30/03/2020 2:30:04

Bamboo Airways và bầu trời đang ” xám xịt”!

Tuần qua thị trường sửng sốt trước thông tin một công ty chứng khoán bán giải chấp hàng triệu cổ phiếu ROS, nhưng sau đó lại hủy. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – ACV có văn bản “tố” hãng hàng không Bamboo Airways chậm thanh toán tiền dịch vụ và đang nợ 205 tỉ đồng. Chưa hết, cuối tuần qua, dư luận lại dậy sóng với việc Bamboo hủy chuyến bay giải cứu đầy ân nghĩa Ukraina – Việt Nam hôm Chủ nhật cũng liên quan đến khó khăn của hãng này.

Ba sự việc nói trên đã hé lộ những vấn đề khác: Cơ hội đưa cổ phiếu Bamboo Airways lên sàn chứng khoán đang trở nên mong manh và nhiều người đã đặt câu hỏi Bamboo liệu có tồn tại được sau đại dịch này?

Lý do thực sự là gì?

Điểm chung của các sự kiện nói trên là sự liên quan đến Tập đoàn FLC và cá nhân chủ tịch tập đoàn này, ông Trịnh Văn Quyết. Ông Quyết đồng thời là chủ tịch Bamboo Airways và chủ tịch Công ty FLC Faros (mã cổ phiếu ROS). Mối liên hệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh của nhóm doanh nghiệp này cũng rất rõ ràng: FLC phát triển bất động sản nghỉ dưỡng, FLC Faros thầu xây dựng và Bamboo cung cấp các chuyến bay theo gói.

Đáp lại với công văn “đòi nợ” của ACV, Bamboo Airways cho biết tiến trình thanh toán chi phí dịch vụ giữa ACV và hãng đang phát sinh một số khúc mắc giữa hai bên, rằng chi phí một số hạng mục dịch vụ ACV cung cấp cho Bamboo Airways đang ở mức cao hơn so với mặt bằng chung, cá biệt một số khoản cao hơn gấp rưỡi đến gấp đôi.

Tuy nhiên điều này không phải là căn cứ để biện minh cho việc nợ quá hạn, chậm thanh toán, vì việc xác lập giá dịch vụ giữa hai bên đã được chốt khi ký hợp đồng từ lâu. Chính ACV cũng khẳng định Bamboo Airways không đảm bảo mức bảo lãnh thanh toán thực hiện nghĩa vụ thực hiện hợp đồng theo hợp đồng. Mặt khác, Bamboo Airways có thể trì hoãn thanh toán các khoản như phí phục vụ mặt đất, phục vụ cảng… là những phí mà ACV cung cấp. Tuy nhiên, hãng này giữ lại không trả 107,3 tỷ đồng phí phục vụ hành khách, soi chiếu an ninh hành khách, hành lý do ACV cung cấp mà Bamboo Airways chỉ thu hộ là điều rất khó chấp nhận về mặt đạo lý kinh doanh.

Yếu tố dịch bệnh gây khó khăn cho các hãng hàng không chỉ thực sự xuất hiện từ tháng 2/2020. Trước đó, nhất là trong dịp Tết, các hãng hàng không vẫn hoạt động hết công suất. Điều khá trớ trêu là sau khi tăng vốn, rục rịch niêm yết cổ phiếu trên sàn, Bamboo Airways lại báo lãi trước thuế trong năm 2019 ước đạt 303 tỷ đồng, dự kiến đạt 1.025 tỷ đồng vào năm 2020?!. Trong khi đó theo ACV, để đòi số tiền Bamboo Airways nợ quá hạn trên, từ tháng 5/2019, ACV đã có 24 văn bản, nhiều cuộc họp giữa hai bên yêu cầu Bamboo thanh toán nợ, tiền bảo lãnh theo hợp đồng.

Việc ACV bất ngờ để lộ văn bản “tố” Bamboo Airways nợ tiền cho thấy sự khó khăn của hãng hàng không này vì chậm trả khoản thu hộ thực chất là một hình thức chiếm dụng vốn.

Bức tranh tài chính và khó khăn của Bamboo càng lộ rõ hơn sau khi hãng này từ chối chuyến bay nhân đạo chở khách Ucaina – Việt Nam trong bối cảnh bị nhiều đơn vị đòi nợ, trong đó có đơn vị cung cấp xăng, môi giới phi công…

Tồn tại hay không tồn tại?

