19/07/2021 10:04:40

Anh và Singapore sống chung với COVID-19 như nào?

Hơn một năm rưỡi sau đại dịch, Singapore và Anh hiện được coi là điển hình cho những thử nghiệm sống chung với đại dịch.

Hồi tháng 6 vừa qua, các nhà lập pháp Singapore đã tiết lộ kế hoạch hướng tới trạng thái “bình thường mới” với sự khác biệt triệt để với mô hình “không lây nhiễm” trước đây. Theo đó, giới chức ở đảo quốc này tin rằng, Covid-19 vẫn sẽ lưu hành, nhưng với tỷ lệ rất thấp. Vì thế, họ thay đổi cách tiếp cận, chuyển từ việc giám sát các ca bệnh hàng ngày sang tập trung vào kết quả y tế như “bao nhiêu người có biểu hiện bệnh nặng, bao nhiêu người trong phòng chăm sóc đặc biệt, bao nhiêu người cần được đặt nội khí quản”.

Singapore cũng hướng trọng tâm trong thời kỳ mới tới mức độ bao phủ vaccine cao, dù không chắc liệu có đạt được mức bao phủ 90 hoặc 95% dân số cần thiết cho khả năng miễn dịch cộng đồng hay không. Tuy nhiên, khi có nhiều người được tiêm chủng, số ca nhiễm sẽ ít được quan tâm hơn bởi khi đã tiêm chủng, nếu chẳng may lây nhiễm cũng sẽ được cách ly tại nhà, các triệu chứng sẽ chủ yếu là nhẹ. Với những người xung quanh cũng được tiêm vaccine, nguy cơ lây truyền sẽ thấp. Khi đó, Covid-19 sẽ được điều trị như một dạng bệnh ít nghiêm trọng hơn, giống như cúm hay thủy đậu…

Kết quả là, tính đến thời điểm hiện tại, khoảng 40% dân số Singapore đã được tiêm đủ 2 liều vaccine phòng Covid-19 và dự kiến khoảng 3/4 dân số sẽ được tiêm đủ vaccine vào ngày 9/8. Singapore hiện đang ghi nhận trung bình 26 ca nhiễm bệnh mới mỗi ngày, nhưng vẫn chưa có ngày mở cửa trở lại chính thức.

Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung cho biết việc mở cửa trở lại của Singapore sẽ diễn ra từ từ, từng bước một với mục tiêu đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao, đồng thời duy trì cả các biện pháp ngăn chặn và giảm thiểu. Cán cân sẽ thay đổi nhưng các biện pháp giảm thiểu và ngăn chặn sẽ không bị từ bỏ.

Tại Anh, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố kế hoạch dỡ bỏ hầu hết tất cả các hạn chế, bao gồm quy định bắt buộc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. Thời điểm đó, Anh đã triển khai chương trình tiêm chủng rộng rãi, 66% dân số trưởng thành đã được tiêm 2 liều vaccine, giảm hẳn số ca bệnh nặng. Tuy nhiên, kế hoạch mở cửa kiểu “vụ nổ lớn” của Anh đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều khi các nhà khoa học cảnh báo rằng sức khỏe của hàng triệu người đang bị đe dọa, vì khoảng 17 triệu người vẫn chưa được tiêm chủng, nên chưa thể đạt được mức độ miễn dịch cộng đồng.

Hơn 100 bác sĩ và nhà khoa học vào tuần trước đã cảnh báo rằng, quyết định đó là quá sớm, có thể ảnh hưởng đến những người trẻ chưa được tiêm chủng. Họ cho biết thêm, chiến lược này sẽ tạo ra “mảnh đất màu mỡ cho sự xuất hiện của các biến thể kháng vaccine gây nguy hiểm cho Vương quốc Anh và toàn thế giới”.

“Có vẻ là điều đáng tiếc khi Vương quốc Anh không thể chờ đợi lâu hơn một chút như Singapore, và thay vào đó họ đang chọn đánh cược vào lợi ích của chương trình vaccine được coi là “tuyệt vời và hiệu quả” của họ”, Tiến sĩ Oliver Watson, một nhà nghiên cứu mô hình hóa đường truyền Covid-19 tại Đại học Hoàng gia London nhận định.

PV (T/h)