18/11/2021 10:11:30

Cách mạng công nghệ giúp GDNN vượt “bão” đại dịch Covid- 19:

Bài 2: NGƯT.TS Nguyễn Quốc Huy – Hiệu trưởng CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh: Chuyển đổi số mang lại kết quả ngoài mong đợi

“Hơi thở” của cuộc CMCN 4.0 chính là sự bứt phá mạnh mẽ của công nghệ, của chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực, đòi hỏi sự nắm bắt nhanh chóng và áp dụng trong thực tế.

Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Huy đã dành sự ưu tiên hàng đầu cho lĩnh vực công nghệ thông tin từ những năm trước đây, cũng như đầu tư hệ thống phòng học số hiện đại ở một số ngành nghề trọng điểm quốc tế…

Toàn cảnh CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh

Đặc biệt kể từ năm 2020 đến nay, khi dịch COVID-19 xuất hiện, nhất là từ đợt bùng phát dịch lần thứ tư, vào khoảng tháng 5 năm 2021 ở Bắc Giang, Bắc Ninh  hoạt động trực tiếp của các trường học đều phải tạm dừng hoặc chuyển sang hình thức trực tuyến…

Đối với CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh, đây là khoảng thời gian nhà trường phải thực hiện cùng một lúc nhiều nhiệm vụ trọng tâm về tuyển sinh, chuyển giao HSSV đến với doanh nghiệp thực hành… Bởi vậy, sự thích ứng, đổi mới và sáng tạo trên nền tảng công nghệ được TS Nguyễn Quốc Huy đẩy mạnh và mang lại những kết quả ngoài mong đợi trong công tác tư vấn, tuyển sinh.

Đẩy mạnh chuyển đổi số vào đúng “thời điểm vàng”

Nếu như trước đây, công tác tư vấn tuyển sinh của CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh được thực hiện trực tiếp thông qua các buổi Hội thảo định hướng nghề nghiệp tại các trường học, ngày Hội tư vấn tuyển sinh tại trường, việc tư vấn online qua kênh thông tin tuyển sinh của trường khi ấy là thứ yếu…

Nhiều hoạt động tuyển sinh của CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh được triển khai trên mạng xã hội

Nhưng trước những tác động của dịch COVID-19 thời gian qua, Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Huy đã sớm vận dụng công nghệ, lấy đó làm công cụ chính nhằm kết nối nhà trường với phụ huynh, học sinh và các doanh nghiệp cùng tham gia tìm hiểu cơ hội học nghề, cơ hội việc làm vào đúng “thời điểm vàng”- khi sinh THCS, THPT chuẩn bị tốt nghiệp để định hướng chọn trường, chọn nghề.

Những buổi tư vấn tuyển sinh được thực hiện trực tiếp trên fanpage của trường, thu hút đông đảo HSSV quan tâm và chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội, tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ, tác động sự quan tâm của xã hội.

Những buổi tư vấn trực tuyến đã mang lại những hiệu quả ngoài mong đợi về số lượng người quan tâm, với hàng nghìn lượt người theo dõi. Không ít phụ huynh, học sinh ở xa có thể trực tiếp tham gia và khá hài lòng bởi tiết kiệm được thời gian đi lại, vừa tìm hiểu được cơ hội học tập và việc làm trong tương lai thông qua sự giải đáp của nhà trường và doanh nghiệp.

Áp dụng công nghệ trong công tác tuyển sinh đã mang lại hiệu quả nhanh chóng. Chỉ chưa đầy 3 tháng, con số chỉ tiêu tuyển sinh chung của trường với hơn 1.200 HSSV hệ Trung cấp, Cao đẳng đã được hoàn thành trước khi Bộ GD&ĐT thông báo kết quả trúng tuyển các trường Đại học. Tính ưu việt của công nghệ mang lại giúp nhà trường từ nay về sau sẽ áp dụng cách thức tổ chức, vận hành, quản lý trên nền tảng số và tận dụng sức mạnh của công nghệ mang lại”- thầy Huy chia sẻ.

