Đây là chủ đề Hội thảo Khoa học quốc tế lần thứ 15 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, do trường Đại học Kinh tế quốc dân phối hợp với Đại học Khon Kaen (Thái Lan) tổ chức hôm 16/6 tại Hà Nội.
Tới dự Hội thảo quốc tế về phía Đại học Kinh tế Quốc dân có PGS.TS Bùi Huy Nhượng – Phó hiệu trưởng; PGS.TS Đinh Đức Trường – Trưởng khoa Khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị; PGS.TS Trần Văn Nam – Trưởng khoa Luật.
Đại biểu quốc tế có PGS.TS Orathai Piayura – Trưởng khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Khon Kaen; Tiến sĩ Laurent Umans – Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam; GS. TS Harry Futselaar – Đại học Khoa học Ứng dụng Saxion, Hà Lan; ông Christian De Ruty, Đối tác – Giám đốc điều hành Tập đoàn OpenAsia, Pháp.
Cùng dự Hội thảo còn có đông đảo các đại biểu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và các cá nhân quan tâm từ Thái Lan, Việt Nam và các quốc gia khác.
Hội thảo là hoạt động bán thường niên, được tổ chức luân phiên tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Trường Đại học Khon Kaen, Thái Lan từ năm 2013 đến nay, nhằm tăng cường trao đổi về giảng dạy, nghiên cứu và tư vấn hoạch định chính sách phát triển.
Sau hơn 3 tháng kể từ ngày phát động 11/2/2022, Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 15 đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học trong nước và quốc tế với 235 bài viết của 235 tác giả và nhóm tác giả đến từ nhiều trường đại học, học viện và trung tâm nghiên cứu khắp cả nước, trong đó các kết quả nghiên cứu xuất sắc đều được trình bày và thảo luận tại phiên toàn thể và các phiên song song của Hội thảo bằng tiếng Anh.
Các tham luận của Hội thảo đa dạng, có nhiều phát hiện mới, thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học trong khu vực với mong muốn chia sẻ và kết nối tri thức ngày càng nhiều hơn, cùng hướng tới sự phát triển bền vững của khu vực.
Ngoài 3 bài thuyết trình của các diễn giả chính, có 19 đề tài đã được ban tổ chức đánh giá cao đã tham gia trình bày trực tiếp trong các phiên song song của hội thảo; đề tài tập trung vào các vấn đề xã hội như: Kinh tế, kinh doanh và hội nhập; Các vấn đề xã hội, luật pháp và quản trị; Tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu.
Tham luận hội thảo với đề tài khoa học “Phương tiện công tác tư tưởng ngăn chặn tin giả trong đại dịch COVID-19 ở Việt Nam”, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Dũng cho biết: Sau quá trình nghiên cứu, tác động của tin giả đến đời sống xã hội nước ta trong đại dịch COVID-19 và hoạt động của các phương tiện công tác tư tưởng. Tôi cho rằng có thể xây dựng một mô hình truyền thông để ngăn chặn tin giả.
Cần đặc biệt coi trọng vai trò nòng cốt của mạng xã hội như một phương tiện chủ chốt để phát triển tầm ảnh hưởng của thông tin. Đồng thời khẳng định vai trò quyết định của các phương tiện chính thống là địa chỉ tin cậy để xác thực các thông tin mà công chúng quan tâm. Trên cơ sở đó, nghiên cứu của ông khuyến nghị việc sử dụng kết hợp các mạng xã hội và các kênh thông tin chính thông nhằm góp phần ngăn chặn tin giả, làm trong sạch môi trường thông tin trong đời sống xã hội.
Cùng đó các diễn giả tham dự hội thảo cũng tập trung làm rõ các mục tiêu chính xoay quanh các nội dung như: Nền kinh tế không phát thải carbon ở Việt Nam; Nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu; Kinh doanh bền vững cho tương lai bền vững; Các vấn đề tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu; Các vấn đề trong phát triển vùng và đô thị, đô thị thông minh; Các vấn đề về chính sách quản lý kinh tế và quản trị doanh nghiệp; Các vấn đề phát triển bền vững.
Chất lượng các bài tham luận tại hội thảo lần này được tăng lên đáng kể, có sự đa dạng về chủ đề, phương hướng nghiên cứu trong những khám phá và kết quả. Tất cả điều đó chứng tỏ uy tín và vị thế của hội thảo, sự quan tâm của các nhà khoa học trong khu vực với mong muốn chia sẻ và kết nối ngày càng nhiều hơn, để mong muốn tìm ra một con đường chung hướng tới sự bền vững.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Nam, Trưởng khoa Luật, chủ trì phiên hội thảo song song số 2 – “Các vấn đề xã hội, luật pháp và quản trị” nhấn mạnh: Hội thảo là cơ hội để Trường Đại học Kinh tế quốc dân tăng cường trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu và tư vấn hoạch định chính sách phát triển; Tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học trong khu vực và quốc tế.
Đồng thời là diễn đàn để các chuyên gia, các nhà khoa học chia sẻ những quan điểm, cách nhìn và phát hiện của mình về các vấn đề đang hiện hữu, tìm ra những lời giải cho các chính sách công cụ và giải pháp để đương đầu với những vấn đề phát triển, hướng tới một sự ổn định, hiệu quả và bền vững hơn tại từng vùng, quốc gia và toàn thể khu vực.
Đề cập tới những vấn đề thực tiễn, có ý nghĩa tích cực đối với đời sống xã hội, Hội thảo khoa học lần thứ 15 đã thành công tốt đẹp là diễn đàn khoa học quan trọng để các nhà khoa học đến từ các quốc gia, các trường đại học, các viện nghiên cứu chia sẻ và thảo luận chuyên sâu về các vấn đề kinh tế – xã hội – môi trường trong phát triển. Kết luận của Hội thảo sẽ là cơ sở quan trọng để các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan ban hành chính sách nghiên cứu, lựa chọn, áp dụng, đóng góp vào sự phát triển bền vững chung của khu vực và nước ta nói riêng.
Lê Toàn