04/02/2025 10:57:29

BCEC- “Đứng trên vai người khổng lồ” đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Có nhiều cách để phát triển, trong điều kiện nhà trường chưa có điều kiện đầu tư về trang thiết bị, máy móc công nghệ hiện đại như các quốc gia phát triển trên thế giới… Phương cách nhanh và hiệu quả, đó chính là sự chủ động nắm bắt cơ hội, học hỏi và hội nhập từ các nước có nền công nghiệp hiện đại, tiên tiến, đồng bộ” – NGƯT.TS Nguyễn Quốc Huy – Hiệu trưởng CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh (BCEC) chia sẻ.

Với cách tiếp cận này, giảng viên, sinh viên nhà trường được tiếp cận với kỹ thuật công nghệ mới nhất, phù hợp với thực tiễn, khi các em trở về đều được doanh nghiệp đón nhận và tham gia ngay vào quá trình sản xuất, vận hành các trang thiết bị máy móc hiện đại. Đây là xu hướng và nhà trường sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới với phương châm “ Đứng trên vai người khổng lồ”để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Huy khẳng định.

BCEC ký kết hợp tác với CĐN Yên Đài, Công ty TNHH Thiết bị công nghiệp Hải Chi Thần, Thanh Đảo; Công ty TNHH Luxshare ICT và Công ty TNHH trí tuệ nhân tạo HaiZhiChen Việt Nam.

Đến “công xưởng hế giới” học Robot công nghiệp

Từ năm 2022 đến nay, BCEC đã “tiên phong” phối hợp đào tạo nguồn nhân lực gắn chặt với nhu cầu, vị trí việc làm của doanh nghiệp.

Mô hình đào tạo “1 + 1 + 1” với Công ty TNHH Goertek Vina là một minh chứng, mô hình này ngày càng mở rộng về quy mô, chất lượng đào tạo được doanh nghiệp đánh giá vượt trội so với sinh viên được đào tạo thông thường tới 3 năm kinh nghiệm. 43 sinh viên đầu tiên đào tạo theo mô hình này ở nghề Điện công nghiệp và Điện tử công nghiệp được học tập, tiếp cận với hệ thống máy móc hiện đại, đồng bộ tại Trung tâm đào tạo GoerTek, đã có tới 17 sinh viên đạt xuất sắc, 21 sinh viên đạt loại giỏi, 4 sinh viên đạt loại khá. Từ kết quả này, BCEC tiếp tục nhân rộng mô hình này ở các lớp sinh viên tiếp theo.

BCEC còn tăng cường hợp tác, trao đổi học thuật, nâng cao năng lực cho giảng viên, sinh viên với các đối tác: Trường Cao đẳng nghề Yên Đài, Công ty TNHH Thiết bị Công nghiệp Hải Chi Thần Thanh Đảo, Công ty TNHH Luxshare ICT; Công ty TNHH Trí tuệ nhân tạo Haizhichen Việt Nam.

Sinh viên BCEC tham gia Lớp học Máy thị giá tại Trung Quốc 

Thầy Phạm Văn Thanh, giảng viên khoa Công nghệ ô tô được nhà trường giao nhiệm vụ đưa  25 sinh viên các ngành: Điện công nghiệp, Kỹ thuật máy lạnh và Điều hòa không khí, Điện tử công nghiệp, Công nghệ ô tô sang Trung Quốc trao đổi học tập, giao lưu và phát triển các kỹ năng mềm.

Thầy Thanh cho biết: Được sự hỗ trợ tích cực từ phía đối tác, thầy và trò BCEC được tới các Trường Công nghệ ứng dụng Trung Đức (TP Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc), trường CĐ nghề Yên Đài (TP Yên Đài), trường CĐ nghề công nghiệp nhẹ Liêu Ninh (TP Đại Yên, tỉnh Liêu Ninh), trường CĐ nghề kỹ thuật Hàm Ninh (TP Hàm Ninh, tỉnh Hồ Bắc) trải nghiệm học tập. Đây là những cơ sở đào tạo nghề quy mô lớn, có đội ngũ giảng viên trình độ giỏi và được đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất, trang thiết giảng dạy đồng bộ với trang thiết bị đang được sử dụng tại các doanh nghiệp. Ngay tại trường Công nghệ ứng dụng Trung Đức còn có trung tâm đào tạo tài năng robot công nghiệp và trung tâm đào tạo tài năng kỹ năng sản xuất thông minh Trung Đức.

Chỉ trong một tháng học tập, trải nghiệm, giảng viên, sinh viên BCEC được mở mang, tiếp cận rất nhiều các kỹ năng về ngành robot công nghiệp như: Ứng dụng máy thị giác cơ bản, Kỹ thuật Robot cơ bản, thực hành thao tác robot công nghiệp, truyền động điện, phần mềm mô phỏng robot công nghiệp robot Studio, kỹ năng an toàn khi điều chỉnh và vận hành robot công nghiệp, kiến thức cơ bản về tay dạy robot ABB…

Bên cạnh các giờ học chuyên môn, giảng viên, sinh viên BCEC còn được tham quan thực tế các doanh nghiệp lớn có quy mô sản xuất hiện đại có sử dụng robot công nghiệp trong sản xuất như BOE, Haisin Air Conditioning, Wuling Motors, Haier, Hexkon, Jirui Petroleum Equipment, Huading New Energy, Dongfang Electronics …  Qua đó, giảng viên, sinh viên BCEC được quan sát thực tế sản xuất trong các nhà máy cũng như nâng cao các kỹ năng nghề nghiệp liên quan đến ứng dụng công nghệ điều khiển robot công nghiệp trong sản xuất. Cùng đó là các giờ học ngôn ngữ tiếng Trung, học Văn hóa, ẩm thực truyền thống Trung Quốc khá sôi nổi, hào hứng.

