Cuộc trao đổi khá cởi mở giữa Nghề nghiệp & Cuộc sống với Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước Tống Hải Nam cho thấy một cái nhìn khá chi tiết, toàn cảnh về công tác xuất khẩu lao động của Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Quá nhiều khó khăn, nhưng vẫn có những điểm sáng, đủ để có thể kỳ vọng vào sự bứt phá trở lại khi đại dịch qua đi.
Xin ông cho biết bao giờ công tác xuất khẩu lao động có thể khởi động trở lại? Và với ảnh hưởng của dịch Covid-19 liệu chỉ tiêu tiêu xuất khẩu lao động năm nay liệu có đạt được?
Hiện tại, từ sau tháng 4 về lý thuyết Chính phủ đã không cấm xuất cảnh lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhưng các nước chưa mở cửa lại biên giới và các hãng hàng không cả nội địa và quốc tế đều chưa mở lại các đường bay nên lao động không thể xuất cảnh. Lúc nào khởi động lại được thì rất khó để trả lời, do diễn biến dịch vẫn còn rất khó dự đoán dù một số nước đã dần kiểm soát được số ca nhiễm mới. Còn về chỉ tiêu năm nay, tôi có thể chắc chắn là sẽ không đạt được rồi. Chúng tôi đã báo cáo Bộ, Chính phủ và Quốc hội về việc này.
Hiện tại nước nào đang là thị trường nhập khẩu lao động Việt Nam nhiều nhất, thưa ông?
Hai thị trường chính của Việt Nam giờ là Đài Loan và Nhật Bản chiếm 90% số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Ông có thể cho biết về việc triển khai chương trình lao động điều dưỡng hợp tác với Đức và Nhật Bản hiện như thế nào?
Chương trình hợp tác với Đức có 2 hợp phần. Một là điều dưỡng trong các trại dưỡng lão hiện Bộ LĐ-TB&XH giao cho Trung tâm Lao động ngoài nước triển khai. Hợp phần 2 đang thí điểm đến khóa 2 là điều dưỡng trong các bệnh viện do Bộ LĐ-TB&XH trực tiếp triển khai. Khóa thứ 2 năm nay chưa xuất cảnh được vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, số lượng của chương trình này không nhiều, chỉ được 100 – 200 lao động. Chỉ tiêu phía Đức đưa ra lớn hơn là 250 người nhưng thực tế không tuyển đủ do tiếng Đức tương đối khó.
Một vấn đề nữa khiến lao động điều dưỡng không có nhiều chỉ tiêu sang Đức là do phía bạn hạn chế số lượng tuyển, vì tránh chuyện chảy máu chất xám ngành y – ảnh hưởng đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của người dân của các nước đang phát triển theo quy định của tổ chức Y tế thế giới – của Việt Nam, dù nhu cầu tuyển rất lớn và đặc biệt thích lao động Việt Nam.
Chương trình điều dưỡng phối hợp với phía Nhật Bản thì khá tốt và cũng gồm 2 hợp phần. Một là theo chương trình hợp tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản. Chương trình này phía bạn yêu cầu phải do Nhà nước làm và phi lợi nhuận. Hiện nay Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp với Bộ Ngoại giao Nhật Bản trực tiếp làm. Toàn bộ giáo viên đều từ Nhật Bản sang trực tiếp đào tạo và phía bạn chịu toàn bộ chi phí nhưng yêu cầu cũng khá cao, phải tốt nghiệp từ hệ cao đẳng điều dưỡng đa khoa trở lên và trong 1 năm học tiếng Nhật phải đạt trình độ N3.
Hơn nữa, số lượng cũng không nhiều, chỉ có 240 người một năm do chi phí đào tạo rất lớn, khoảng 26.000 USD một người. Việt Nam chỉ phải chi ngân sách đối ứng khoảng 300.000 USD để thuê cơ sở giảng dạy. Đến nay chương trình này đã triển khai được 8 khóa. Đúng ra tháng 5 này sẽ xuất cảnh học viên khóa 8 nhưng cũng bị đình lại do ảnh hưởng của Covid-19.
Phía Nhật Bản đánh giá rất cao chất lượng lao động Việt Nam trong chương trình này khi tỷ lệ đỗ của học viên Việt Nam luôn cao nhất so với các nước đối tác khác cũng theo chương trình này của Nhật Bản, luôn đạt 80-90% học viên.
