Đây là nhận định của Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang – ông Mai Sơn tại hội thảo “Thực trạng, giải pháp phát triển nguồn lao động trong ngành công nghiệp bán dẫn”, do UBND tỉnh Bắc Giang chủ trì tổ chức ngày 16/04. Hội thảo thu hút hơn 250 đại biểu đến từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lĩnh vực bán dẫn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; lãnh đạo các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh, các nhà quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo chíp bán.
Tập trung tâm đào tạo nguồn nhân phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn
Hội tụ đủ các yếu tố địa lý thuận lợi, giao thông kết nối đa dạng thuận tiện, thu hút đầu tư nước ngoài tăng cao, kinh tế tăng trưởng dẫn đầu cả nước, Bắc Giang đang triển khai Nghị quyết tỉnh Đảng bộ về Phát triển công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030 theo hướng hiện đại, trong đó đặt trọng tâm vào chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho các dự án công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn. Định vị Bắc Giang trở thành “trung tâm đào tạo và sản xuất công nghiệp bán dẫn” của vùng.
Phát biểu tại hội thảo, TS Mai Sơn – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, năm 2022 Bắc Giang vươn lên vị trí thứ 2 cả nước về xếp hạng chỉ số PCI, đặc biệt năm 2023 thu hút đầu tư FDI của Bắc Giang đạt kết quả vượt bậc, trong đó nổi bật là làn sóng đầu tư công nghệ phần mềm, chip bán dẫn đến từ các quốc gia phát triển trong khu vực như Singpore, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Tính đến năm 2023 Bắc Giang có 30 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh với tổng số trên 500 dự án. Hiện Bắc Giang có 9 khu công nghiệp, trong đó có 426 doanh nghiệp đang hoạt động thu hút 190.400 lao động.
Đặc biệt, Bắc Giang đã thu hút được những dự án “hạt nhân”, mở ra triển vọng lớn trong ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam. Hiện tại, các KCN trên địa bàn của tỉnh Bắc Giang đã có 03 doanh nghiệp tập trung ngành nghề sản xuất về chất bán dẫn bao gồm: Công ty TNHH Synergie Cad Việt Nam, Công ty TNHH Si Flex Việt Nam, Công ty TNHH Hana Micron Vina.
Định hướng xúc tiến đầu tư những năm tới của Bắc Giang là tiếp tục thu hút các dự án có quy mô lớn, hàm lượng công nghệ cao, bảo vệ môi trường. Do đó chuẩn bị lực lượng lao động cho các dự án công nghệ cao, công nghệ bán dẫn là nhiệm vụ quan trọng được lãnh đạo tỉnh quan tâm thúc đẩy.
Định vị Bắc Giang trở thành “thành phố công nghiệp bán dẫn”
Ông Võ Xuân Hoài – Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, công nghiệp bán dẫn là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử. Thị trường chip bán dẫn có tiềm năng trở thành ngành công nghiệp nghìn tỷ USD vào năm 2030. Ước tính nhu cầu thế giới sẽ cần tăng thêm hơn 01 triệu nhân sự vào năm 2030 cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói và kiểm thử chip .
Việt Nam đang đứng trước những cơ hội quan trọng nhưng cũng đầy thách thức trong đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn. Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị, trong đó: khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch, 35.000 kỹ sư trong lĩnh vực sản xuất, đóng gói, kiểm thử và các lĩnh vực khác.
Đối với Bắc Giang, theo số liệu của Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Giang, trong quý 1 năm 2024, 25 doanh nghiệp đăng ký tuyển lao động cần khoảng 30.000 – 35.000 chỉ tiêu, trong đó, 70% chỉ tiêu tuyển dụng tập trung vào lĩnh vực điện, điện tử, chip bán dẫn.
Theo ông Hoài, Bắc Giang cần nhanh chóng triển khai đa dạng các giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn trên địa bàn tỉnh. Thứ nhất, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhất là với các quốc gia, nền kinh tế có thế mạnh về ngành công nghiệp bán dẫn: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hà Lan, Bỉ, Pháp, Đức… để tiếp cận đến các nguồn đầu tư FDI và hợp tác quốc tế trong đào tạo.
