Sau 18 lần tổ chức Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ, từ năm 2017, việc tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ với chủ đề được xác định rõ theo từng năm đã trở thành đợt cao điểm tuyên truyền về ATVSLĐ, lan tỏa rộng rãi trong cả nước, thu hút sự hưởng ứng tích cực của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp, người lao động bằng nhiều hoạt động thiết thực.
Đặc biệt, trong khuôn khổ tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ, Hội đồng quốc gia về ATVSLĐ đã phát huy vai trò tích cực thông qua việc tổ chức diễn đàn đối thoại trực tiếp với người lao động, người sử dụng lao động để kịp thời tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị về thực hiện chính sách ATVSLĐ. Các hoạt động tuyên truyền, huấn luyện được đánh giá là một trong những biện pháp thiết thực nhất, thúc đẩy có hiệu quả việc xây dựng văn hóa an toàn lao động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cả người lao động, người sử dụng lao động về chủ động phòng ngừa, ngăn chặn TNLĐ, BNN, cải thiện điều kiện làm việc và môi trường lao động.
Theo báo cáo tổng kết Tháng Hành động về ATVSLĐ từ năm 2017 – 2019, Trong năm 2017, so sánh cùng kỳ năm 2016 thì tình hình TNLĐ 6 tháng đầu năm 2017 trong khu vực có quan hệ lao động đã giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương nặng, cụ thể: số vụ giảm 0,38%, số nạn nhân giảm 1,6%, số người chết giảm 9,55%, số vụ có người chết giảm 3,7%, số người bị thương nặng 16,97%.
Năm 2018, tại Thành phố Hồ Chí Minh, địa phương đăng cai phát động Tháng hành động về ATVSLĐ, tình hình TNLĐ trong 5 tháng đầu năm 2018 giảm 5,3%, trong 2 quý đầu năm giảm 41% so với cùng kỳ năm 2017. Năm 2019 tình hình TNLĐ trong quý II giảm so với cùng kỳ năm 2018, nhiều địa phương giảm TNLĐ, như: Thanh Hóa (giảm 40%), Bà Rịa – Vũng Tàu (giảm 40%); TP. Hà Nội (giảm 25%); Khánh Hòa (giảm 15%), TP. Hồ Chí Minh (giảm 11%), Quảng Trị (giảm 9,2%)… Các địa phương không để xảy ra TNLĐ chết người như: Sóc Trăng, Vĩnh Phúc, Đắc Nông, Hà Giang…
Tuy nhiên, ngay trong tháng hành động ATVSLĐ hàng năm, khi mà theo yêu cầu của Ban chỉ đạo Trung ương, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, còn các doanh nghiệp phải có những hành động cụ thể để đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người lao động và cải thiện điều kiện lao động, thì một số nơi vẫn xảy ra những vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng, như vụ tai nạn sập công trình xây dựng tường nhà xưởng công nghiệp do Công ty cổ phần AV Healthcare Việt Nam (chủ đầu tư) ký kết hợp đồng xây dựng với Công ty TNHH Hà Hải Nga để xây dựng công trình nhà xưởng tại KCN Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai ngày 14/5/2020 làm 10 người tử vong (8 người tử vong tại chỗ, 2 người tử vong trên đường đi cấp cứu) và 14 người bị thương. Hay vụ tai nạn lao động xảy ra ngày 18/5/2019 tại Công ty than Hạ Long (khu vực Hà Ráng) tỉnh Quảng Ninh do nổ khí mê tan làm 2 người chết, 3 người bị bỏng nặng.