Tuy nhiên, sang Nhật Bản làm việc cũng mới chỉ được công nhận là trợ lý điều dưỡng. Sau một thời gian làm việc, phải thi lấy chứng chỉ hành nghề của Nhật mới được công nhận chính thức là điều dưỡng viên. Đáng mừng là tỷ lệ thi đỗ chứng chỉ này của lao động Việt Nam cũng luôn rất cao, thậm chí cao hơn cả người bản địa nên Nhật Bản càng đánh giá cao lao động Việt Nam. Cái khó đối với lao động Việt Nam chỉ là tiếng Nhật, hay với chương trình của Đức là tiếng Đức, còn chuyên môn lao động Việt Nam rất tốt.
Riêng đối với nghề điều dưỡng do phía doanh nghiệp đưa đi hiện cũng đang thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, dải công việc trong ngành này khá rộng, từ trình độ cao hơn là biết đọc đơn thuốc, biết đọc bệnh án, biết tiêm và cho uống thuốc, đến dải công việc thấp hơn là chỉ đơn thuần làm công việc chăm sóc, dọn dẹp…Như vậy cũng tương đương với mức thu nhập chênh lệch từ cao đến thấp.
Vì vậy, chúng tôi cũng định hướng doanh nghiệp và người lao động lựa chọn những dải công việc có mức thu nhập cao để làm thay vì tập trung vào số lượng. Định hướng này cũng đang được chúng tôi áp dụng cho tất cả các ngành nghề và thị trường khác để cố gắng nâng dần chất lượng công tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, giảm dần tỷ lệ lao động giản đơn.
Thị trường các nước châu Âu thì sao, thưa ông?
Các nước châu Âu có phản hồi khá tốt về lao động Việt Nam, đặc biệt là các nước khối Đông Âu như Ba Lan, Hungary, Rumani…, hiểu khá rõ và rất thích lao động Việt Nam vì chăm chỉ, chịu khó. Họ cũng có nhu cầu do đang thu hút đầu tư từ Tây Âu và một phần do lao động bản địa dịch chuyển sang các nước Tây Âu để tìm việc làm có thu nhập cao hơn.
Mức lương tuy không cao nhưng cũng khá hấp dẫn. Năm ngoái tôi có sang Rumani thăm một nhà máy đóng tàu, mức lương lao động Việt Nam nghề hàn khoảng 1.100 Euro/tháng. Tôi cũng có phỏng vấn trực tiếp nhiều lao động và rất hài lòng với công việc và cuộc sống. Năm ngoái riêng Rumani tiếp nhận khoảng 3.400 lao động Việt Nam. Các nước khác tuy chưa nhiều cũng khá thuận lợi. Nhưng từ đầu năm nay, dịch Covid-19 cũng khiến cả thị trường này bị tạm dừng.
Trong thời gian tới, chúng ta có tập trung cho một thị trường hay một nhóm nghề nào đặc biệt không, hay nói cách khác có một chiến lược cụ thể, dài hơi cho xuất khẩu lao động hay không?
Thực ra lĩnh vực này khá đặc thù, do chúng ta không thể chủ động can thiệp được vào những biến động của thị trường lao động các nước nhập khẩu lao động Việt Nam như đối với thị trường lao động trong nước. Hơn nữa, bối cảnh chính trị các nước và thế giới thời gian gần đây luôn biến động rất phức tạp. Đơn cử như thị trường Lybia hay các nước Trung Đông, nếu như cách đây ít năm đều nhập khẩu hàng vạn lao động Việt Nam mỗi năm, nhưng nay gần như đóng băng vì chiến tranh, bất ổn chính trị và suy thoái kinh tế.
Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thời gian này cũng là một minh chứng cho việc bất khả kháng trong việc can thiệp vào thị trường lao động ngoài nước của Việt Nam.
Một ví dụ nữa là thị trường Đài Loan. Trước đây mỗi năm có hàng vạn lao động Việt Nam xuất cảnh sang Đài Loan làm việc. Nhưng từ năm 2016, khi Đài Loan thay đổi chính sách lao động và nhập cư, cho phép lao động nước ngoài có thể làm việc 5 năm thay vì 3 năm và có thể chỉ cần gia hạn visa để ở lại làm việc tiếp chứ không cần về nước xin visa mới có thể quay lại làm việc, lượng lao động xuất cảnh bị chững lại. Vì những người hết hạn visa không cần phải về nước nên nhu cầu tuyển dụng nhân sự mới thay thế sẽ bị giảm. Ảnh hưởng của những biến động đó là việc mà Việt Nam không thể can thiệp.
