Tạp chí Nghề nghiệp cuộc sống nhận được đơn phản ánh và kêu cứu của hàng chục lao động cho rằng, họ đã bị Công ty Giáo dục DSS và Công ty TNHH Du học và Định cư DSS (sau đây gọi là DSS) lừa có thể đưa họ đi làm việc ở nước ngoài. Thế nhưng, sau khi đóng rất nhiều lần tiền cho công ty này họ nhận lại kết quả là “tiền mất, nợ mang”
Trong đơn, các lao động đều cho biết, bị DSS chiêu dụ theo một công thức rất bài bản: Công ty này thông báo có doanh nghiệp tại Úc, Canada, New Zealand đang cần lao động cho các đơn hàng. Khi người lao động nộp hồ sơ, DSS sẽ tư vấn đặt cọc giữ chỗ vì số lượng tuyển có hạn; đồng thời yêu cầu đóng phí tham gia khoá học tiếng, học kỹ năng, học nghề…
Hoàn thành các khoá học nói trên, sẽ có doanh nghiệp nước sở tại trực tiếp sang tuyển dụng. Khi doanh nghiệp sử dụng lao động tại Úc, Canada, New Zealand tiếp nhận, DSS sẽ tiến hành xin visa để lao động đi nước ngoài làm việc.
Tuy nhiên, sau khi người lao động thực hiện các thủ tục, đóng tiền, tham gia các khoá học mà DSS yêu cầu, họ đợi chờ mòn mỏi 6, 7 tháng, thậm chí là cả năm không có visa, cũng không đòi lại được khoản tiền đã đóng.
Từ những đơn hàng đi làm farm hấp dẫn…
Anh P.M.H trú tại TP. Hà Nội kể rằng, vào khoảng cuối tháng 6/2023, thấy Công ty DSS đăng tin trên mạng xã hội facebook: Tuyển lao động đi làm nông nghiệp tại Canada, anh đã liên hệ tìm hiểu thông tin.
“Nhân viên của DSS tại thời điểm đó là bà Đặng Lan Anh, giới thiệu, hiện đang có chương trình tuyển người đi Canada theo diện làm farm (nông nghiệp) gấp, bay ngay trong tháng 9/2023, phí giữ chỗ là 1.000USD, tương đương với 24.500.000 đồng. Ngày 30/6/2023, tôi đã đóng khoản tiền đặt cọc này. Họ nói họ sẽ đào tạo nghề và tiếng Anh cho tôi để phỏng vấn trực tiếp với chủ doanh nghiệp bên Canada”, anh H kể.
DSS đăng công khai thông tin tuyển dụng trên các trang mạng xã hội
Đồng thời công khai giới thiệu các ngành nghề mà DSS có thể cung cấp ngay trước trụ sở công ty
Tương tự anh H, nhiều người lao động khác cũng ở trong cùng trong câu chuyện và họ đều đóng khoản tiền giữ chỗ nói trên. Sau khi đóng khoản tiền đặt cọc giữ chỗ được 1 tuần, ngày 7/7/2023, người lao động được DSS thông báo có lịch phỏng vấn với chủ Farm đến từ Canada. Đồng thời, Công ty DSS cũng yêu cầu người lao động đóng tiếp 4.000 USD để sớm thực hiện hồ sơ và ký hợp đồng.
“Rất nhanh chóng, ngày 10/7/2023 phía DSS tiến hành ký hợp đồng dịch vụ visa với chúng tôi bởi Công ty Giáo dục DSS, là công ty được thành lập và hoạt động theo luật pháp nước Úc, mặc dù người tư vấn cho chúng tôi là nhân viên của Công ty TNHH Du học và Định cư DSS, một doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam. Lúc bấy giờ, chúng tôi không hề nghi ngờ, cũng không phân biệt được Công ty Giáo dục DSS và Công ty TNHH Du họcvà Định cư DSS là hai công ty khác nhau.
Điều đang nói, sau khi được chủ Farm phỏng vấn và ký hợp đồng dịch vụ visa xong, chúng tôi nhận lại là sự im lặng từ phía DSS. Khi chúng tôi hỏi thì được đại diện DSS giải thích: bây giờ đang là mùa đông, bên Canada đều không có việc và DSS đã tư vấn cho chúng tôi qua một đơn hàng của nước khác. Không đồng ý cách giải quyết từ phía công ty DSS, chúng tôi yêu cầu thanh lý hợp đồng thì không được giải quyết”, đơn của lao động đi Canada trình bày.
Phiếu thu của một khách hàng đã đóng 2 đợt tiền cho DSS nhưng đến nay vẫn không được đi làm việc nước ngoài và cũng không đòi lại được tiền
Sau khi ký hợp đồng, ông M. được đào tạo tiếng Anh trực tiếp tại số 3 Công Trường Quốc Tế, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM khoảng 1 tháng trước khi phỏng vấn, và được học nghề rất nhiều chỗ. Trong đó có địa chỉ tại số 45 Nguyễn Thái Học, Quận 1, TP.HCM.
Nhóm của ông M được DSS thông báo tham gia khoá đào tạo nghề khoảng 1 tháng rưỡi, nhưng thực tế chỉ được đào tạo 5 ngày. Quá trình đào tạo nghề diễn ra nhiều nơi, có khi tại lò mổ heo ở Phước An, Quận 12, TP.HCM; Cũng có hôm người lao động được đưa lên lò mổ heo tại Củ Chi học 1 đến 2 ngày. Tại số 45 Nguyễn Thái Học, theo người lao động, họ được cho thái cà rốt. Đến ngày cuối cùng, công ty mua một con dê về cho thực hành.
