Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên trong năm 2021, chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều của giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Chính phủ.
Trao đổi về PV Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống về nội dung này, ông Nguyễn Lê Bình – Phó Vụ trưởng, Phó Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo cho biết, trong quá trình xây dựng chuẩn nghèo mới, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, cơ quan liên quan đánh giá tác động và dự kiến khả năng ngân sách để thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững khi ban hành chuẩn nghèo mới.
Chính phủ cũng đã 3 lần xem xét về vấn đề này và quyết định, để bảo đảm khả năng của ngân sách trong bối cảnh chịu tác động mạnh của đại dịch Covid-19, sẽ không áp dụng chuẩn nghèo mới từ năm 2021 mà sẽ áp dụng từ năm 2022.
Nội dung này theo đó đã được quy định rõ trong Nghị định số 07/2021 ngày 27/1/2021 của Chính phủ quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 195/NQ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ. Cụ thể, trong năm 2021, chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Chính phủ. Do tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn khoảng 2,86% nên ngân sách đảm bảo thực hiện chính sách giảm nghèo trong năm 2021 sẽ không tăng, mà còn giảm.
Từ năm 2022, chúng ta mới bắt đầu áp dụng các chính sách giảm nghèo mới theo chuẩn nghèo mới như: Hỗ trợ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, trợ giúp pháp lý… Hiện nay, Chính phủ đang giao Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với bộ ngành, các cơ quan rà soát, hoàn thiện Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025. Nguồn lực bảo dảm thực hiện sẽ do Quốc hội, Chính phủ cân đối. Việc nâng chuẩn nghèo sẽ không làm gia tăng ngân sách thực hiện.
Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã có Văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn việc thực hiện chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội năm 2021. Bộ LĐ-TB&XH đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2021, tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 đối với các huyện nghèo theo Quyết định số 275/QĐ-TTg ngày 7 tháng 3 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các huyện nghèo và huyện thoát nghèo giai đoạn 2018-2020 và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25 tháng 1 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016-2020 cho đến khi có văn bản mới thay thế của cấp có thẩm quyền.
Bộ LĐ-TB&XH cũng lưu ý, năm 2021, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không áp dụng cơ chế, chính sách giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 đối với các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đã được cấp có thẩm quyền công nhận lên phường, thị trấn hoặc các xã đạt chuẩn nông thôn mới theo Quyết định số 596/QĐ-TTg ngày 25/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 2 Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016-2020.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, trong năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) của cả nước giảm từ 9,88% vào cuối năm 2015 xuống còn 2,75%. Tỷ lệ giảm bình quân 1,43%/năm. Riêng các huyện nghèo giảm còn dưới 24%, giảm bình quân trên 5,6%/năm.
Bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3-4%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân 4%/năm.
Hải An