Hay như thị trường Nhật Bản. Những năm 2010, dù rất cố gắng nhưng chưa bao giờ Việt Nam đưa được tới 1 vạn lao động sang thị trường này mỗi năm. Tuy nhiên từ năm 2014, con số này liên tục tăng theo cấp số nhân, từ 1 vạn lên 3-4 vạn và đến 2019 lên tới con số 7,2 vạn. Nhưng bước sang 2020, dịch Covid-19 đã khiến sự tăng trưởng đột ngột bị đình trệ. Nói như vậy để nhấn mạnh lại là thị trường xuất khẩu lao động rất đặc thù, chúng ta không thể chủ động điều tiết như với thị trường lao động trong nước nên rất khó có một kế hoạch chi tiết, dài hơi mà luôn phải chủ động theo dõi, bám sát biến động chính sách, kinh tế xã hội của các nước để điều chỉnh theo.
Tuy nhiên, mới đây tôi có trao đổi với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, bà từng giữ chức Bộ trưởng LĐ-TB&XH nên hiểu rất rõ xuất khẩu lao động, Chủ tịch Quốc hội có nói rằng, hiện tại công tác xuất khẩu lao động của Việt Nam không nên chạy theo số lượng mà cần tập trung vào chất lượng, lựa chọn công việc, lựa chọn thị trường có mức lương và chất lượng tốt. Đó cũng là định hướng mà Bộ LĐ-TB&XH cũng như Cục Quản lý Lao động ngoài nước đang nhắm tới.
Theo ông doanh nghiệp và người lao động cần phải làm gì trong bối cảnh khó khăn như hiện nay?
Diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới hiện vẫn vô cùng phức tạp, tất cả các thị trường đều chưa biết lúc nào mở cửa trở lại. Đơn cử như Nhật Bản, dự kiến tháng 6 sẽ mở cửa trở lại nhưng cũng chưa có gì bảo đảm. Kể cả nếu mở lại đúng theo dự kiến nhưng số người nhiễm vẫn còn nhiều, chưa chắc doanh nghiệp đã dám đưa lao động đi, và cả người lao động cũng chưa chắc dám đi.
Vì vậy, trong lúc này việc cần làm là doanh nghiệp nên tiếp tục quản lý tốt, động viên số lao động mà mình đưa đi vẫn đang còn ở lại làm việc. Thành công của Việt Nam là đến nay hầu như chưa có một ca lao động Việt Nam nào đang làm việc ở nước ngoài bị nhiễm covid-19.
Họ vẫn đang làm việc bình thường dù có thể bị giảm việc, giảm thu nhập nhưng chỉ là thu nhập làm thêm còn vẫn nhận lương đầy đủ, tâm lý người lao động vẫn khá tốt và gắn bó với doanh nghiệp. Đây cũng chính là cơ hội để chủ sử dụng lao động đánh giá, nhìn nhận được sự gắn bó của lao động Việt Nam. Nếu không làm tốt việc quản lý, động viên lao động, nhiều người bị nhiễm bệnh sẽ gây tâm lý lo lắng tạo, nên làn sóng lao động đổ dồn về nước thì thiệt hại với doanh nghiệp còn tăng lên nữa.
Ngoài ra, trong lúc chờ đợi thị trường mở cửa trở lại, doanh nghiệp cũng cần cải tổ bộ máy tinh gọn, hiệu quả hơn, tìm hiểu định hướng thị trường cho thời gian tới tập trung vào những ngành nghề nào, thị trường nào có mức thu nhập cao, môi trường làm việc tốt để dễ thu hút nguồn tuyển.
Còn đối với người lao động, nhiều người đã có visa chờ xuất cảnh nhưng phải chờ đợi khá lâu chưa đi được có thể dẫn tới tâm lý lo lắng khi visa hết hạn hoặc thay đổi ý định xuất cảnh vì bất an trước dịch bệnh. Tuy nhiên, không nên quá lo về vấn đề visa vì Chính phủ và các cơ quan chức năng sẽ có động thái can thiệp với đại sứ quán các nước để gia hạn visa. Do vậy, trong lúc chờ đợi nên giữ vững tâm lý và luyện tập, chuẩn bị tốt nhất ngoại ngữ, tay nghề để bắt nhịp nhanh chóng với công việc khi có cơ hội xuất cảnh.
Tất nhiên, trong ngắn hạn công tác xuất khẩu lao động sẽ không tránh khỏi những xáo trộn, khó khăn khi tình hình dịch bệnh còn rất khó để dự báo. Tuy nhiên, với chất lượng lao động Việt Nam ngày càng cao và phản hồi tốt từ các nước đối tác, tôi tin công tác xuất khẩu lao động sẽ có nhiều cơ hội phục hồi khi đại dịch qua đi.
Phan Long