Việt Nam hiện có khoảng 25 triệu trẻ em, trong đó 2/3 có cơ hội tiếp cận với Internet. Dịch Covid bùng phát, các hoạt động làm việc, học tập, giải trí… phải dịch chuyển từ trạng thái offline sang online đã kéo theo rủi ro với người dùng trên môi trường mạng, đặc biệt là với trẻ em.
Gia tăng nguy cơ
Một báo cáo gần đây của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF cho biết, có hơn 1,5 tỷ trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn cầu chịu ảnh hưởng bởi tình trạng trường học đóng cửa và những quy định giãn cách nghiêm ngặt. Phần lớn các em phải chuyển sang học online và theo tính toán có hàng triệu trẻ em chịu nguy cơ xấu khi tương tác trên môi trường mạng.
Trong bối cảnh đó, các nền tảng và cộng đồng trực tuyến trở nên cần thiết để duy trì các hoạt động học tập, giải trí, kết nối bạn bè cho trẻ em.
Mặc dù được đánh giá là mang lại cơ hội đáng kể để duy trì và thúc đẩy quyền trẻ em nhưng các giải pháp kỹ thuật số này cũng làm tăng khả năng tiếp xúc của trẻ em với các rủi ro trực tuyến.
Tại một tọa đàm mới đây về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Tuân, quyền Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin cho biết, trẻ em được coi là đối tượng yếu thế, chưa được trang bị nhiều kỹ năng tự bảo vệ trên môi trường mạng, sẽ phải đối mặt với 5 nhóm nguy cơ khi online.
Trẻ em có thể tiếp cận những nội dung thông tin độc hại như bạo lực, khiêu dâm, dẫn đến làm lệch lạc suy nghĩ và ảnh hưởng tới sự phát triển lành mạnh. Trẻ em cũng có thể bị phát tán những nội dung thông tin riêng tư, cá nhân; bị nghiện Internet hoặc bị cuốn vào những nội dung vô bổ trên mạng. Không những thế, trên môi trường mạng, các em có thể bị bắt nạt bị bắt nạt trực tuyến, quấy rối khi học online, xúi giục tự tử, làm đau bản thân, tiếp xúc nội dung phản giáo dục nghiện trò chơi trực tuyến, phát tán hình ảnh nhạy cảm, bị lừa đảo, dụ dỗ, lôi kéo, hoặc ép tham gia vào các hoạt động vi phạm, thậm chí có thể bị xâm hại tình dục…
Báo cáo Đánh giá đe dọa toàn cầu năm 2021 của WeProtect – phong trào tập hợp hơn 200 chính phủ và các công ty, tổ chức dân sự để thay đổi phản ứng toàn cầu đối với tình trạng bóc lột và lạm dụng tình dục trẻ em trên mạng – đưa ra giữa tháng 10/2021 vừa qua cho thấy, hai năm “Covid-19 đã tạo ra một ‘cơn bão hoàn hảo’ để thúc đẩy sự gia tăng lạm dụng và bóc lột tình dục trẻ em trên toàn cầu”.
Việc phải thu hẹp không gian thật và giành nhiều thời gian hơn trên các nền tảng ảo càng khiến trẻ em đối mặt thường xuyên với nhiều nguy cơ. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc lạm dụng và bóc lột tình dục trẻ em trên mạng tăng nhanh trong thời Covid. Đơn cử như tại Mỹ, mỗi ngày, Trung tâm quốc gia về trẻ em mất tích và bị bóc lột của quốc gia này phải xử lý khoảng 60.000 báo cáo về lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến.
Tại Việt Nam, các chuyên gia cũng đưa ra nhận định, chưa bao giờ xâm hại trẻ em trên Internet nóng như hiện tại. Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, Phó giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam cho rằng, trong thời gian chịu ảnh hưởng do Covid-19, trẻ phải tiếp xúc mạng xã hội, học online càng nhiều. Nguy cơ bị xâm hại theo đó cũng ngày càng cao.
Khảo sát của tiến sĩ Hoàng Tuấn Ngọc, Đại học Sư phạm TP HCM, với học sinh trung học cơ sở cho thấy có 7 nhóm vấn đề lớn mà học sinh gặp phải, đứng đầu là xâm hại trên môi trường mạng. Hơn 30% số học sinh được khảo sát cho biết đã và đang gặp phải tình trạng này.
Báo cáo của Đường dây nóng Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, từ tháng 5 đến tháng 8/2021, trung bình mỗi tháng tiếp nhận khoảng 600 ca xâm hại và bạo lực, tăng gần 1,5 lần so với 3 tháng đầu năm. Trước đó, năm 2020 – năm bắt đầu xuất hiện và bùng phát dịch Covid-19, số cuộc gọi tư vấn chuyên sâu ở nội dung xâm hại, bạo lực chiếm hơn 47%, tăng 7,2% so với năm 2019.