Theo số liệu thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, giai đoạn 2016 – 2018, cả nước xảy ra 24.934 vụ TNLĐ (trong đó có 2.669 vụ có người chết, bằng 11,2%; 319 vụ có từ 2 nạn nhân trở lên, bằng 1,3%); tổng số nạn nhân TNLĐ giai đoạn này là 25.653 người (trong đó có 7.765 nạn nhân là lao động nữ, bằng 30%; 2.829 nạn nhân chết, bằng 11%; 5.806 nạn nhân bị thương nặng, bằng 22,6%; số nạn nhân là người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động là 2.681 người, bằng 10%). Tuy nhiên, số liệu thống kê này chưa phản ánh đầy đủ, toàn diện tình hình TNLĐ trên cả nước do chỉ có khoảng 5 – 7% doanh nghiệp tuân thủ quy định báo cáo TNLĐ, chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động sản xuất công nghiệp quy mô lớn, việc chấp hành chế độ báo cáo, thống kê TNLĐ của doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như khu vực không có quan hệ lao động rất yếu; doanh nghiệp dịch vụ, cơ quan hành chính hầu như không báo cáo. Bên cạnh đó, còn tình trạng khi xảy ra TNLĐ, người sử dụng lao động che giấu, không khai báo mà thỏa thuận bồi thường với người lao động hoặc thân nhân người lao động bị chết.
Cũng theo thông báo tai nạn lao động hàng năm, số vụ tai nạn lao động năm 2019 tuy có tăng 0,65% so với năm 2018, nhưng số vụ tai nạn lao động chết người, số người chết và số người bị thương nặng trong khu vực có quan hệ lao động năm 2019 giảm so với năm 2018 tương ứng là 1,04% số vụ có người chết, 1,93% số người chết và giảm 5,5% số người bị thương nặng. Trong giai đoạn 2016 – 2018, sau khi triển khai Luật ATVSLĐ, tần suất tai nạn lao động ở một số ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ thể hiện xu hướng giảm, phản ánh rõ nhất là ở nhóm lao động trong lĩnh vực xây dựng; số vụ TNLĐ trong các ngành hóa chất, cơ khí – luyện kim, điện giảm mạnh so với giai đoạn 2013 – 2015. Tuy nhiên, tình hình TNLĐ ở khu vực không có quan hệ lao động theo số liệu thống kê được trong các năm 2017 – 2019 thể hiện xu hướng tăng, vì công tác thống kê, báo cáo tai nạn lao động chết người trong khu vực này bắt đầu được thực hiện từ cuối năm 2016 và đang được các địa phương quan tâm thông kê, báo cáo nên số liệu thu thập được cao hơn.
Tai nạn lao động nghiêm trọng có tính lặp lại và xuất hiện những yếu tố nguy hiểm mới
Thật đáng phải suy nghĩ khi vụ TNLĐ chết người nghiêm trọng tại tỉnh Đồng Nai vào tháng 5 vừa qua, có tính lặp lại của vụ TNLĐ xảy ra ngày 15/3/2019 tại Khu công nghiệp Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long do Công ty TNHH Cơ khí Xây dựng công nghiệp Hưng Thịnh Phát là nhà thầu thi công cho Công ty TNHH BOHSING tỉnh Vĩnh Long làm chủ đầu tư, hậu quả làm 7 người chết và nhiều người bị thương. Hay gần đây là vụ TNLĐ xảy ra tại công trình khai thác đá tại tỉnh Điện Biên khiến 3 người chết ngày 1/6/2020 do nổ bãi thuốc nổ đang được thi công, cũng có tính lặp lại của những vụ tai nạn trên công trường khai thác đá trước đây và nhiều vụ tai nạn lao động chết người trên công trường xây dựng do ngã cao, điện giật… cũng có tính lặp lại.
Và gần dây nhất là vào khoảng 17 giờ 45 phút ngày 10/6/2020, tại Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu Kiều Thi, thuộc Công ty TNHH MTV Kiều Thi Junma, Xã Trung Mỹ, Huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc xảy ra sự cố tai nạn sập nhà xưởng, tốc mái do giông lốc làm 23 người bị nạn, trong đó có 03 người chết và 20 người bị thương. Tại thời điểm xảy ra sự cố, đang có khoảng 100 công nhân đang làm việc, ăn ca (ca 2) và chờ về nhà sau thời gian làm việc hành chính, nhưng do trời nổi giông, mưa lớn nên chưa thể về nhà. Nhà máy hoạt động từ năm 2015, trung bình có khoảng 500 – 600 lao động làm việc trong các xưởng có diện tích tổng cộng lên đến 50.000m2 được xây dựng từ năm 2011, bằng khung thép, mái tôn, phục vụ chế biến gỗ, sản xuất ván mỏng, ván lạng và gỗ ép xuất khẩu. Sau khoảng 10 phút, trời mưa to và có giông lốc lớn, xưởng mất điện, mái nhà xưởng lợp bằng tôn bị tốc mái, bay xa hàng trăm mét, có tấm tôn đã bay xa đến gần 2km, nhà xưởng sản xuất của nhà máy bị sập, tốc mái, hư hỏng nghiêm trọng.