Lớp học lập trình Robot công nghiệp

Sinh viên Nguyễn Danh Cao, CĐ K51, lớp Máy lạnh 1, ngành Kỹ thuật Máy lạnh và Điều hòa không khí tham gia học tập trải nghiệm ở 3 trường nói trên cho biết: “Những kiến thức, kỹ năng được học ở Trung Quốc giúp em ứng dụng tốt vào ngành công nghệ ô tô, bán dẫn, điều khiển, vận hành bảo trì hệ thống PLC, lập trình robot công nghiệp.

Chúng em còn được đến các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất – nơi chỉ có những guồng máy tự động và cánh tay robot công nghiệp làm việc, còn con người thì rất ít. Điều đó cho chúng em sự nhận thức rõ ràng về thế giới việc làm, đòi hỏi phải có các kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp để làm chủ công nghệ trong nền công nghiệp số. Hơn nữa, trình độ ngôn ngữ tiếng Trung được nâng cao, cùng với sự hiểu biết về văn hóa Trung Quốc sẽ là điều kiện thuận lợi để chúng em tự tin làm việc trong các doanh nghiệp FDI của Trung Quốc tại Việt Nam hay tham gia chuyển dịch lao động tại Trung Quốc”.  

Thầy Thanh cho biết thêm: “Ứng dụng các kỹ năng mới được lĩnh hội từ các trường học, doanh nghiệp tại Trung Quốc trong ngành Công nghệ ô tô, nắm bắt xu hướng của xã hội, thời gian tới, nhà trường sẽ có kế hoạch mở rộng thêm các mô-đun mới, đưa vào chương trình đào tạo, gắn với các kỹ năng mới như: Công nghệ lắp ráp, sửa chữa ô tô điện, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của xã hội”.

Lớp học vận hành Robot công nghiệp

Tới Singapore học tập mô hình nghề xanh , ứng phó biến đổi khí hậu

Bên cạnh trao đổi học thuật tại Trung Quốc, BCEC còn đưa giảng viên, sinh viên tham gia trải nghiệm, trao đổi học thuật tại Học viện Giáo dục kỹ thuật Tây ITE (theo chương chương trình trao đổi sinh viên giữa Việt Nam và Singapore là dự án được đồng tài trợ bởi học viện Giáo dục Kỹ thuật Tây ITE- Singapore và Quỹ Temasek Foundation). Năm 2023- 2024, BCEC cử 25 sinh viên (2 đợt) và 2 giảng viên tham gia chương trình này. Ngược lại, sinh viên của Học viện này cũng sang Việt Nam, tham quan BCEC và tham quan mô hình đào tạo nghề của nhà trường, giao lưu văn hóa, thể thao, trao đổi học tập và tham quan một số công ty, nông trại, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang.

Thầy Phạm Văn Thanh ( giữa) và các sinh viên BCEC tham quan tại doanh nghiệp Trung Quốc

Cô Cao Thị Tú, Trưởng phòng khảo thí và kiểm định chất lượng, chủ tịch Công đoàn cho biết:“Thông qua các chương trình trao đổi học tập giữa 2 bên, các em sinh viên đều phát huy được những năng lực, tư duy tích cực, cũng như xây dựng được cho mình phong cách làm việc chuyên nghiệp. Đối với sinh viên BCEC tham gia học tập, trao đổi tại Singapore,  các em đều phải có bài thu hoạch, thuyết trình về những vấn đề được tiếp cận và được nói lên những ý tưởng, sáng tạo của mình, ứng dụng nghề được học trong đời sống sản xuất sau này nhằm góp phần cho sự phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay”.

Sinh viên Nguyễn Văn Toàn, CĐK 51, Điện tử tin học được tham gia chương trình này cho biết: “Chuyến đi trải nghiệm 2 tuần tại đất nước Singapore mang lại cho em nhiều điều bổ ích, được tham quan nhiều nơi và được tiếp cận các phương pháp công nghệ cao trong xử lý nước, xử lý rác thải. Qua đó cho em những bài học ứng dụng nghề Điện tử công nghiệp trong đời sống thực tiễn sản xuất, hướng tới những vấn đề xây dựng hệ sinh thái xanh, bảo vệ môi trường. Chúng em được giao lưu các hoạt động văn hóa, thể thao, qua đó cũng nâng cao các kỹ năng về ngoại ngữ tiếng Anh để có thể phục vụ tốt hơn trong nghiên cứu, học tập cũng như phát triển bản thân sau này”.

Bình Minh