Tại Bắc Ninh, UBND tỉnh đã có sáng kiến đi đầu trong chiến dịch phòng chống dịch COVID-19 với  khẩu hiệu “3 cùng – 3 tại chỗ” trong các nhà máy để duy trì sản xuất, ăn cùng, ở cùng và làm cùng. Các nhà máy được giảm mật độ công nhân làm việc tối thiểu 50%, bố trí chỗ ăn, ở cho công nhân ngay trong nhà máy… Trong đó, có khá nhiều doanh nghiệp lớn mà CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh đã ký kết đào tạo nguồn nhân lực như: Công ty TNHH Samsung Display, Tập đoàn KHKT Hồng Hải FOXCONN, Công ty TNHH Vinatech…

Các doanh nghiệp này vẫn duy trì hoạt động bình thường giữa bối cảnh dịch bệnh. Chính vì thế, để không làm ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp, không làm gián đoạn chương trình học tập lý thuyết, thực tập tại các doanh nghiệp, Thầy Huy đã quyết định chuyển đổi phương thức giảng dạy trực tiếp tại trường sang trực tuyến đối với HSSV đang học chương trình lý thuyết. Phần thực hành, thực tập của HSSV tại doanh nghiệp vẫn diễn ra bình thường, đúng kế hoạch và tuân thủ các biện pháp 5K cũng như nội dung chỉ đạo phòng chống dịch của địa phương.

Phòng thực hành thực tế ảo Nghề Điện công nghiệp

Triển khai chương trình đào tạo trực tuyến, trường đã ứng dụng phần mềm LMS (Learning Manegenment System) để lưu trữ, quản trị nội dung dạy và học trực tuyến. Với hệ thống quản trị này, mọi hoạt động của HSSV, giáo viên tham gia giảng dạy đều được tự động lưu trữ trên hệ thống. Mỗi HSSV có mã số được nhà trường cấp, HSSV nào vào học hay không vào học trực tuyến phần mềm sẽ phản ánh rõ trên hệ thống.

Nói về sự thích ứng của HSSV, cán bộ, giáo viên của nhà trường trên nền tảng này, thầy Huy cho biết: “Khi HSSV mới bắt đầu tiếp cận còn nhiều bỡ ngỡ, cũng có những lúc không tập trung… Tuy nhiên, nhà trường đã xây dựng cho các em một tinh thần đón nhận với thái độ tự giác học tập vì lợi ích của các em, nghiêm túc học như ở trường nếu không học sẽ không đủ điều kiện và không hoàn thành được chương trình đào tạo. Song song với việc xây dựng nền tảng số, nhà trường cũng có các chương trình tập huấn, đào tạo giáo viên tiếp cận và thực hiện công tác giảng dạy trên nền tảng số”.

Hướng tới các phòng học mô phỏng, số hóa, đáp ứng cho khoảng 500 HSSV ở các ngành nghề

Diện mạo mới mang dáng dấp của mô hình chuyển đổi số ở CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh là phòng học số – phòng thực hành ảo (thực hành 3D). Phòng thực hành ảo đầu tiên mà nhà trường áp dụng là nghề Công nghệ ô tô, với chi phí hàng tỷ đồng.

Học sinh sẽ sử dụng máy tính, đeo kính chuyên dụng và thiết bị cầm tay để tương tác ảo với từng kỹ năng được hiển thị chi tiết trên màn hình. Đây là sự khác biệt so với công nghệ thông thường bởi hình ảnh 3D sinh động, mô phỏng chi tiết từng kỹ năng lắp đặt theo trình tự vị trí các thiết bị… Thông qua đó, học sinh, sinh viên nắm bắt được kiến thức, kỹ năng và những thao tác thực hiện rất dễ hiểu giống như các em đang thực hành thật tại xưởng.

Phòng thực hành lập trình Nghề Điện tử công nghiệp

Với công nghệ này, HSSV rất hứng thú học tập. Đắm mình trong nhà xưởng số, HSSV được cảm nhận những điều vừa quen và vừa lạ, hiện đại và kỹ năng thể hiện trên môi trường số khi áp dụng rất sát với thực tế. Đây cũng chính là giải pháp hữu hiệu, hỗ trợ vấn đề thực hành ban đầu cho sinh viên trước khi đến với thực hành trên máy móc thực tế, thực hành trực tiếp sẽ nhanh hơn rất nhiều so với phương thức thực hành truyền thống trước đây.

Nói về mục tiêu nhân rộng mô hình này, thầy Huy cho biết: “Trong thời gian tiếp theo,  trường có kế hoạch mở rộng và áp dụng công nghệ thực hành ảo cho các ngành nghề đào tạo khác. Trong đó, ưu tiên với các ngành nghề trọng điểm quốc tế bao gồm: Điện công nghiệp và Kỹ thuật máy lạnh – Điều hòa không khí. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn quốc gia với phòng số hóa mô phỏng, phòng thực hành ảo có quy mô đáp ứng cho khoảng trên 500 HSSV ở các ngành nghề được học trên ứng dụng này”.

Thu Thủy