23/06/2020 4:59:01

Người biểu tình định kéo đổ tượng cựu Tổng thống Mỹ ở thủ đô Washington

Một nhóm người biểu tình đã tìm cách kéo đổ tượng cựu Tổng thống Andrew Jackson ở công viên gần Nhà Trắng, trong bối cảnh các cuộc biểu tình sắc tộc tại Mỹ vẫn chưa lắng xuống.

Theo hãng tin AFP, một nhóm người biểu tình đã tìm cách kéo đổ tượng của cựu Tổng thống Andrew Jackson, Tổng thống thứ 7 của Mỹ, tại công viên Lafayette, gần Nhà Trắng vào tối 22/6.

Đó là bức tượng khắc họa cựu Tổng thống Jackson mặc quân phục, cưỡi ngựa. Những người biểu tình đã trèo lên tượng, quấn dây thừng và xích quanh đầu tượng và ngựa để tìm cách kéo đổ. Tuy nhiên, ít nhất 100 nhân viên an ninh trấn áp nhóm người này bằng hơi cay, không cho kéo đổ tượng.

“Chúng tôi chuẩn bị dây thừng, xích, ròng rọc để kéo và chúng tôi sẽ dùng nó để kéo đổ tượng”, một người biểu tình giấu tên 20 tuổi nói. “Cảnh sát đã tấn công chúng tôi. Họ ỷ thế nắm quyền lực trong tay”, Raymond Spaine, một người biểu tình da màu 52 tuổi nói.

Trong khi đó, Mật vụ Mỹ yêu cầu các phóng viên lập tức rời khu vực Nhà Trắng tối 22/6, một quyết định được xem là khá bất thường.

Một chiếc trực thăng bay trên đầu hàng trăm người biểu tình trong lúc các sĩ quan trấn áp đám đông định kéo đổ tượng bằng hơi cay. Hồi đầu tháng này, cảnh sát cũng giải tán một cuộc biểu tình ôn hòa tại Công viên Lafayette trước khi Tổng thống Trump đến từ Nhà Trắng để chụp ảnh tại nhà thờ St. John. Nhà thờ bị người biểu tình đốt phá đêm trước đó.

Về phần mình, vào cuối ngày hôm qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng tải một dòng trạng thái trên Twitter rằng: “Rất nhiều người ở Washington đã bị bắt vì hành động phá hoại tượng cựu Tổng thống Andrew Jackson ở công viên Lafayette…Có thể lĩnh án 10 năm tù. Hãy cẩn thận”.

Cựu Tổng thống Jackson từ lâu bị chỉ trích vì ký thông qua đạo luật 1830 (Indian Removal Act) bắt buộc di dời hết tất cả các thành viên của bộ tộc da đỏ phía Nam đến vùng lãnh thổ khác dành riêng cho họ. Quá trình di tản đã dẫn đến sự chia cắt của các bộ lạc người da đỏ cũng như là sự lan truyền của dịch bệnh và chết chóc. Trong nhiệm kỳ thứ hai của ông, phong trào bãi nô bùng nổ mạnh mẽ, nhưng ông lại là một người phản đối phong trào này bởi lẽ ông cũng là một chủ nô.

Bức tượng của ông Jackson là một trong hàng loạt bức tượng ở Mỹ bị kéo đổ hoặc phá hủy gần đây trong các cuộc biểu tình sắc tộc sau khi công dân da màu George Floyd bị cảnh sát ghì cổ đến chết hôm 25/5.

Hôm 14/6, người biểu tình đã kéo đổ tượng cựu Tổng thống Thomas Jefferson trong khuôn viên trường Jefferson ở North Portland, Mỹ. Vài ngày sau đó, tượng cựu Tổng thống George Washington cũng bị kéo đổ ở Washington. Sở dĩ các bức tượng này bị kéo đổ vì có liên quan đến chế độ nô lệ.

Tuần trước, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở New York thông báo sẽ dỡ tượng cựu Tổng thống Theodore Roosevelt. Bức tượng khắc họa hình ảnh ông Roosevelt, tổng thống thứ 26 của Mỹ, cưỡi ngựa, và theo sau là một người đàn ông da đỏ bản địa và một người đàn ông gốc Phi. Nhiều người cho rằng bức tượng thể hiện sự phân biệt chủng tộc và bành trướng thuộc địa.

Người biểu tình ở Washington cuối tuần trước phá tượng Albert Pike, một lãnh đạo Liên minh miền Nam ở thủ đô. Cựu tổng thống Jackson, tại vị từ năm 1829-1837, từng sở hữu hơn 500 nô lệ trong suốt cuộc đời. Một bức tượng khác của Jackson cũng bị phá hoại bằng sơn đỏ vào đầu tuần trước tại Jaksonville, bang Florida.

Làn sóng biểu tình sắc tộc nổ ra tại Mỹ từ cuối tháng 5 sau vụ cảnh sát bang Minnesota ghì cổ công dân da màu Floyd đến chết. Nhiều bang tại Mỹ đã phải huy động Vệ binh Quốc gia để ứng phó biểu tình.

Phóng viên (t/h)