31/08/2021 7:02:18

“Bác sĩ 91” và cuộc chạy đua sinh tử cứu bệnh nhân COVID-19

Những ngày này, cái tên bác sĩ Nguyễn Thanh Linh xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng, bởi anh đang là bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thanh Linh được biết đến khi anh cùng đội chữa trị thành công cho bệnh nhân phi công người Anh – BN91 vào năm 2020. Phi công người Anh là một trong hai ca nhiễm COVID-19 nặng nhất tại Việt Nam trong đợt dịch đầu tiên vào năm ngoái, phải chạy máy ECMO. Bệnh nhân này đã có nhiều giai đoạn nguy kịch, ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh.

Đó cũng là những lần bác sĩ Linh cùng nhiều đồng nghiệp “thót tim” theo diễn biến của bệnh nhân. Đỉnh điểm của cơn “thót tim” này là khi hai phổi của bệnh nhân đông đặc, chỉ còn 10% hoạt động. Các bác sĩ đã tìm mọi cách điều trị để nâng chức năng hoạt động của phổi lên được 20%… Việc bác sĩ Linh và ekip cứu sống được bệnh nhân được coi là kỳ tích y học. Bởi vậy, sau đó, anh được gắn với biệt danh “bác sĩ 91”, số hiệu của bệnh nhân này.

BS.CKII Trần Thanh Linh đang hội chẩn để điều trị bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Ảnh: Thanh Tùng.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thanh Linh hiện đang công tác tại Bệnh viên Chợ Rẫy. Tuy nhiên, cứ ở đâu dịch Covid-19 căng thì anh có mặt. Trong những ngày Bắc Giang căng mình chống dịch vào tháng 5, bác sĩ Trần Thanh Linh được cử đến đây chi viện. Trước đó, anh cũng có mặt chi viện ở những “điểm nóng” như Đà Nẵng, Gia Lai, Kiên Giang…

Vừa về từ Bắc Giang thì ngày 14/7, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và sự phân công của Sở Y tế TP.HCM, bác sĩ Trần Thanh Linh làm đội trưởng đội chi viện chuyên về hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng của Bệnh viện Chợ Rẫy cùng với 53 thành viên dày dạn kinh nghiệm (gồm 25 bác sĩ và 28 điều dưỡng) đã lên đường nhận nhiệm vụ tại Trung tâm Hồi sức bệnh nhân COVID-19 quy mô 1.000 giường tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 ở TP Thủ Đức.

Với số ca nhiễm ở TPHCM đứng đầu cả nước, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP.HCM trở thành một thách thức rất lớn với tất cả các bác sĩ và nhân viên y tế.

Bệnh viện Hồi sức COVID-19 là bệnh viện có quy mô 1000 giường bệnh, trong đó 100 giường hồi sức cho bệnh nhân nguy kịch, 900 giường cho bệnh nhân độ nặng. Nơi đây được áp dụng cơ chế điều hành của một bệnh viện trung ương hạng đặc biệt.

Nơi đây không có ranh giới công việc hay khái niệm thời gian. Khi vào “cuộc chiến”, tất cả chỉ có một lòng quyết tâm cứu sống và điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

“Bác sĩ giờ cũng có thể làm công việc của điều dưỡng, điều dưỡng thì làm cả công việc của hộ lý, không phân biệt là nhiệm vụ của người nào với người nào nữa, hỗ trợ được với nhau thì hỗ trợ. Có những lúc báo động bệnh nhân trên lầu ngưng thở, chúng tôi cùng chạy lên. Bây giờ là thành một khối, làm sao giảm thiểu được, có gắng gồng gánh với nhau mà làm”, bác sĩ Linh chia sẻ.

Chỉ sau 11 ngày đi vào hoạt động chính thức, áp lực điều trị và lo lắng cứu sống cho các bệnh nhân dồn lên vai anh đến mức mái tóc của anh đang từ đen thành bạc.

“Bác sĩ 91” thừa nhận rất mệt nhưng “những mệt mỏi này so với tình hình hiện tại, chúng tôi không cho phép bản thân gục ngã”, anh nói.

Ngày 25/7, tròn 10 ngày Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP.HCM thành lập. Dòng tin nhắn ấm áp được các y, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đang tham gia công tác điều trị ở Bệnh viện Hồi sức COVID-19 gửi cho nhau trong group chung: “Từ từ sẽ ổn hơn mà, mọi người ai cũng thấm mệt, thôi cố gắng thêm chút nữa nhé, cùng nhau ráng thêm chút nữa…”.

PV