Đạt tỷ lệ 95% – 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng ngành, ĐH Mở Hà Nội đã tạo được dấu ấn mà không nhiều đại học hiện nay làm được.
Đồng hành cùng sinh viên
TS Trương Tiến Tùng – Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội (HOU) cho biết, trường luôn đặt mục tiêu chất lượng đào tạo lên hàng đầu nhưng vẫn luôn chú trọng đến việc đồng hành cùng sinh viên, tạo điều kiện tốt nhất để sinh viên tập trung học tập.
Là 1 trong 23 cơ sở giáo dục đại học được Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm tự chủ toàn diện, hiện nay học phí của Đại học Mở Hà Nội là một trong những mức học phí thấp nhất trong các cơ sở tự chủ đại học, sinh viên được hưởng đầy đủ các chính sách miễn giảm học phí và học bổng khuyến khích học tập.
Dù là đơn vị tự chủ 100%, nhưng không vì thế mà mức học phí bị đẩy lên cao, trung bình giống như nhiều đại học khác khoảng 1 triệu đồng/ tháng. Mức học phí đó được tính toán phù hợp, tương đối “bình dân” dựa trên đánh giá khả năng tài chính của phần lớn gia đình nuôi con học Đại học. Cùng đó, để giúp sinh viên có điều kiện ở, sinh hoạt khi đi học với chi phí rẻ, kết hợp với công việc làm gia sư, dạy thêm để có thêm nguồn thu nhập.
Trong năm học vừa qua, ĐH Mở Hà Nội đã chi gần 10 tỷ đồng cho học bổng, phần thưởng từ nhiều nguồn khác nhau để hỗ trợ sinh viên có thành tích học tập tốt và hơn 1 tỷ hỗ trợ sinh viên duy trì việc học trong đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, nhà trường còn tích cực thực hiện chủ trương xã hội hóa cùng doanh nghiệp tham gia đào tạo, tạo ra hàng nghìn cơ hội việc làm cho sinh viên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, giúp các em có thêm kinh nghiệm, tự tin và năng động hơn, giảm tải áp lực kinh tế cho chính các em và gia đình.
Trong lĩnh vực tuyển sinh, nhà trường luôn cố gắng tạo điều kiện, đưa ra phương thức xét tuyển linh hoạt. Kỳ thi tuyển sinh năm 2020 không có nhiều thay đổi, khi giữ nguyên 17 ngành tuyển sinh rất thành công trong năm 2019. Chỉ tiêu năm 2020 nhỉnh hơn năm 2019, với khoảng 3.400 chỉ tiêu hệ chính quy, các thí sinh có nhiều cơ hội để có thể được lựa chọn xét tuyển vào trường.
Chỉ tiêu xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT và 200 chỉ tiêu xét tuyển học bạ (Công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, Kiến trúc, Thiết kế Công nghiệp). Trong đó, 2 ngành kiến trúc, thiết kế công nghiệp, trường tổ chức thi tuyển môn năng khiếu hình họa hoặc có thể sử dụng kết quả thi năng khiếu ở các trường khác có cùng tiêu chí xét tuyển tương đương.
Đối với các tổ hợp xét tuyển có môn ngoại ngữ, thí sinh có thể sử dụng các chứng chỉ Quốc tế để quy đổi, thay thế cho môn ngoại ngữ khi xét tuyển đầu vào.
Đặc biệt, ngành quản trị dịch vụ du lịch lữ hành của trường luôn có thí sinh trúng tuyển vượt chỉ tiêu trên 250 sinh viên, trực tiếp được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp, khách sạn sau khi tốt nghiệp.
Sứ mệnh mở ra cơ hội học tập mở
Nhằm đáp ứng nhu cầu lao động có trình độ cao cho xã hội với đa nghành, đa lĩnh vực, đa trình độ, đa phương thức (đào tạo chính quy, đào tạo từ xa, vừa làm vừa học…) thông qua phương thức truyền thống và đào tạo trực tuyến ứng dụng công nghệ hiện đại, ĐH Mở Hà Nội là đơn vị tiên phong xây dựng chương trình học liệu mở, học trực tuyến, học online dành cho sinh viên nhà trường và cả sinh viên của hệ thống các trường đại học nói chung.
Sinh viên tiếp cận phương thức học tập này có thể học mọi lúc, mọi nơi và vào bất cứ thời gian nào mà các em muốn, từ đó kích thích tinh thần tự học với những sáng tạo trong tra cứu từ khóa để tiếp cận học liệu tri thức, có nghĩa là cá nhân hóa việc học và mỗi sinh viên tạo ra cho mình chương trình học tương đối độc lập.
Thông qua đó, các em sinh viên vừa được học lại, vừa nắm bắt kỹ những kiến thức chuyên môn mà học trên lớp chưa hiểu được hết ý. Chỉ cần các em có công cụ để học tập như Điện thoại thông minh, máy tính xách tay có kết nối internet là thỏa sức học không giới hạn về không gian, thời gian.
Việc tích cực thực hiện xã hội hóa cùng doanh nghiệp tham gia đào tạo cũng góp phần không nhỏ trong việc giúp các em vừa học vừa làm, hiểu rõ tính chất công việc và quy trình làm việc, tích lũy học hỏi kinh nghiệm từ thực tế để các em không còn bỡ ngỡ, tràn đầy tự tin và yêu thích hơn ngành nghề mình đã lựa chọn.
Ngay cả nhiều mã ngành tưởng chừng như rất lý thuyết như: quản trị kinh doanh, luật kinh tế, tài chính ngân hàng…đều được thực hành gắn với việc đi làm thêm tại các doanh nghiệp giúp các em hiểu rõ tính chất công việc và quy trình làm việc thực tế… Ở một số ngành, nghề khác như thiết kế đồ họa, nội thất, thời trang, công nghệ sinh học, thực phẩm…, cũng đòi hỏi sự sáng tạo của mỗi sinh viên rất lớn để có được những sản phẩm như ý đến với khách hàng.
Trong đại dịch Covid-19, sinh viên năm cuối Lê Nam Anh khoa Kiến trúc đã lọt tốp 20 sinh viên trong cả nước có sáng tạo trong việc thiết kế và sáng tạo mô hình bệnh viện dã chiến trong đại dịch Covid-19 vừa qua.
Vươn tới thành công
Mỗi năm, bước ra từ cánh cổng ĐH Mở Hà Nội là hàng nghìn sinh viên xuất sắc trong các lĩnh vực, ngành nghề mà nhà trường đào tạo. Những sinh viên này luôn nhận được sự tin tưởng vào làm việc trong các doanh nghiệp đạt trên 95% đúng với vị trí việc làm mà các em theo học, có nhiều ngành học tỷ lệ này là 100% trong đó, tỷ lệ sinh viên tự khởi nghiệp thành công chiếm gần 10%.
Để có được kết quả này, là biết bao nhiêu cố gắng của đội ngũ cán bộ lãnh đạo nhà trường, luôn mong muốn tạo điều kiện học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng tốt nhất cho sinh viên, trở thành cầu nối giữa sinh viên và doanh nghiệp, mở ra cơ hội cho mỗi sinh viên chạm tay vào “giấc mơ đến thành công” của chính mình.
Thu Thủy