Cái chết của nữ thẩm phán toà án tối cao Ruth Bader Ginsburg có khả năng tái định hình chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ vào thời điểm một số người Mỹ đã bắt đầu đi bỏ phiếu.
Cái chết của nữ thẩm phán toà án tối cao Ruth Bader Ginsburg có khả năng tái định hình chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ vào thời điểm một số người Mỹ đã bắt đầu đi bỏ phiếu.
Ruth Bader Ginsburg, nữ thẩm phán theo đường lối tự do của Tòa án Tối cao Mỹ, đã qua đời hôm 18/9, khi cuộc bầu cử tổng thổng tại nước này đang tiến đến rất gần.
Trong nhiệm kỳ gần qua của mình, Tổng thống Donald Trump đã bổ nhiệm được hai thẩm phán tòa án tối cao, nhưng đều là những người bảo thủ thay thế những người bảo thủ.
Lần này, nếu ông Trump bổ nhiệm được một thẩm phán bảo thủ thế chỗ bà Ginsburg – biểu tượng của chủ nghĩa tự do, chiến thắng này về cơ bản sẽ thay đổi định hướng của tòa tối cao.
Tòa án Tối cao Mỹ khi đó sẽ thuộc về phe bảo thủ với 6/9 thẩm phán do phe Cộng hòa bổ nhiệm. Vì thẩm phán tòa tối cao có thẩm quyền trọn đời, cán cân quyền lực mới có thể thay đổi cuộc sống của người Mỹ theo những cách chưa từng có, theo Guardian. Ước nguyện cuối cùng của Ginsburg là vị trí thay thế bà được bổ nhiệm khi nước Mỹ bước vào nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo.
Trước khi bà Ginsburg qua đời, tòa án gồm 9 thẩm phán có 5 người bảo thủ và 4 người tự do. Vì vậy, ngay cả khi ghế của bà vẫn bị bỏ trống, đảng Dân chủ sẽ cần hai phiếu từ phe bảo thủ để tránh thua hoặc tình thế hòa 4-4 trong bất kỳ kịch bản hậu bầu cử nào.
Theo quy trình, tổng thống sẽ đề cử thẩm phán mới và quyết định của ông cần được Thượng viện, nơi đảng Cộng hòa đang kiểm soát, phê chuẩn.Theo AP, trong suốt nhiều tháng qua, cuộc đua vào ghế Tổng thống tập trung chủ yếu vào cách đối phó đại dịch Covid-19 của ông Trump. Cuộc khủng hoảng y tế công lớn nhất trong một thế kỷ đã tác động mạnh tới triển vọng tái cử của đương kim Tổng thống.
Cái chết của bà Ginsburg ngày 18/9 bất ngờ chất thêm gánh nặng mới lên cuộc bầu cử, với việc ông Trump và đối thủ Joe Biden phải chọn một người kế nhiệm bà Ginsburg. Người được chọn phải là người có thể quyết định vấn đề nạo phá thai, các quy định về môi trường và quyền lực của Tổng thống trong một thế hệ.
Khi bầu cử sớm đang diễn ra ở 5 bang và chỉ còn 6 tuần nữa là tới ngày bầu cử, cả đảng Dân chủ lẫn Cộng hoà đều thống nhất ca ngợi bà Ginsburg là biểu tượng của công lý và quyền phụ nữ. Tuy nhiên, các chiến lược gia của cả hai đảng đều đang tìm kiếm lợi thế từ vấn đề này.
Phải đối mặt với khả năng mất cả Nhà Trắng lẫn Thượng viện, một số đảng viên Cộng hoà coi vị trí trống ở toà án tối cao là một trong vài cách còn lại mà Tổng thống Trump có thể thu hút thêm người ủng hộ bên cạnh lực lượng trung thành. Họ hy vọng, ông Trump có thể lôi kéo phụ nữ ở khu vực ngoại ô, những người vốn từ bỏ đảng Cộng hoà trong vài năm gần đây.
Cái chết của bà Ginsburg đã khơi mào cuộc chiến chính trị nảy lửa về việc liệu ông Trump có nên tìm người lấp vào vị trí của bà hay không khi cuộc bầu cử đã đến gần như vậy, với việc bỏ phiếu sớm đã được tiến hành ở một số bang. Ông Trump hôm 19/9 nhấn mạnh việc này phải được quyết định “ngay lập tức”, ám chỉ khả năng bổ nhiệm thẩm phán trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11.
Quyền lực của tòa tối cao trải dài từ quyền phá thai đến bầu cử, từ phân biệt chủng tộc đến các vấn đề liên quan cộng đồng LGBTQ, nói cách khác một cuộc bổ nhiệm thành công có thể sẽ là di sản quan trọng nhất của Tổng thống Trump đối với nước Mỹ, tạo ra sự ảnh hưởng vượt xa nhiệm kỳ của một tổng thống.
Trong thế kỷ qua, tòa án đã đóng vai trò căn bản trong việc định hình lại xã hội Mỹ. Năm 1954, tòa án ra phán quyết rằng việc phân biệt đối xử trong các trường học là vi hiến. Năm 1973, án lệ “Roe – Wade” hợp pháp hóa việc phá thai. Năm 2010, tòa án đã loại bỏ hầu hết hạn chế đối với việc chi tiêu chính trị của các tập đoàn. Năm 2015, hôn nhân đồng giới được hợp pháp hóa.
Đó là những cách mà tòa án điều chỉnh cuộc sống của người dân Mỹ, giải thích vì sao việc lấp chỗ trống Thẩm phán Ginsburg để lại là một cuộc chiến quan trọng cho tương lai của nước Mỹ.
PV (t/h)