Bước vào kỷ nguyên công nghệ, trong bối cảnh y tế thế giới không ngừng đổi mới, bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hạng đặc biệt tiên phong chuyển đổi số toàn diện, với những đột phá ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật hiện đại, ứng dụng AI, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
“Là bệnh viện hàng đầu của cả nước, bệnh viện Bạch Mai có nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ y bác sĩ vẹn toàn y đức, nhiệt huyết… Bệnh viện Bạch Mai đang hướng tới mục tiêu thực hiện các trụ cột chiến lược, nâng tầm vị thế, hội nhập quốc tế trong giai đoạn 2025- 2030” – PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ.

Bệnh viện đầu tiên triển khai bệnh án điện tử và ứng dụng Bạch Mai care
Thay vì sổ khám bệnh bằng giấy hay các giấy tờ xét nghiệm, bệnh viện Bạch Mai đã triển khai bệnh án điện tử trên ứng dụng công nghệ đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân cũng như đội ngũ y tế trong quá trình sử dụng, thăm khám chữa bệnh, vận hành và quản lý hồ sơ bệnh án.
Đó là tiết kiệm được thời gian, chi phí, quản lý thông tin hiệu quả. Triển khai bệnh án điện tử còn thuận tiện trong liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện cơ sở với bệnh viện Bạch Mai. Đồng thời, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, giảm thiểu các thủ tục hành chính và rút ngắn thời giai giải quyết hồ sơ.

Tương tự, với ứng dụng Bạch Mai care, người dân chỉ cần chiếc điện thoại trong tay có thể đặt lịch khám bệnh, tra cứu và theo dõi toàn bộ quá trình khám sức khỏe tại bệnh viện Bạch Mai.
Nâng tỷ lệ ghép tạng thành công đạt 95%, tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế
Hướng tới mục tiêu “Vì sức khỏe người dân”, ban lãnh đạo, giám đốc bệnh viện Bạch Mai đã và đang tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến – ghép đa tạng từ người hiến chết não. Trên cơ sở thực tế từ tháng 10/2024, bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện thành công ca lấy và ghép đa tạng đầu tiên từ người hiến chết não, cứu sống 4 bệnh nhân suy tim, gan và thận.
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: Ghép đa tạng từ người hiến chết não tại bệnh viện Bạch Mai được các chuyên gia trong và ngoài nước ủng hộ, do người hiến tạng từ người chết não tại bệnh viện rất lớn. Bệnh viện Bạch Mai hội tụ đội ngũ y bác sĩ giỏi, với trình độ kỹ thuật cao, là bệnh viện đa khoa có đầy đủ hệ nội tiết và hệ ngoại với các chuyên khoa sâu như thận, tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, chống độc…

Bên cạnh đó, bệnh viện Bạch Mai có Trung tâm hồi sức tích cực với các chuyên gia hàng đầu Việt Nam dày dặn kinh nghiệm. Bởi vậy, công tác hồi sức cho bệnh nhân trong và sau ghép tạng rất thuận lợi. Đây là những yếu tố quan trọng để bệnh viện triển khai “ Đề án ghép đa tạng” giai đoạn 2025- 2030.
Theo kế hoạch đề án này, bệnh viện Bạch Mai sẽ hợp tác chặt chẽ với Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia và Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh viện 108… để đào tạo đội ngũ chuyên gia, đầu tư hệ thống phòng mổ vô khuẩn hiện đại. Mục tiêu của đề án là nâng tỷ lệ ghép tạng thành công lên 95%, tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế.
Ứng dụng AI, Robot trong chẩn đoán, phẫu thuật
Cuộc cách mạng công nghệ với việc triển khai hệ thống chẩn đoán hình ảnh thông minh, bệnh viện Bạch Mai đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tự động phát hiện khối u, tổn thương với độ chính xác lên đến 98%. Với cơ sở kho dữ liệu khổng lồ, kết nối 23,6 triệu lượt xét nghiệm và 2,4 triệu ca chẩn đoán hình ảnh sẽ tạo nên cơ sở tuyệt vời để phát triển các phần mềm dự báo dịch bệnh dựa trên dữ liệu thực, thời gian thực…