Thứ hai là nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, đào tạo giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu phát triển trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Thứ ba là bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để triển khai các chương trình, dự án đào tạo thực hành ngắn hạn, đào tạo lại, đào tạo chuyển tiếp nâng cao, đào tạo sau đại học về ngành công nghiệp bán dẫn cho cán bộ, giảng viên, sinh viên tại các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế.
Ông Trần Đăng Hòa – Chủ tịch Cty Cổ phần Bán dẫn FPT cho rằng, Bắc Giang hoàn toàn có thể trở thành “thành phố công nghiệp bán dẫn” vì Bắc Giang có nguồn nhân lực dồi dào, thông minh, khéo tay. Bắc Giang còn là mảnh đất của những nhân tài thuộc top đầu cả nước trong lĩnh vực giáo dục với hơn 1.000 trường chuẩn quốc gia.
“Tại sao chúng ta không hy vọng một hình mẫu Yongin của Việt Nam chính là Bắc Giang?” – ông Hòa đặt câu hỏi và cho biết, Yongin là Tổ hợp công nghệ bán dẫn lớn nhất thế giới được thành lập tại tỉnh Gyeonggin Hàn Quốc – thành phố có thể kế nối với hạn tầng sản xuất, thiết kế chip bán dẫn hiện có của Seoul và vùng lân cận thủ đô.
Do đó theo ông Hòa, Bắc Giang cần nắm bắt cơ hội để trở thành thành phố bán dẫn và là một trong những tỉnh đi đầu về công nghệ bán dẫn. Để hiện thực hóa cơ hội này, Bắc Giang cần chuẩn bị ngay và luôn nguồn nhân lực chip bán dẫn đáp ứng nhu cầu các doanh nghiệp đến đầu tư mở nhà máy; thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước xây mới nhà máy bán dẫn trên địa bàn để nội địa hóa chuỗi cung ứng, làm trọn vẹn quy trình Thiết kế – sản xuất – đóng gói – kinh doanh; Phát triển chuỗi cung ứng kho bãi trở thành mạng lưới phân phối cho khu vực và toàn cầu vì Bắc Giang có vị trí địa lý thuận lợi và chính sách cởi mở.
Định vị phân khúc nào để đào tạo?
Tham luận tại hội thảo, TS Phạm Vũ Quốc Bình – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội tham gia sâu vào ngành công nghiệp bán dẫn, tuy nhiên hiện nguồn nhân lực bán dẫn của Việt Nam đang thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Bộ chính trị, trung ương Đảng, Quốc hội và chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Chuỗi giá trị của ngành CN bán dẫn bao gồm nhiều công đoạn khác nhau: thiết kế; sản xuất, phân loại đóng gói, thử nghiệm… Do đó tùy theo nhu cầu, Việt Nam cần xác định tham gia ngành công nghiệp bán dẫn từ đâu, khâu nào trong chuỗi cung ứng; lựa chọn công nghệ sản xuất nào để làm cơ sở cho việc kịp thời chuẩn bị đầu tư các nguồn lực phù hợp, đặc biệt là nguồn nhân lực.
Đây là cơ sở để xác định quy mô và cơ cấu trình độ nhân lực, vị trí việc làm của người lao động trực tiếp trong ngành công nghiệp bán dẫn ở tất cả các ngành nghề phụ trợ của công nghiệp bán dẫn.
Đối với Bắc Giang, theo ông Bình, cần định vị, lựa chọn tham gia phân khúc nào trong chuỗi giá trị CN bán dẫn để đào tạo nhân lực là việc hết sức quan trọng. Tỉnh cần tăng cường đầu tư nâng cao năng lực của các cơ sở đào tạo, cơ sở GDNN; gắn kết GDNN với doanh nghiệp. “Thay cho ưu đãi đầu tư về thuế, đất đai đã tới ngưỡng, giờ đây Bắc Giang cần có ưu đãi khác biệt đối với các nhà đầu tư, đó là ưu đãi về nguồn nhân lực chất lượng cao” – ông Bình nêu ý kiến.
