Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh bất thường đang ngày càng diễn biến phức tạp gây nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sinh kế của người dân, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói nghèo bảo đảm công bằng xã hội của nước ta. Cũng từ đây đặt ra vấn đề cần một hệ thống chính sách an sinh ngắn hạn và ngay lập tức ứng phó với những thảm họa bất thường.
Từ thực tế gói hỗ trợ 62000 tỷ đồng
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15 của Chính phủ; tính đến ngày 20/5/2020 các địa phương đã phê duyệt danh sách 15,8 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được thụ hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ. Trong đó, tổng số người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được phê duyệt hơn 11,8 triệu người; người lao động trong doanh nghiệp, lao động không có giao kết hợp đồng lao động, hộ kinh doanh gần 4 triệu người.
Tổng số tiền đã chi hỗ trợ cho các đối tượng tính đến thời điểm ngày 20-5 đạt 17,5 nghìn tỷ đồng. Trong đó, 34 tỉnh, thành phố cơ bản chi trả xong; 15 tỉnh, thành phố đang triển khai chi trả cho các đối tượng đạt từ 10 đến 75% số đối tượng được duyệt; 13 địa phương ở mức dưới 10% số đối tượng được duyệt.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến ngày 30/6/2020, 1.519 đơn vị sử dụng lao động được giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho 138.076 người lao động, với tổng kinh phí gần 475,33 tỷ đồng.Đến ngày 23/6/2020, cả nước có 531.321 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Tổng số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trên cả nước đến hết ngày 18/6/2020 là 449.500 người (tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2019); với tổng số tiền là 6.028 tỷ đồng (bằng 128% so với cùng kỳ 5 tháng đầu năm 2019).
Tổng số tiền đã chi trả trợ cấp thất nghiệp đến hết ngày 24/6/2020 là 6.374 tỷ đồng (bằng 136,0% so với số chi trả 6 tháng đầu năm 2019). 250 nghìn người bán vé xổ số lưu động được hỗ trợ.
Tại Hà Nội , tính đến 20/5/2020, theo tổng hợp từ báo cáo của các quận, huyện, thị xã; Hà Nội đã cơ bản đã hoàn thành công tác chi trả cho 4 nhóm đối tượng (người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo và cận nghèo). Đã có 385.516/385.683người được nhận hỗ trợ với kinh phí là 474,2 tỷ đồng. Tỷ lệ chi trả toàn thành phố đạt 99.97%. Chỉ còn 167 đối tượng chưa nhận hỗ trợ vì đang vắng mặt tại nơi cư trú.
Còn tại Tp Hồ Chí Minh, theo thông tin từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. HCM tính đến ngày 22/6, TP. HCM đã chi hỗ trợ cho 477.319/568.308 đối tượng (đạt tỷ lệ 83,99%) gặp khó khăn do dịch Covid-19 với số tiền 528.231.100 tỷ đồng. Trong đó, về cơ bản TP đã giải quyết xong cho 266.927/267.582 đối tượng (đạt 99,76%) tiến độ) đối với các nhóm đối tượng là: Người có công với cách mạng; bảo trợ xã hội và hộ nghèo, cận nghèo.
Theo Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. HCM Lê Minh Tấn, đối với các nhóm đối tượng còn lại tiến độ thực hiện hỗ trợ vẫn đang tiếp tục được triển khai tại các quận, huyện. TP đã hỗ trợ cho đối tượng người lao động (kể cả giáo viên mầm non) hộ kinh doanh, người sử dụng vay vốn để trả lương ngừng việc là 210.392 đối tượng (đạt tỷ lệ 69,96%).
TP đã chi trả đối với trường hợp là lao động làm việc tại các doanh nghiệp phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 35.564 đối tượng (đạt tỷ lệ 54,38%); Hỗ trợ cho 707 đối tượng bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (đạt tỷ lệ 33,25%).
Các quận huyện giải quyết đạt mức cao là Quận 1: 4.606 người thuộc 108 doanh nghiệp, đạt 100%; Quận 5: 3.647 người của 35 doanh nghiệp đạt 100%.Tuy nhiên, còn 1 số quận huyện giải quyết còn thấp như Quận 4 mới đạt gần 20%; Quận Bình Tân mới đạt 11,45%…
Tới những lúng túng trong triển khai
Mặc dù Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định rất rõ điều kiện, trình tự hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Bộ LĐ-TB&XH liên tục cập nhật những giải đáp thắc mắc và hướng dẫn cụ thể nhưng thực tế nhiều địa phương vẫn lúng túng trong việc triển khai. Đối với nhóm đối tượng được quản lý sẵn có như người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, công tác chi trả được thực hiện nhanh gọn, kịp thời.
Tuy nhiên với số “đối tượng thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp, làm một trong những công việc sau: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe” nhiều địa phương gặp không ít khó khăn, lúng túng trong việc rà soát thống kê, hướng dẫn thủ tục nhận chi trả.
Thứ nhất do gói 62.000 tỷ là gói hỗ trợ ứng phó ngay lập tức nên một trong những yêu cầu là phải chi trả ngay tới tay đối tượng. Trong khi số lượng đối tượng rất lớn, lại chưa được quản lý cụ thể. Các hướng dẫn chính sách tuy được cập nhật nhưng nhiều qui định chưa được định lượng nên khi thực thi trên thực tế còn nhiều khó khăn, ví như qui định “đối tượng bị giảm sâu thu nhập”.
Thứ 2 do công tác thống kê, quản lý số đối tượng này chưa được đưa vào các dữ liệu quản lý theo dõi chặt chẽ nên khi triển khai, các cán bộ tổ dân phố đã phải đi “từng ngõ, gõ từng nhà” để tìm hiểu, lập danh sách, thống kê đối tượng. Cách làm này không tránh khỏi cảm tính, nể nang của người thống kế hoặc nhầm lẫn khi đối tượng khai báo không trung thực dẫn đến kê khai sai đối tượng ngay từ cơ sở.
Đó là chưa kể một số địa phương cố tình làm sai qui định, đưa cả vợ con cán bộ địa phương vào danh sách hộ nghèo, cận nghèo để hưởng gói hỗ trợ. Thứ 3, do là gói hỗ trợ khẩn cấp ngay lập tức, trong khi bộ chính sách hỗ trợ khẩn cấp này chưa có tiền lệ nên một só qui định dù được hướng dẫn nhưng vẫn có tình trạng mỗi nơi hiểu một kiểu, lúng túng trong giải thích chính sách. Nhiều địa phương loay hoay theo kiểu, đơn giản quá sợ không đúng đối tượng, thận trọng quá thì tiền không kịp thời đến tay đối tượng khiến cho nhiều đối tượng đến nay vẫn chưa nhận được tiền, làm giảm ý nghĩa của gói hỗ trợ.
Đánh giá cao gói hỗ trợ khẩn cấp ứng phó với đại dịch Covid 19 của Chính phủ Việt Nam, bà Valentina Barcucci, Phó giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam khuyến nghị “Theo thời gian, cùng với diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, các chính sách hỗ trợ cần phải được kiểm chứng xem phù hợp không, có cần điều chỉnh không để thiết kế chính sách phù hợp hơn dựa trên số liệu điều tra”. Thiết nghĩ về lâu dài, Việt Nam cần có bộ chính sách an sinh quốc gia ứng phó tức khắc với thảm họa trên cơ sở công tác thống kê, quản lý đối tượng được số hóa chặt chẽ.
Thanh Hằng