Kẻ xâm hại có thể là bất cứ ai trên môi trường ảo
Trong rất nhiều cuộc gọi đến Đường dây nóng Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, Tổng đài viên Nguyễn Việt Dũng chia sẻ, từng tiếp nhận cuộc gọi của một bé gái lớp 8. Buồn chuyện gia đình, học tập nên em thường xuyên chia sẻ cảm xúc tiêu cực trên trang cá nhân. Từ những dòng chia sẻ này, một đối tượng chủ động hỏi thăm, làm quen, tặng quà.
Sau một thời gian, khi đã lấy được lòng tin của cô bé, đối tượng liền dụ dỗ cô bé gửi ảnh hoặc video bộ phận nhạy cảm cơ thể, video tắm để làm “minh chứng tình yêu”, “giữ làm kỷ niệm”. Dần dần đối tượng buộc cô bé gửi video hằng ngày. Khi em không muốn tiếp tục thì ngay lập tức em bị đối tượng đe dọa sẽ cho phát tán các video cũ.
Một câu chuyện khác là trường hợp bé NTN (13 tuổi, sống ở Long An). Do có mâu thuẫn với một số bạn trong lớp nên dần dần bị tẩy chay, bị cô lập và bắt nạt hội đồng trên mạng xã hội Facebook. Nghĩ quẩn, bé NTN đã uống thuốc tự tử để tìm cách thoát ra khỏi áp lực. May mắn, NTN đã được các bác sĩ Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh cấp cứu chữa kịp thời, nhưng trên thực tế không thiếu những cái kết đau lòng.
Mỗi độ tuổi trẻ em có thể gặp phải những rủi ro khác nhau, tuy nhiên hậu quả dù là vô hình hay hữu hình, dù trực tiếp hay gián tiếp đều để lại tác động xấu và để lại nhiều nỗi lo.
Theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD), mặc dù sinh ra trong thời đại công nghệ và có thể rất nhanh chóng nắm bắt, làm chủ công nghệ nhưng các em chưa đủ kỹ năng cần thiết để đối mặt với những rủi ro trên môi trường mạng và dễ bị xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục trên môi trường mạng.
Với đặc tính ẩn danh của Internet, kẻ xâm hại trẻ em có thể là bất cứ ai, thậm chí có thể là những người quen biết với các em. Các hành vi xâm hại trên mạng thể hiện rất đa dạng, như: đánh cắp thông tin cá nhân, xâm hại tình dục bằng cách đe dọa đăng hình ảnh nhạy cảm, cưỡng bức xem hình ảnh khiêu dâm, quấy rối qua tin nhắn, bắt trẻ gửi hình ảnh hoặc live stream nhạy cảm, bắt nạt trên mạng, công kích bằng lời, hù dọa, thách thức, bêu xấu trẻ…
Thủ đoạn của những kẻ xâm hại tình dục trẻ em lại rất tinh vi. Ban đầu, kẻ xâm hại thường tiếp cận các em qua các diễn đàn, mạng xã hội (các nhóm, hội), hay qua các phòng chat hay game online. Sau đó chúng tạo niềm tin bằng cách khen ngợi, quan tâm, tặng quà và tiền, khiến trẻ tin tưởng.
Kẻ xâm hại thường tạo sự cảm thông với trẻ, khiến trẻ mất cảnh giác, đáp ứng các yêu cầu như gửi ảnh, quay video, hình ảnh nhạy cảm. Nếu trẻ từ chối, chúng dọa sẽ kể cho bố mẹ, bạn bè hoặc phát tán những hình ảnh, video chúng đã có. Và giai đoạn này thường vượt quá khả năng xử lý của trẻ.
Dịch Covid-19 vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, cuộc sống của hàng triệu trẻ em tạm thời vẫn bó hẹp trong gia đình và màn hình. Làm thế nào để các em thích ứng và an toàn đang là vấn đề đặt ra đối với không chỉ các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ trẻ em mà còn đối với toàn xã hội, với gia đình và với chính cả bản thân các em.
Theo bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam: “Khi xâm hại xảy ra trên môi trường mạng thì chúng ta, những người làm cha mẹ thường không nhận thức được những nguy cơ và cũng không biết được những gì con em chúng ta đã phải trải qua trên mạng.
Đối với trẻ em, các em sẽ thấy cô đơn buồn bã. Khi bắt nạt xảy ra ở trường thì mọi người có thể thấy được, nhưng khi nó xảy ra trên môi trường mạng thì sự tàn nhẫn, xâm hại có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tinh thần và sự tự tin của trẻ em, khiến các em cảm thấy bị cô lập và cô đơn”…
Hải Yến
(Bài 2: “Vắc xin số” bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng)