Năm học 2023- 2024, trường CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh ( BCEC) có chỉ tiêu tuyển sinh 1.535 học sinh, sinh viên (HSSV) ở các cấp trình độ: Cao đẳng ( 650 chỉ tiêu), Trung cấp ( 800 chỉ tiêu), Sơ cấp ( 85 chỉ tiêu).
Ngoài ra, nhà trường còn tuyển sinh đào tạo thường xuyên với chỉ tiêu trên 1.000 học viên nhằm đáp ứng nhu cầu cầu của thị trường lao động.
Tiếp tục đồng hành cùng Nghị quyết 10/2021/NQ- HĐND tỉnh Bắc Ninh về “Quy định hỗ trợ học phí cho học sinh tốt nghiệp THPT học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh từ năm học 2021- 2022 đến năm học 2025 – 2026”. BCEC cũng có những cơ chế, chính sách đặc thù riêng nhằm khuyến khích các em HSSV tham gia đăng ký học nghề tại trường.
Học bổng toàn phần trị giá 30 triệu đồng
Vừa qua, nhà trường đã ban hành Quyết định 225/QĐ-CĐXD-SXDVĐS về “Quy định xét chọn 10 suất học bổng toàn phần cho sinh viên khóa 52, niên khóa 2023- 2026”. Đây là năm thứ hai BCEC có chính sách khuyến khích, khuyến tài bằng chương trình học bổng toàn phần cho sinh viên hệ Cao đẳng, Cao đẳng chất lượng cao.
Theo Quyết định 225/QĐ-CĐXD- SXDVĐS, đối tượng được xét nhận học bổng là những học sinh trực tiếp đăng ký học trình độ Cao đẳng, Cao đẳng chất lượng cao khóa 52. Nhà trường căn cứ vào 3 tiêu chí cơ bản dưới đây để xét chọn ra 10 sinh viên được nhận học bổng. Cụ thể:
Tiêu chí 1 là nằm trong danh sách 60 sinh viên có thời gian đăng ký học sớm nhất (tính từ ngày 20/03/2023 đến hết ngày 01/05/2023) theo quy chế tuyển sinh, xét điểm theo thứ tự: 1 – 10 là 40 điểm; 11 – 20 là 35 điểm; 21 – 30 là 30 điểm; 31 – 40 là 25 điểm; 41 -v50 là 20 điểm; 51 – 60 là 15 điểm.
Tiêu chí 2 là nằm trong tốp 60 sinh viên đăng ký nhận học bổng, có điểm tổng kết lớp 11 và kỳ I lớp 12 đạt loại Khá trở lên, lấy từ cao xuống thấp (xét thang điểm như tiêu chí 1).
Tiêu chí 3: Thuộc diện đối tượng ưu tiên (Người học chỉ được hưởng một chế độ tính điểm cao nhất): Học sinh là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú tạ các xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quy định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc hiện hành; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của chương trình giảm nghèo bền vững theo quy định hiện hành (20 điểm).
Học sinh là con liệt sĩ, thương binh bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; con bệnh binh bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động 81% trở lên; con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động 81% trở lên”; Con của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động; người bị dị dạng, dị tật do hậu quả của chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp hàng tháng là con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Con của người có công với cách mạng quy định tại điểm a, b, d khoản 1 Điều 3 pháp lệnh số 02/2020/PL- UBTVQH14 ngày 09 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ưu đãi người có công với cách mạng ( 15 điểm).
Học sinh là công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú ở ngoài khu vực đã quy định thuộc đối tượng 01 (10 điểm).
Học sinh là con thương binh, bệnh binh, con của người được hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động dưới 81%; Con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động dưới 81%; con của người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; con của người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế được hưởng chế độ ưu tiên theo quy định tại khoản 3 và làm nghĩa vụ quốc tế được hưởng chế độ ưu tiên theo quy định tại khoản 3, Điều 36 Pháp lệnh số 02/2020/PL-UBTVQH 14 ngày 09 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ưu đãi người có công với cách mạng; Con của người có công giúp đỡ cách mạng (5 điểm).
