáng, thống nhất, minh bạch và hiệu quả. Đem lại những lợi ích tối ưu cho chủ thể của CĐS trong GDNN là người học.

3 thành tố quan trọng trong hệ sinh thái số giáo dục nghề nghiệp

Tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và hậu quả của đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy và đòi hỏi giáo dục nghề nghiệp khẩn trương chuyển đổi só nhằm nâng cao tính mở và linh hoạt, khả năng thích nghi, đáp ứng nhanh với sự thay đổi của thị trường lao động 4.0. Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời, đặc biệt là nhu cầu phát triển kỹ năng số và chất lượng nguồn nhân lực trong thị trường lao động số ngày càng phát triển..

Phòng học công nghệ 4.0 của Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội

Theo đó, chuyển đổi số trong GDNN ở Việt Nam cần tập trung vào các yếu tố cấu thành lên hệ sinh thái chuyển đổi số, đó là: Nội dung chương trình và nội dung đào tạo; phương pháp dạy và học; hạ tầng, nền tảng và học liệu số; giáo viên, sinh viên và học viên; thể chế và hành lang pháp lý, quản trị và quản lý. Trong đó tập trung chủ yếu vào các nội dung chính sau:

1 – Chương trình và nội dung đào tạo trong chuyển đối số cần được xây dựng, điều chỉnh và cập nhật nội dung phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số trong nền kinh tế số và hội nhập quốc tế:

Xác định kiến thức và kỹ năng số cần thiết cơ bản, có khả năng mở rộng đối với người lao động của môi trường kinh tế số, xã hội số, bổ sung vào chương trình đào tạo những môn học liên quan tới kỹ năng số, kiến thức CNTT để người học có được những kỹ năng số phù hợp.

Mô hình đào tạo phải có tính mở, cho phép cập nhật những kỹ năng số mới của ngành, nghề, đặc biệt là các ngành nghề kỹ thuật công nghệ; ngành, nghề trọng điểm quốc gia, khu vực và quốc tế; các ngành nghề mới sẽ xuất hiện do sự phát triển của những công nghệ mới trong nền kinh tế; thường xuyên cập nhật các nội dung đào tạo giáo dục nghề nghiệp các cấp trình độ.

Cập nhật, bổ sung, chỉnh sửa và xây dựng mới chuẩn kiến thức, năng lực thực hiện cho các ngành nghề, đáp ứng yêu cầu trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của chuyển đổi số.

Xây dựng các chương trình đào tạo các ngành nghề chuyên về công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số cho trong nền kinh tế. Thiết kế các chương trình liên thông trong giáo dục nghề nghiệp đảm bảo bổ sung, kế thừa và phát triển các kỹ năng số phục vụ xã hội số.

Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong quá trình xây dựng chuẩn đầu ra, nội dung, chương trình đào tạo đào tạo các cấp trình độ giáo dục nghề nghiệp tại các cơ sở đào tạo và các chương trình đào tạo, đào tạo lại và nâng cao cho người lao động đang làm việc.

2- Thực hiện chuyển đổi số cần phải đổi mới, đa dạng các phương pháp, hình thức dạy và học ở các cấp trình độ củagiáo dục nghề nghiệp, liên thông và công nhận bằng cấp.

Tăng cường phương thức học tập kết hợp (blended learning), học ngược (flipped learning), học theo dự án (project-based learning), phối kết hợp hài hoà dạy và học trực tiếp trên lớp với ứng dụng công nghệ số, học liệu số, thiết bị mô phỏng, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành ảo, kiểm tra đánh giá trực tuyến. Áp dụng hình thức học tập thích ứng (adaptive learning) với các nội dung đào tạo phù hợp trên cơ sở dữ liệu người học nhằm cá nhân hoá việc học tập. Sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) cá nhân hóa việc học tập. Cùng với đó là hạ tầng pháp lý số cho vấn đề liên thông giữa các trình độ đào tạo và  công nhận bằng cấp.

3- Trong giáo dục nghề nghiệp để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả cần phát triển hạ tầng, nền tảng, trang thiết bị và học liệu số, bảo đảm đồng bộ với các nền tảng số quốc gia:

Đầu tư, nâng cấp Trung tâm dữ liệu giáo dục nghề nghiệp hiện đại, tiên tiến sử dụng công nghệ đám mây, siêu hội tụ đáp ứng yêu cầu về hạ tầng cho các ứng dụng triển khai và yêu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống dữ liệu về việc làm, an sinh xã hội, giáo dục đào tạo và hệ thống dữ liệu của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng, hệ thống mạng, hệ thống an toàn thông tin và thiết bị ngoại vi phục vụ quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Xây dựng nền tảng hạ tầng cơ sở dữ liệu lớn phục vụ báo cáo tổng hợp và phân tích nhu cầu giáo dục nghề nghiệp, phân tích chất lượng dạy và học, hỗ trợ công tác tuyển sinh và những nghiệp vụ chức năng khác.

Phát triển nền tảng số cho giáo dục nghề nghiệp, dùng chung cho tất cả các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nền tảng số này đảm bảo có thể hỗ trợ tất cả các hình thức dạy và học (trực tuyến, trực tiếp, kết hợp…), bao gồm nền tảng học liệu số, thư viện điện tử, hệ tri thức chuyên ngành, các ứng dụng tuyển sinh, quản lý học viên trong và sau khi tốt nghiệp, quản lý học tập hỗ trợ đào tạo cá thể hóa.

Đầu tư thiết bị số, các thiết bị thực tập, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành ảo, phòng học thông minh và các thiết bị phát triển học liệu số để chuyển đổi thành các cơ sở giáo dục nghề nghiệp kỹ thuật số.

Hiện nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xác định được nhu cầu và sự cần thiết phải chuyển đổi số. Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp phải được phát triển trên cơ sở nền tảng hệ sinh thái số chung của xã hội và hệ sinh thái kinh tế, gắn liền với bối cảnh, đặc thù riêng trong từng lĩnh vực nghề nghiệp. Quá trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp sẽ làm thay đổi cả về lượng và chất của nguồn nhân lực, khai thác hiệu quả những thành tựu đạt được của Cách mạng Công nghiệp 4.0 trong tiến trình phát triển đất nước./.

Nguyễn Thái Bằng