Tối ưu AI và phân tích kho dữ liệu khổng lồ sẽ là trợ thủ đắc lực giúp bệnh viện Bạch Mai triển khai cá thể hóa trong điều trị. Mục tiêu 2025 của bệnh viện Bạch Mai trong ứng dụng AI là: Liên thông dữ liệu với hệ thống y tế quốc gia, triển khai AI trong quản lý giường bệnh và dự phòng biến chứng.
Cùng với AI, việc ứng dụng robot trong phẫu thuật mở ra kỷ nguyên mới, bởi robot được tích hợp sâu rộng vào các quy trình y tế, nâng tầm độ chính xác và giảm rủi ro cho bệnh nhân. Đó là hệ thống robot phẫu thuật thế hệ mới Da Vinci XI với nhiều tính ưu việt: Giảm 70% biến chứng nhiễm trùng, thời gian hồi phục nhanh hơn 40%. Hiện nay đã có trên 6.500 hệ thống Da Vinci được lắp đặt tại 67 quốc gia, trên 55 nghìn bác sĩ được đào tạo chuyển giao công nghệ sử dụng hệ thống Da Vinci và đã được lắp đặt tại 67 quốc gia trên thế giới.
Kế hoạch năm 2025, bệnh viện Bạch Mai dự kiến sẽ ứng dụng triển khai phẫu thuật robot trong lĩnh vực Tiêu hóa và Tim mạch.
Ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong điều trị các bệnh hiểm nghèo
Bệnh viện Bạch Mai là một trong những đơn vị tiên phong nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc trong điều trị các bệnh hiểm nghèo như: Ung thư máu – Sử dụng tế bào gốc tạo máu để phục hồi tủy xương; Tế bào gốc để điều trị bệnh thoái hóa khớp; Cấy ghép tế bào gốc trung mô tự thân nhằm tái tạo da cho những người bị bỏng nặng; Tái tạo da, trẻ hóa từ tế bào gốc biểu bì. Công nghệ tế bào gốc mở ra hy vọng cho những bệnh nhân ung thư và là bước tiến trong công cuộc trẻ hóa, kéo dài thanh xuân.
PGS.TS Vũ Văn Giáp – PGĐ Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Năm 2025 bệnh viện Bạch Mai định hướng chiến lược sẽ phát triển chuyên sâu các kỹ thuật tế bào gốc, các phương pháp tách chiết, lưu trữ, bảo quản, nuôi cấy, sản xuất, đánh giá chất lượng tế bào gốc cho các mục đích khác nhau; đẩy mạnh các nghiên cứu lâm sàng để đánh giá hiệu quả và an toàn của các liệu pháp tế bào gốc; đào tạo, chuyển giao các kỹ thuật, ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong điều trị bệnh. Các chuyên khoa trong bệnh viện sẽ phát triển các kỹ thuật theo chuyên khoa, phối hợp cùng nhau phát triển các kỹ thuật, nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh lý chuyên khoa.
Bệnh viện đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu về tế bào gốc, đề án hợp tác với Viện nghiên cứu tế bào gốc của Nhật Bản và Mỹ, dự kiến hoàn thành phòng Lab đạt chuẩn GMP vào cuối năm 2025.
Phát triển gen trị liệu – Giải mã gốc rễ bệnh di truyền
Bệnh viện Bạch Mai tập trung phát triển gen trị liệu – đây là hướng đi mới trong y học chính xác để điều trị các bệnh rối loạn chuyển hóa như phenylketon niệu, thiếu máu hồng cầu hình liềm; Ứng dụng CRISPR-Cas9 để sửa đổi gen lỗi, giảm nguy cơ di truyền bệnh…
Để triển khai trụ cột thứ tư này, Bệnh viện sẽ thành lập Trung tâm Gen trị liệu trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai. Trung tâm này sẽ triển khai các nhiệm vụ: Tư vấn di truyền các bệnh lý thường gặp và hiếm gặp; Thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm gen trong sàng lọc, phát hiện sớm, chẩn đoán bệnh, điều trị các bệnh thuộc nhiều chuyên ngành: Ung thư, huyết học, tim mạch, nhi, thần kinh, miễn dịch, tiêu hóa, da liễu, thận tiết niệu; Chuyển giao công nghệ, ứng dụng gen trị liệu; Hợp tác với các Viện nghiên cứu trong và ngoài nước để phát triển các liệu pháp gen mới…
Cá nhân hóa thiết bị y tế với công nghệ in 3D
Cá nhân hóa thiết bị y tế với công nghệ in 3D là “chìa khóa” cho y học cá thể hóa. Đo lường, sản xuất đốt sống vừa vặn với giải phẫu từng bệnh nhân; In da nhân tạo, mô phỏng phần tai bị mất…là những kết quả mà công nghệ in 3D đem lại cho người bệnh.
Bệnh viện Bạch Mai đã có lộ trình bằng những việc cụ thể: Xây dựng quy trình và áp dụng triển khai công nghệ in 3D trong khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng cho người bệnh; Từ 05 chuyên khoa thực hiện theo đề án, sau đó sẽ nhân rộng đến các chuyên khoa khác trên toàn Bệnh viện; Thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ in 3D; Đào tạo các bệnh viện, cơ sở y tế khác trong cả nước trong việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ in 3D; Tham gia vào các dự án hợp tác và thử nghiệm, các dự án quốc tế nhằm nâng cao chất lượng thiết bị y tế, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và nhu cầu trong nước.
Thu Thủy