Sự việc xảy ra vào giờ ra chơi, ngay tại sân trường trước sự chứng kiến của khoảng 10 em học sinh khác, nỗi ám ảnh “bạo lực học đường” kinh hoàng này sẽ để lại những tổn thương tinh thần sâu sắc suốt những ngày tháng các em cắp sách đến trường.
Mới đây, sự việc một học sinh lớp 9 dùng hung khí đâm tử vong học sinh lớp 8 cùng trường do mâu thuẫn trong giờ ra chơi đã khiến các bậc phụ huynh bàng hoàng, sửng sốt và đặt ra câu hỏi: “Điều gì đang diễn ra trong môi trường học đường vốn cần sự lành mạnh, yêu thương?”
Được biết, vào khoảng 8h30′ sáng ngày 1/4 tại Trường THCS Hồng Hà (Đan Phượng, Hà Nội), trong giờ ra chơi sau tiết 1, em N.V.H.D (lớp 8) xảy ra mâu thuẫn với Q.K (lớp 9). Trong lúc cãi vã, do không khống chế được bản thân em Q.K đã dùng dao nhọn đâm vào vùng ngực H.D, vết thương đã khiến em H.D gục tại chỗ trước sự chứng kiến của khoảng 10 em học sinh khác.
Ngay khi phát hiện sự việc, lãnh đạo nhà trường đã đưa em H.D đến Bệnh viện Đa khoa huyện Đan Phượng cấp cứu nhưng do thương tích quá nặng, H.D đã qua đời trong sự đau đớn, bàng hoàng của người thân. Hiện, cơ quan công an đang tiến hành lấy lời khai của Q.K và 10 em học sinh chứng kiến để làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Tận mắt chứng kiến sự việc những người “bạn học” mâu thuẫn đến mức gây ra án mạng, nhiều học sinh Trường THCS Hồng Hà không khỏi hoảng sợ, ám ảnh. Những hình ảnh bạo lực ấy sẽ không dễ dàng bị lãng quên trong tâm trí các em, nhất là khi các em đang ở lứa tuổi tâm sinh lý còn chưa ổn định, đang trong giai đoạn hình thành đạo đức, tính cách và chuẩn mực con người.
Sự ra đi của H.D không chỉ là nỗi đau không thể diễn tả bằng lời đối với những người thân trong gia đình, bạn bè và nhà trường mà còn là “nỗi đau” của nền giáo dục nước ta khi vấn nạn bạo lực học đường ngày càng có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, táo bạo hơn.
Năm 2010, trong một thống kê chưa đầy đủ của Bộ GD&ĐT, cả nước có 1.600 vụ học sinh đánh nhau, làm chết 7 em, nhiều học sinh phải mang thương tật suốt đời. Trong đó, có 881 em bị nhà trường xử lý kỷ luật khiển trách, cảnh cáo 1.558 em, đuổi học 735 em.
Đến năm 2012, Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em của Bộ LĐ-TB&XH thống kê, bình quân cứ 5.200 học sinh có 01 vụ đánh nhau, trong 11.000 học sinh có 01 học sinh buộc phải thôi học vì đánh nhau. Đặc biệt, số vụ bạo hành trong trường học năm 2012 tăng 13 lần so với 10 năm trước đây.
Và gần đây nhất, năm 2018, cả nước có hơn 2.000 vụ đánh nhau, bạo lực trong các trường học. Tuy nhiên, những con số này chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”, trong thực tế, con số này có thể còn lớn hơn rất nhiều.
Tất cả những điều này đã nói lên rằng, nạn bạo lực học đường ngày càng trở nên phổ biến, đe doạ đến sự hình thành phát triển nhân cách của học sinh và sự bình yên, môi trường lành mạnh trong các nhà trường, gây hậu quả nghiêm trọng cho thế hệ tương lai của đất nước, cho gia đình, nhà trường và xã hội.
Thúy Anh