Vụ tai nạn sập công trình tại Khu Công nghiệp Giang Điền, tỉnh Đồng Nai xảy ra khi mà các hoạt động sản xuất, kinh doanh đang trở lại trạng thái bình thường mới sau giãn cách do dịch Covid-19. Vì một số doanh nghiệp phải dừng hoạt động, nên đã có tới 55 người lao động tham gia xây dựng 1 bức tường nhà xưởng độc lập dài 109m, cao trên dưới 10m mà không hề có những biện pháp thi công an toàn phù hợp tại một khu công nghiệp lớn của một địa bàn trọng điểm công nghiệp, dẫn đến hậu quả rất thảm khốc khi có tới 10 người chết và 14 người bị thương, thiệt hại này có thể sẽ nhỏ hơn rất nhiều, nếu ở điều kiện bình thường, công trường này chỉ có thể thu hút khoảng 5 đến 10 lao động tham gia xây dựng, và tai nạn sẽ không xảy ra khi khu nhà xưởng này được xây dựng đúng quy trình, khi lắp dựng khung nhà thép tiền chế trước, sau đó mới thi công bức tường, có các liên kết chịu lực với khung nhà và các cấu kiện khác.
Vụ sập nhà xưởng tại Công ty TNHH Một thành viên Kiều Thi Junma, tỉnh Vĩnh Phúc cũng xảy ra khi doanh nghiệp đang thúc đẩy tiến độ giao hàng sau khi giãn cách vì dịch Covid-19, với kế hoạch xuất khẩu khoảng 300 conteiner mặt hàng gỗ ván ép đi Hàn Quốc trong tháng 7/2020. Với số lao động khoảng 500 đến 600 người làm việc chia làm 2 ca/ngày, cơn giông ngày 10/6/2020 nếu kéo đến sớm hơn, chắc chắn thiệt hại về người còn lớn hơn rất nhiều, khi mà phần lớn người lao động trong ca làm việc đang trong nhà xưởng sản xuất.
Như vậy, với một diện tích nhà xưởng rất lớn, lên đến 50.000m2 và cả những nhà xưởng của những doanh nghiệp khác có diện tích còn lớn hơn vài lần, hay những nhà máy hóa chất, lọc dầu, công trình xây dựng sân vận động, trung tâm thương mại… có sự tham gia thi công, làm việc lên đến hàng vạn người, trong một ngày không may mắn, có thể là một cơn giông lốc, cũng có thể một vụ hỏa hoạn do chập điện hoặc sập đổ công trình do thiếu biện pháp thi công an toàn, thì hậu quả sẽ là một thảm họa công nghiệp.
Từ vụ sự cố sập nhà xưởng do giông lốc và những vụ tai nạn sự cố sập đổ công trình khác, đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về những tai nạn, sự cố thảm khốc do ảnh hưởng xấu của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và cả những nguyên nhân từ lỗi của con người trong quản lý các công trình, từ sự thiếu ý thức và cả kiến thức, trách nhiệm của các chủ đầu tư, nhà thầu, người sử dụng lao động đến an toàn lao động và công trình, nhà xưởng. Qua đó, đang đòi hỏi cấp thiết những hành động cương quyết của tất cả các cấp trong việc phải rà soát ngay những công trình, nhà xưởng công nghiệp, nhà máy có nguy cơ cao, để đánh giá mức độ rủi ro, nguy cơ mất an toàn, cháy nổ từ nhiều yếu tố, từ tự nhiên, đến con người, qua đó điều chỉnh kịp thời các tiêu chuẩn, quy chuẩn và đặc biệt là bổ sung các biện pháp an toàn phù hợp, đảm bảo thi công công trình, duy trì các nhà xưởng, công trình trong các điều kiện thay đổi khác nhau.
Nguyễn Anh Thơ
Phó Cục trưởng, Cục An toàn lao động