06/05/2020 4:28:08

Bà trùm bảo kê Loan “cá” vừa bị bắt là ai?

Việc Công an Đồng Nai vừa bắt Lý Thị Loan (Loan “cá”) tổ chức thu tiền “bảo kê” chỗ bán của tiểu thương đã dấy lên nhiều câu hỏi về vai trò của Loan “cá”.

Đối tượng Loan “Cá“

Khi Công an Đồng Nai tổ chức truy bắt nhóm đòi tiền “bảo kê” chỗ bán hàng gần Khu công nghiệp Thạnh Phú, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu (giáp ranh TP Biên Hòa), Loan “cá” đã lộ diện và được công an xác định là người chủ mưu cho đàn em đòi tiền “bảo kê” chỗ ngồi buôn bán.

Để vây bắt được Loan “Cá”, gần 100 cảnh sát đặc nhiệm, cảnh sát cơ động… phải bất ngờ vây ráp chợ công nhân tại Khu công nghiệp Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai.

Khi thấy Loan “Cá” cùng đàn em vào cửa hàng sữa cưỡng đoạt tiền, các mũi trinh sát ập vào bắt giữ. Chúng chống trả, tháo chạy tán loạn, tuy nhiên 9 người đã bị khống chế, trong đó có hai nữ là Loan và Hoàng Thị Tuyết Nhung (35 tuổi, ở TP Biên Hòa).

Khám xét khu bãi giữ xe, cách cửa hàng sữa chừng 300m, là nhà của Loan, cơ quan điều tra thu nhiều tài liệu liên quan hoạt động bảo kê.

Nhiều nạn nhân cho hay có hơn 700 hộ buôn bán và bán hàng rong cho vài chục ngàn công nhân ở khu vực này.

Xác định đây là vùng đất béo bở, nhiều năm qua Loan “cá” từ Biên Hòa thông qua các mối quan hệ vươn vòi lên tận Vĩnh Cửu, kéo nhóm đàn em lên khu vực này đòi tiền “bảo kê”. Từ đây đã xảy ra những vụ đụng độ với một số nhóm thanh niên ở khu vực Bến Cá, Khu công nghiệp Thạnh Phú – huyện Vĩnh Cửu…

Khi khẳng định tên tuổi, Loan “cá” đã thao túng và cho đàn em thu tiền người bán hàng rong đứng che dù, hoặc bày một chỗ ngồi (từ 1-2m2), số tiền thu từ 10.000 đồng/lần/ngày rồi dần tăng lên 50.000 đồng/lần/ngày.

Đối với các hàng quán kinh doanh quanh khu vực khu công nghiệp, đàn em của Loan “cá” đến thu tiền tháng từ 500.000 đến 1,5 triệu đồng, tùy loại hình kinh doanh.

“Nhiều năm nay, Loan “cá” đã tổ chức cho đàn em thu tiền như vậy. Nếu ai không tuân thủ luật ngầm sẽ bị đàn em Loan “cá” kiếm chuyện, đạp đổ hàng hóa. Khi chống đối, cự cãi thì bị đánh hoặc bị chém” – một tiểu thương kinh doanh ở khu vực này tâm sự.

Ban đầu Lý Thị Loan được gắn cái tên Loan “cá” vì Loan xuất thân là một người buôn bán cá tại chợ Hóa An (phường Hóa An, Biên Hòa). Loan chỉ chuyên bán và bỏ mối cá điêu hồng. Khoảng 6 năm trước, khi Loan “cá” trở thành người “có số” sau những cuộc tranh giành ở chợ Hóa An cũng là lúc Loan thêm nghề cho vay…

Một người dân ở khu vực chợ Hóa An đề nghị không nêu tên cho biết tiểu thương nào cần tiền thì đến gặp Loan hoặc đàn em của Loan, chịu lãi suất thỏa thuận, với lãi suất rất cao vài chục %.

Tiếp đó Loan “cá” cho đàn em thu tiền của người buôn bán hàng rong trước cổng Công ty Pouchen (đối diện chợ Hóa An). Khi người buôn bán thắc mắc, không trả “tiền chỗ ngồi bán” thì sẽ có “người lạ” đến đạp đổ, kiếm chuyện đánh đập… Ngoài ra Loan “cá” ngoài việc đứng sau thu tiền “bảo kê” tiểu thương còn tổ chức cho vay nặng lãi nhiều năm nay ở khu vực Biên Hòa.

Các đối tượng trong nhóm bảo kê bị bắt khẩn cấp chiều ngày 5.5

“Đàn em của Loan có thể là người dân tại chỗ hoặc nhóm thanh niên xăm mình ở khu vực Hố Nai đi thu tiền lãi, tiền gốc cho Loan.

Sau này Loan còn chi tiền để đàn em đứng ra cho những ai có nhu cầu vay. Đa số người vay là tiểu thương, công nhân, thậm chí là các chủ quán massage, hớt tóc ở khu vực phường Hóa An…” – một người từng là nạn nhân cho biết.

Theo người này, những năm gần đây Loan “cá” là một người cho vay nặng lãi khá nổi tiếng ở Biên Hòa và sẵn sàng cho đàn em chém các con nợ hoặc tiểu thương nào chống đối…Sau khi vụ án kết thúc, ban giám đốc công an tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục có chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách

nhiệm của Trưởng Công an huyện Vĩnh Cửu, Công an xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu).

Phóng viên (t/h)