Căn cứ vào kết quả tổng hợp, nhà trường sẽ xét chọn theo điểm tổng hợp từ cao xuống thấp để chọn ra 10 sinh viên nhận học bổng toàn phần. 10 sinh viên đạt tiêu chí xét chọn của nhà trường sẽ được nhận học bổng toàn phần trị giá 30 triệu đồng/ toàn khóa học trong 3 năm ( 2023- 2026).
HSSV học nghề trọng điểm được hỗ trợ học phí
Đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng nghề chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhằm phục vụ đắc lực cho quá trình công nghiệp hóa, hiện thực hóa ước mơ để Bắc Ninh trở thành thành phố công nghiệp hiện đại, công nghệ cao vào năm 2030 và thành phố thông minh vào năm 2045. BCEC là một trong những cơ sở Giáo dục nghề nghiệp được thụ hưởng chính sách từ Nghị Quyết 10/2021/NQ- HĐND tỉnh Bắc Ninh trong đào tạo nguồn nhân lực ở các ngành nghề trọng điểm.
Theo đó, HSSV, người lao động đang sinh sống tại Bắc Ninh với điều kiện đã tốt nghiệp THPT tại các trường trong tỉnh và tham gia học nghề trình độ Cao đẳng, Trung cấp đăng ký học 1 trong 29 nghề trọng điểm ở 4 nhóm ngành, nghề với các mức hỗ trợ tăng dần qua mỗi năm học (theo quy định cụ thể tại Nghị quyết 10). Đó là các nhóm nghề: Kỹ thuật công nghệ và thông tin nhóm ngành nghề sản xuất, chế biến và xây dựng; Nhóm ngành, nghề Sức khỏe; nhóm ngành nghề Du lịch, dịch vụ và môi trường.
Mùa tuyển sinh năm 2023, BCEC tiếp tục tuyển sinh và đào tạo nhiều ngành nghề trọng điểm ở các trình độ Trung cấp, Cao đẳng như: Kế toán doanh nghiệp 110 chỉ tiêu; Điện công nghiệp 275 chỉ tiêu; Điện tử công nghiệp 440 chỉ tiêu; Công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm) 105 chỉ tiêu; Công nghệ ô tô 110 chỉ tiêu; Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí 175 chỉ tiêu; Xây dựng và hoàn thiện công trình thủy lợi 25 chỉ tiêu; Hàn 95 chỉ tiêu…
Bên cạnh đó, nhà trường cũng có chính sách hỗ trợ đối với những sinh viên ngoại tỉnh khi tham gia theo học hệ Cao đẳng với mức hỗ trợ kinh phí 300.000 đồng/ sinh viên/ tháng.
Cùng đó, trong quá trình học tập, HSSV của nhà trường cũng được các doanh nghiệp quan tâm khuyến khích thông qua chương trình học bổng doanh nghiệp. Một số doanh nghệp lớn như Samsung, Daikin, Viantech Vina, Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải. Rất nhiều sinh viên có thành tích học tập tốt, kỹ năng chuyên môn đạt chuẩn thông qua đánh giá của doanh nghiệp đã nhận được học bổng và được doanh nghiệp “đón đầu” ở vị trí việc làm từ cấp tổ trưởng trở lên.
Thầy Trương Văn Tâm, Chủ tịch Hội đồng trường, Phó Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: “Các cơ chế, chính sách ưu việt của tỉnh Bắc Ninh và sự đồng hành của nhà trường, doanh nghiệp đã góp phần tạo nên sự chuyển biến nhận thức mạnh mẽ trong xã hội. Tư duy của các bậc phụ huynh và các em học sinh đã trở nên thiết thực hơn trong xu hướng chọn trường, chọn nghề. Chất lượng đào tạo là thương hiệu của nhà trường, HSSV học nghề có cơ hội việc làm, có thu nhập ngay từ đang học với mức thu nhập từ 6- 8 triệu đồng/ tháng đã trở nên phổ biến. Có nghề trong tay, các em có nhiều lựa chọn trong thế giới việc làm mà không lo thất nghiệp”.
Minh Dũng