Sáng 24/11 tại 2 điểm cầu ở Hà Nội và TP HCM, Hội thảo với chủ đề “Bảo vệ sức khoẻ- thích ứng an toàn với dịch Covid-19” do Báo Tiền Phong và các đơn vị tài trợ phối hợp đã được tổ chức long trọng. Hội thảo có sự tham dự của rất nhiều diễn giả là chuyên gia hàng đầu đang công tác trong lĩnh vực y tế. Với nhiều bài tham luận có nội dung “hot” thông qua chương trình Hội thảo, Báo Tiền Phong mong muốn mang đến cho cộng động những thông tin cần thiết để bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội, thích ứng an toàn với dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Toàn cảnh hội thảo
Hội thảo với sự có mặt của các lãnh đạo cơ quan quản lý Nhà nước như đại diện Bộ Y tế, PGS.TS-BS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh Bộ Y tế; TS-BS Nguyễn Vũ Thượng – Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM; Ông Đặng Mạnh Trung- Vụ trưởng- Trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TPHCM; TS-BS Phan Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TPHCM kiêm Giám đốc BV Điều dưỡng phục hồi chức năng TPHCM. PGS-TS-BS Trần Đắc Phu – Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng. Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam (đầu cầu Hà Nội).
PGS-TS-BS Trần Đắc Phu – Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam
Vi rút SARS-CoV-2 (tên gọi cũ là nCoV) là một chủng virus corona mới trước đây chưa từng được xác định trên người. Đến nay đã xác định được 6 chủng virus Corona có khả năng lây nhiễm ở người và SARS- CoV-2 là thành viên thứ bảy.
Ba trong số các virus này bao gồm: SARS-CoV, MERS-CoV và SARS-CoV-2 có thể gây bệnh nặng; bốn chủng khác gồm HKU1, NL63, OC43 và 229E, có liên quan đến các triệu chứng hô hấp nhẹ như sốt và đau họng, xảy ra chủ yếu vào mùa đông và đầu mùa xuân. Virus corona có thể gây viêm phổi trực tiếp do virus hoặc do vi khuẩn thứ phát. Ba chủng virus corona gây bệnh nặng, gây ra các vụ dịch lớn về qui mô và mức độ tổn thương bao gồm: virus corona gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng được phát hiện vào năm 2002 được gọi là SARS-CoV; tiếp đến là virus corona gây hội chứng viêm đường hô hấp Trung Đông được phát hiện vào năm 2012 được gọi là MERS-CoV; và gần đây nhất là virus corona gây bệnh viêm phổi ở Vũ Hán được phát hiện vào giữa tháng 12/2019 được gọi là SARS-CoV-2.
TS.BS Trần Chí Cường – Giám đốc Bệnh viện S.I.S Cần Thơ
Theo thống kê của Bộ Y tế về tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam, kể từ đầu dịch đến nay nước ta ghi nhận 1,1 triệu ca mắc. Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ có số ca mắc cao. Trong khi đó với tỉ lệ số ca nhiễm trên 1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 150/223 quốc gia và vùng vùng lãnh thổ, bình quân 11.006 ca/ 1 triệu người.
Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 đã và đang để lại những hậu quả nặng nề cho cộng đồng, tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội. COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 22.300 người dân và cán bộ chiến sĩ, lực lượng y bác sĩ trên cả nước, gây bao đau thương cho hàng loạt gia đình, đẩy nhiều trẻ em vào cảnh mồ côi. Dịch bệnh kéo dài đã khiến chuỗi sản xuất, kinh doanh bị đứt gãy, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế – xã hội.
Đại dịch COVID-19 đến nay đã cơ bản được kiểm soát tại TPHCM và các tỉnh Đông Nam Bộ, hoạt động kinh tế – xã hội đang từng bước được mở cửa, khôi phục trở lại. Tuy nhiên, số ca bệnh hiện vẫn đang gia tăng và diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành thuộc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên. Cả nước đang thực hiện mục tiêu “từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
PGS.TS-BS Nguyễn Thị Bay – Chủ tịch Liên chi hội Đông Tây Y kết hợp
Với các tham luận diễn ra tại Hội thảo của PGS,TS Trần Đắc Nhu – Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam” Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả”; BS Trương Hữu Khanh – PCT Hội truyền nhiễm TPHCM “Chủ động bảo vệ sức khoẻ trong tình hình mới và vai trò của vắc xin ngừa Covid-19”; TS,BS Trần Chí Cường GĐ Bệnh viện S.I.S Cần Thơ với tham luận “Đột quỵ trong mùa Covid-19- làm sao để an toàn” hay bài tham luận của BS Đinh Quang Thanh, PGĐ Bệnh viện Phục hồi Chức năng “Những di chứng nặng nề hậu Covid-19 và giả pháp hỗ trợ người bệnh”,…. và rất nhiều chia sẽ, luận bàn của các diễn giả đầu ngành đang công tác thậm chí là tuyến đầu trong lĩnh vực y tế.
Hội thảo được tường thuật trực tiếp trên các nền tảng điện tử của Báo Tiền Phong là báo điện tử Tiền Phong, livestream trên fanpage, kênh youtube báo Tiền Phong giúp bạn đọc theo dõi. Hỗ trợ, giúp cho người dân thực hiện tốt chiến lược “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Quốc Trung