Đối với một hãng hàng không, việc duy trì tần suất bay và tỷ lệ lấp đầy cao là yếu tố quyết định tạo ra dòng tiền. Còn nhớ tại một buổi hội thảo hồi tháng 8/2018, ông Trịnh Văn Quyết từng khẳng định Bamboo bay là có lãi. Hiện không chỉ Bamboo mà các hãng hàng không khác trong nước cũng đã tạm dừng bay hoặc bay cầm chừng vài chuyến/ngày với số thiệt hại năm nay ước tính khoảng 30.000 tỷ đồng. Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành khẳng định dịch Covid-19 khiến tích lũy 4-5 năm trước của Vietnam Airlines coi như đang về 0. Không có hoạt động tạo doanh thu trong khi các chi phí rất lớn vẫn phát sinh – dù có thể được tiết giảm tối đa – sẽ gây áp lực rất lớn lên khả năng thanh khoản của các hãng hàng không mới gia nhập thị trường như Bamboo. Bamboo đã tăng vốn liên tục, từ 700 tỷ đồng ban đầu lên 1.300 tỷ hồi tháng 7/2018, lên 2.200 tỷ đồng tháng 9/2019 rồi 4.050 tỷ đồng chỉ một tháng sau đó. Với mức vốn này trên lý thuyết Bamboo vẫn có thể cầm cự được nếu như dịch bệnh không kéo quá dài.

Tuy nhiên, đấy là lý thuyết, còn thực tế có thể rất khác. Và có một thực tế nữa là các nguồn trợ lực cho Bamboo từ FLC cũng tan hoang vì covid.

Một nguồn tài chính đáng kể, mang tính “truyền thống” của FLC là huy động trên thị trường chứng khoán cũng đang vô cùng khó khăn. Cổ phiếu họ FLC đang bị xuống giá, xả hàng. FLC, ROS, AMD; HAI, ART chỉ còn từ 2.500 đến 5.000 đồng/CP. Riêng GAB tăng bất thường trên sàn mấy tháng qua (nhưng lại bình thường với cổ phiếu họ FLC) tuy chơi vơi ở mức trên 120.000 đồng/CP nhưng giới đầu tư bây giờ đọc vị tiềm lực thật của doanh nghiệp rất tốt.

Vì thế, phương án Bamboo lên sàn trở nên mong manh. Trong một buổi giới thiệu cơ hội đầu tư với Bamboo Airways, ông Trịnh Văn Quyết từng khẳng định giá cổ phiếu Bamboo Airways năm 2020 sẽ không dưới 100.000 đồng/CP. Các công ty có muốn mua cũng không được vì có ai bán đâu mà mua. Kế hoạch lên sàn của của cổ phiếu Bamboo cũng được ấn định vào quý 2/2020 dù hãng bay này còn chưa đủ tiêu chuẩn hoạt động tối thiểu 2 năm dưới hình thức công ty cổ phần cũng như chưa thể báo cáo kết quả kinh doanh 2 năm liên tiếp có lãi.

Tuy nhiên trước khi có thể chứng kiến màn chào sàn của cổ phiếu Bamboo, mục tiêu trước mắt của ban lãnh đạo hãng hàng không này có lẽ là chuẩn bị tiền để mua lại cổ phiếu bán ưu đãi cho các cá nhân, đối tác hồi cuối 2019. Giá bán ưu đãi là 40.000 đồng/CP được cam kết mua lại với giá tối thiểu gấp đôi sau 6 tháng trở thành cổ đông. Nếu cam kết được thực hiện thì có thể đợt mua lại đầu tiên sẽ vào tháng 6 tới. Hiện chưa rõ cam kết này được văn bản hóa và có tính ràng buộc pháp lý, hay chỉ là cam kết dựa trên tín nhiệm cá nhân mà “hạn Covid-19” có thể là lý do để từ chối.

Hơn nữa, Trung tâm hàng không châu Á – Thái Bình Dương (CAPA) dự báo: “Đến cuối tháng 5/2020, hầu hết các hãng hàng không sẽ phá sản nếu không nhận được các nguồn lực hỗ trợ từ các quốc gia”. Để giải cứu ngành này, cần ít nhất 200 tỷ USD từ Chính phủ các nước. Đây là bài toán quá khó ở Việt Nam. Đó là chưa kể, kinh nghiệm từ các địa dịch trước đây cho thấy, các hãng hàng không mới, tiềm lực tài chính yếu rất dễ bị phá sản.

Việc có thêm một hãng như Bamboo Airways tham gia thị trường hàng không đã làm cho bức tranh bầu trời thêm sinh động, nhiều màu sắc. Bước đầu Bamboo Airways cũng đã giành được không ít thiện cảm của hành  khách…Tuy nhiên cho đến giờ, với những gì Bamboo Airways đã bộc lộ, thì quả thật là không thể không hoài nghi về sự phát triển bền vững của hãng.

T.P