0h ngày 8/10, đội tuyển Việt Nam sẽ đấu với đội tuyển Trung Quốc. Đây là trận đấu được người dân của cả hai nước quan tâm. Và từ mấy hôm nay, đội tuyển Trung Quốc đã giở nhiều chiêu trò bẩn nhằm gây ” ức chế” cho đội tuyển Việt Nam.
Nhưng ít ai biết rằng vào năm 1974, đội Thể Công của Quân đội nhân dân Việt Nam đã từng chiến thắng đội Bát Nhất của Quân đội Trung Quốc với tỷ số 4-1 và, có một bàn thắng được ghi thần tốc ở giây thứ …20.
Chúng tôi xin giới thiệu trích đăng lại phóng sự của nhà báo Nguyễn Như Phong viết trên An ninh thế giới năm 1998.
***
…Trong lịch sử giải bóng đá thế giới, bàn thắng nhanh nhất sau tiếng còi khai cuộc là bàn thắng của Robson đội Anh sút vào lưới đội Pháp tại Espanha 82 – sau 27 giây.
Nhưng ít ai biết rằng các cầu thủ của đội Thể Công còn ghi được bàn thắng nhanh hơn thế trong một trận đấu quốc tế. Đó là vào năm 1974, đội Thể Công sang thi đấu tại Trung Quốc.
Nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân giải phóng Trung Quốc, đội Bát Nhất mời đội Thể Công thi đấu tại sân Bắc Kinh.
Vào thời điểm này, đội Bát Nhất là đội bóng mạnh nhất Trung Quốc và việc họ thắng đội Thể Công là được Ban huấn luyện Bát Nhất coi như lẽ đương nhiên. Họ chuẩn bị tiệc ăn mừng chiến thắng tại một khách sạn lớn ở Bắc Kinh.
Sân Bắc Kinh với mười vạn ghế không còn thừa một chỗ. Nhưng riêng người Liên Xô thì không có ai vì Ban tổ chức không bán vé cho họ. Hồi ấy quan hệ Trung – Xô đang căng thẳng nên chuyện đó cũng chẳng lấy gì làm lạ.
Ông Đặng Tiểu Bình, khi đó là Phó Thủ tướng đến xem hai đội thi đấu.
19g kém 10 phút, hai đội ra sân.
19g kém 5 phút hai đội chụp ảnh lưu niệm, các quan chức xuống động viên cầu thủ. Ông Đặng Tiểu Bình đến bắt tay từng cầu thủ Việt Nam.
19giờ, trọng tài thổi còi bắt đầu trận đấu. Đội Thể Công được phát bóng trước. Trung phong Trần Sĩ Mỵ đá bóng ngược về cho Sĩ Hiển. Hiển giữ bóng một nhịp rồi chuyền dài lên cho Thái Nguyên Bền. Bền dốc bóng vượt qua hàng trung vệ của Bát Nhất và qua hai hậu vệ, từ khoảng cách 25m, anh sút mạnh. Quả bóng như viên đạn đại bác chui vào lưới thủ môn đội Bát Nhất. Lúc đó, ông Đặng Tiểu Bình chưa kịp về ghế ngồi. Bàn thắng được ghi chỉ sau 20 giây khi tiếng còi khai cuộc. Và trong hiệp một, tỷ số đã được ấn định 4-1 nghiêng về đội Thể Công. Khi nhân viên Sứ quán Việt Nam gọi điện về Bộ Ngoại giao nói về tỷ số hiệp một, đồng chí Thứ trưởng Bộ Ngoại giao trực lãnh đạo hôm đó đã vội vàng nói: “Bảo chúng nó thắng thế là đủ rồi, không được thắng thêm nữa”. Sau trận đấu, các nhân viên của Đại sứ quán Liên Xô đổ đến Sứ quán Việt Nam chúc mừng.
***
Năm 1983, trong một lần ra Côn Đảo công tác, tôi được gặp ông Phước, người đã có thời kỳ làm cai ngục và là người trông xà lim giam bác Phạm Văn Đồng. Ông kể về bác Phạm Văn Đồng bằng những lời lẽ kính trọng và khâm phục. Trong trí nhớ của ông thì bác Phạm Văn Đồng là người rất giỏi tiếng Pháp, đọc thuộc lòng nhiều bài thơ tiếng Pháp, nói chuyện hay đến nỗi Chúa đảo người Pháp phải cấm cai ngục nghe Phạm Văn Đồng nói chuyện. Nhưng bác Phạm Văn Đồng còn có một biệt tài nữa đó là đá bóng. Bác là một trung phong đá hai chân như một, rê dắt khéo và có những cú đảo người rất điệu nghệ. Vào thởi kỳ Mặt trận dân chủ thắng thế ở Pháp, đời sống tù nhân ở Côn Đảo được cải thiện nhiều nên chiều nào các “banh” cũng tổ chức đá bóng với nhau. Riêng “banh” II là “banh” giam bác Phạm Văn Đồng bao giờ cũng thắng. Lần nào “banh” II đá bóng thì hầu như tất cả lính tráng trên đảo kéo nhau đến xem Phạm Văn Đồng hay còn gọi là Đồng “đen” đá bóng. Thậm chí có lần đội của “banh” II còn chấp đội bạn tới… ba cầu thủ mà vẫn thắng.
Năm 1935, nhân ngày “cát-to-duy-ê” (ngày 14 tháng 7 – ngày Quốc khánh của Pháp), Chúa đảo Bouvier muốn tổ chức trận đấu bóng giữa một bên là lính, cai ngục và một bên là tù nhân. Nhưng đá bóng mà có Phạm Văn Đồng tham gia thì chắc chắn đội Pháp thua. Thua vào đúng ngày Quốc khánh thì ôi mặt quá. Chúa đảo bèn cho người đến gặp Phạm Văn Đồng cự tuyệt. Sau khi hỏi ý kiến các “cầu thủ” đội mình, Bouvier đành cho hủy trận đấu.
Đấy, bóng đá là vậy, thảo nào người ta gọi đó là môn thể thao Vua.
Nguyễn Như Phong