Thành lập Trung tâm đào tạo kỹ thuật viên bán dẫn tại VKTech
Ông Chung Won Seok – TGĐ Hana, Công ty TNHH Hana Micron Vina cho biết, ngành Công nghiệp bán dẫn đang khởi sắc, cần đến một lượng lớn nguồn nhân lực. Tính đến thời điểm hiện tại, công ty này đã có trên 1.600 nhân sự, sản xuất 100 triệu chip/ tháng. Để bù đắp nhu cầu nhân lực thiếu hụt, Hana Micron Vina sẽ hợp tác với Trường Cao đẳng Việt – Hàn Bắc Giang và Cao đẳng Công nghiệp Bắc Giang đào tạo lao động theo các vị trí công việc, tương ứng với yêu cầu kỹ năng cần thiết. HANA Micron sẽ thành lập Trung tâm đào tạo nhân lực bán dẫn tại Bắc Giang. Thời gian đào tạo cho từng vị trí công việc và tùy theo leved sẽ từ 2 tháng đến trên 5 năm.
Th.sĩ Nguyễn Công Thông – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Việt – Hàn Bắc Giang (VKTech), cho biết, chuỗi giá trị ngành CN bán dẫn có 8 phân khúc khác nhau. 1) Chip Intellectual Property (IP) Cores: Thiết kế lõi chíp gắn với sở hữu trí tuệ IP 2) Electronic Design Automation (EDA) Tools: Công cụ tự động hóa thiết kế 3) Specialized Materials: Vật liệu và hóa chất chuyên dụng 4) Wafer Fab Equipment (WFE): Thiết bị sản xuất tấm Fab 5) “Fabless” Chip Companies: Công ty thiết kế chíp dựa trên các lõi IP 6) Integrated Device Manufacturers (IDMs): Nhà sản xuất tích hợp IDM 7) Chip Foundries: Các nhà máy đúc chíp 8) Outsourced Semiconductor Assembly and Test (OSAT): Lắp ráp và kiểm thử (được các công ty Chip Foundries thuê để lắp ráp và kiểm thử sau công đoạn đúc chip).
Với chuỗi giá trị trên, có thể thấy ngành công nghiệp bán dẫn là tổ hợp của nhiều ngành kinh tế – kỹ thuật truyền thống. Cấu trúc trình độ nhân lực ngành bán dẫn có nhu cầu bao gồm từ lao động qua đào tạo cấp chứng chỉ, kỹ thuật viên trình độ cao đẳng, đại học đại cương, đại học, thạc sĩ và trên thạc sĩ. Tại Hoa Kỳ tỷ lệ này lần lượt tương ứng là 20%, 15%, 9%, 30%, 26%5.
Ông Nguyễn Công Thông cho biết thêm: Giai đoạn 2026 – 2030 VKTech nâng quy mô đào tạo lên 11.000 học sinh tập trung đào tạo các lĩnh vực điện, điện tử, CNTT, cơ khí chế tạo, cơ điện tử, SX bán dẫn, năng lượng tái tạo, robot, AI/ML Với sự tư vấn của Hana Micron (HMV), VKTech sẽ thiết lập và đưa vào hoạt động Trung tâm đào tạo kỹ thuật viên bán dẫn phân khúc OSAT tại VKTech, hình thành hệ sinh thái hợp tác hiệu quả VKTech – HMV thông qua việc thực hiện Thỏa thuận khung MOU nâng cấp và hợp đồng liên kết đào tạo nhân lực bán dẫn với HMV.
Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu làm cơ sở giúp Bắc Giang xây dựng và triển khai các giải pháp đồng bộ, toàn diện, bảo đảm tính khả thi trong việc đào tạo, phát triển và cung ứng nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Gợi mở cho việc hình thành hệ sinh thái hợp tác liên kết đào tạo hiệu quả giữa nhà trường và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nói riêng và các tỉnh lân cận nói chung, Phó chủ tịch Mai Sơn đề nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, căn cứ vào Kế hoạch số 20/KH-TU ngày 21/6/2021 của Tỉnh ủy về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động của tỉnh đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới, tích cực, khẩn trương phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tỉnh đề xuất các nội dung liên quan để tham mưu cho tỉnh kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực ngành bán dẫn, AI giai đoạn từ nay đến năm 2030, góp phần thu hút ngày càng nhiều các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn đến đầu tư tại tỉnh, đảm bảo mục tiêu đưa Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030.
Tại hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác giữa Công ty TNHH Hana Micron Vina với Trường Cao đẳng Công nghệ Việt – Hàn và Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Bắc Giang về đào tạo nhân lực bán dẫn phân khúc OSAT.
Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội ký thỏa thuận hợp tác với Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Bắc Giang về hỗ trợ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.
Bảo Linh