23/07/2020 2:22:17

Bình Dương: Giúp đỡ thanh niên “vùng khó” có việc làm ổn định

“Mức lương trung bình của người lao động đi làm việc tại Bình Dương khoảng từ 7-13 triệu đồng. Không những vậy, người lao động còn được hỗ trợ về nhà ở, ăn uống…”- Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Kon Tum cho biết. 

Thanh niên “vùng khó” tìm được việc làm

Những năm qua, tỉnh Kon Tum đã thực hiện rất nhiều phiên giao dịch việc làm lưu động trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các huyện vùng sâu, vùng xa. Điều này có được nhờ nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp, việc làm và an toàn lao động được giao.

Qua đó, nhiều người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự của huyện tìm được công việc phù hợp, mang lại thu nhuận ổn định.

Chỉ tính riêng trong năm 2019, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Kon Tum đã tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm trực tiếp tại đơn vị cho 1.716 lượt lao động có nhu cầu tìm việc làm và học nghề, xuất khẩu lao động, đạt 104% so với kế hoạch.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Kon Tum thường phối hợp với phòng Lao động -TB&XH các huyện để tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động

Trung tâm cũng đã phối hợp với phòng Lao động -TB&XH các huyện tổ chức thành công 8 phiên giao dịch việc làm lưu động thu hút hơn 3.710 đoàn viên thanh niên, người lao động tham gia. Kết quả, năm 2019 đã có 671 lao động được Trung tâm giới thiệu việc làm trong tỉnh và ngoài tỉnh, đạt 122% so với kế hoạch.

Về xuất khẩu lao động, Trung tâm đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu được 285 người, đạt 285% kế hoạch.

Trong hơn 6 tháng đầu năm 2020, Trung tâm đã giới thiệu cho 360 lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Mới nhất vào ngày 13/7, Trung tâm kết nối đưa đi làm việc tại Bình Dương 83 lao động, trong đó hơn 90% là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Kon Tum cho biết: “Mức lương trung bình của người lao động đi làm việc tại Bình Dương khoảng từ 7-13 triệu đồng. Không những vậy, người lao động còn được hỗ trợ về nhà ở, ăn uống…Qua đó, đã phần nào giúp cho cuộc sống người lao động từng bước ổn định và có thể tiết kiệm gửi về cho gia đình.”.

Thông qua những phiên giao dịch viện làm lưu động đã giúp đỡ cho hàng ngàn thanh niên “vùng khó” có công việc ổn định, mang lại thu nhập cao

Trước những hiệu ứng tích cực trong việc giải quyết việc làm cho người lao động, trong thời gian đến, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thu thập thông tin tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, lựa chọn những việc làm tốt, để giới thiệu đến người lao động thông qua việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại các huyện Đăk Hà, Ngọc Hồi, Kon Plông…

“Người lao động có việc làm sẽ giúp nâng cao đời sống cho gia đình, bản thân. Đồng thời, góp phần giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế xã hội của địa phương”, bà Nga chia sẻ.

2.500 việc làm…chờ lao động

Mới đây, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Kon Tum phối hợp với Phòng LĐ – TB&XH huyện Tu Mơ Rông tổ chức Phiên giao dịch việc làm lưu động nhằm đẩy mạnh hoạt động truyền thông về định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho đoàn viên thanh niên và lao động nông thôn trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông.

Tại đây, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Kon Tum đã tuyên truyền chính sách, pháp luật về lao động, chia sẻ thông tin về nhu cầu tuyển dụng của 33 tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với hơn 2.500 việc làm đang chờ người lao động.

Ngoài ra, người lao động còn được chia sẻ thông tin việc làm có thời hạn ở nước ngoài và chương trình học nghề.

Hiện nay, còn rất nhiều việc làm cần các lao động phổ thông để tuyển dụng làm ở các thành phố lớn

Tại phiên giao dịch việc làm, các doanh nghiệp đã thông tin đầy đủ về điều kiện tuyển dụng, tiền lương chế độ bảo hiểm, cùng các chính sách hỗ trợ học nghề, vay vốn đi xuất khẩu lao động; đã tổ chức đối thoại, tương tác với người lao động, để cùng trao đổi, chia sẻ những khó khăn và mong muốn của người lao động trong định hướng nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm phù hợp với trình độ chuyên môn.

Bà Nguyễn Thị Nga chia sẻ, nhiệm vụ chính của Trung tâm là tư vấn, giới thiệu làm việc, hỗ trợ kết nối người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm với các các đơn vị, doanh nghiệp cần tuyển lao động.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Kon Tum hiện nay đang tiếp tục rà soát, kết nối với nhiều công ty trong và ngoài nước để tạo việc làm cho thanh niên “vùng khó”

Muốn làm được việc đó, Trung tâm phải nắm bắt được thông tin về nhu cầu tuyển lao động của các doanh nghiệp. Cụ thể, Trung tâm cử cán bộ, nhân viên khảo sát thông tin, nhu cầu tuyển dụng của từng đơn vị, doanh nghiệp.

Sau đó, cán bộ về tổng hợp, biên soạn thành các Bản tin việc làm hàng tháng, các thông báo tuyển lao động gửi đến cán bộ cơ sở, thông tin, tuyên truyền cho người lao động biết, để lựa chọn việc làm phù hợp.

Đối với doanh nghiệp ngoài tỉnh, Trung tâm sẽ thông qua kênh thông tin từ Trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh bạn, tìm kiếm các doanh nghiệp uy tín, hoạt động hiệu quả, có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn.

“Với các doanh nghiệp ngoài tỉnh, chúng tôi làm việc chặt chẽ hơn, phải xác minh tư cách pháp nhân, điều kiện thực tế của doanh nghiệp. Thậm chí, chúng sẵn sàng bố trí nhân viên đi khảo sát thực tế rồi mới tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu người lao động vào làm việc. Bằng cách làm đó, người lao động sẽ lựa chọn công việc phù hợp với trình độ, năng lực cũng như sở thích để cống hiến”, bà Nga cho biết

Thúy Anh (Tổng hợp)