Người lao động nhóm này cũng cho biết, khi mới chỉ tham gia học tiếng và học nghề khoảng 15 ngày, DSS đã thu tiền đợt 2 là 10.000 USD trong khi chưa có thư mời làm việc của đối tác bên Úc như lời DSS đã tư vấn. Trước đó, người lao động đã đóng tiền đợt 1 giữ chỗ và tiền học tiếng Anh là 4.000 USD.
Chị N.D ( tên nhân vật đã thay đổi) sinh năm 1990 ở Thái Bình, thì “tố” DSS đã cố tình chiếm đoạt của chị số tiền gần 150 triệu đồng tại đơn hàng “chế biến thực phẩm” ở New Zealand. Cụ thể, chị D ký hợp đồng với Công ty Giáo dục DSS có trụ sở tại Úc, đại diện là bà Daisy Nguyễn và một bản phụ lục với Công ty TNHH Du học và Định cư DSS, đại diện là bà Nguyễn Lê Vân.
Theo nội dung hợp đồng, DSS sẽ đại diện cho chị D làm việc với các công ty đối tác và cá nhân để tìm kiếm công việc; Tham gia chương trình thị thực bao gồm nhà tuyển dụng, luật sư, cơ quan di trú của New Zealand và các bên liên quan đến hồ sơ xin việc và thị thực của chị D. Tổng giá trị hợp đồng là 490 triệu đồng. Chị D đã thanh toán lần 1 cho DSS là 6.000 USD, tương đương 147.000 triệu đồng.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, chị D cho biết, đã 1 lần bay vào TP.HCM để được đào tạo nghề 3 buổi, mỗi buổi khoảng 2 tiếng. Trong đó có 2 buổi thái cà rốt và 1 buổi lọc thịt, tại địa chỉ 45 Nguyễn Thái Học, Quận 1.
Theo chị D, các buổi học chỉ mang tính hình thức, tổ chức cho có nhằm lừa dối học viên. Sau các buổi học, DSS không tiến hành hoàn tất visa hay thông tin về công việc tại New Zealand cho người lao động. Sau khoảng thời gian chờ đợi mỏi mòn không có thông tin, chị D và nhiều người khác yêu cầu thanh lý hợp đồng, đều không được đáp ứng.
Đến câu chuyện “tiền mất, nợ mang”
“Sau khi biết đối tác Úc và Canada hay New Zealand đều không có thật, hoặc không còn hợp tác với DSS, người lao động yêu cầu DSS thanh lý hợp đồng, hoàn lại khoản tiền đã đóng. DSS ban đầu đồng ý trả lại tiền, sau khi trừ đi các khoản phí như: Phí đào tạo tiếng Anh 15 ngày là 5.760.000 đồng; phí đào tạo nghề 3 đến 5 buổi được tính hơn 9.000.000 đồng; Đặc biệt phí quản lý hồ sơ khách hàng được DSS tính là 32.000.000 đồng.
“Tuy nhiên, khi người lao động đồng ý phương án mà DSS đưa ra, phía doanh nghiệp này cũng đã gửi biên bản thanh lý đến người lao động, nhưng đến hẹn DSS lại không thực hiện như thoả thuận thanh lý hợp đồng, trả lại tiền cho người lao động. Người lao động nhiều lần liên hệ đến nhân viên và tổng đài của DSS đều không được hỗ trợ. Một số nhân viên tư vấn của DSS mà người lao động từng tiếp xúc và làm việc, thậm chí còn thông báo trên zalo đã nghỉ việc tại công ty này”, đơn thư của một lao động trình bày.
Nhiều lao động bức xúc tố cáo DSS tại các nhóm trên Facebook về việc công ty này không thể đưa người đi làm việc tại Úc, Canada… nhưng không hoàn lại tiền.
Nhiều người lao động cho biết, khi họ tìm đến trụ sở của DSS tại Hà Nội là Hội Nhà báo Việt Nam ở phố Dương Đình Nghệ thì được thông báo doanh nghiệp này đã chuyển đi.
Tại trụ sở DSS ở TP.HCM, đại diện DSS trả lời người lao động rằng, biên bản thanh lý mà người lao động nhận được, bị nhân viên của DSS làm giả, hiện nhân viên này đã ghỉ việc. Không còn cách nào khác, người lao động vào nhóm zalo (được thành lập từ ngày tuyển dụng) để đòi tiền, thì bị chính bà Daisy Nguyen, tức là Nguyễn Lê Vân, giám đốc DSS dùng những lời lẽ thô tục để chửi bới. Cụ thể bà Vân chửi người lao động bại não, vô văn hoá…
Các nhóm lao động cũng cho biết thêm, trong quá trình đi đòi lại tiền, họ đề nghị DSS cung cấp các giấy phép đào tạo nghề, đào tạo tiếng Anh, giấy phép dịch vụ đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, và các hồ sơ chứng minh chủ sử dụng lao động tại các nước có nhu cầu tuyển lao động Việt Nam…nhưng đều bị phía DSS phớt lờ, không cung cấp.
Theo chia sẻ từ phía những người lao động đang “mắc kẹt” trong các “đơn hàng” với DSS, lao động mất ít nhất là hơn 100 triệu đồng. Có những lao động đã đóng đến 400 đến 500 triệu đồng.
“Số tiền đã đóng cho DSS là toàn bộ tài sản và vay mượn của chúng tôi với mong muốn được ra nước ngoài làm việc, có thu nhập, trang trải cuộc sống và trả nợ. Không ngờ cuối cùng lại vướng vào cảnh nợ nần, khốn khổ. Khoản nợ vay để thực hiện giấc mơ đi làm việc ở nước ngoài, ngoài khả năng thanh toán” người lao động nói như khóc.
Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này…
Vũ Hạ – Thanh Quang