03/06/2020 8:40:23

Vụ án Lương Hữu Phước sẽ tiếp tục được giải quyết như thế nào khi bị cáo đã tử vong?

Sự việc ông Lương Hữu Phước (55 tuổi) tự tử tại TAND tỉnh Bình Phước sau khi tòa tuyên án khiến dư luận quan tâm. TAND tối cao đã yêu cầu TAND tỉnh Bình Phước báo cáo và rút hồ sơ để xem xét.

Vậy các diễn biến pháp lý liên quan sẽ diễn ra như thế nào sau khi bị cáo chết?

Trung tướng Trần Văn Độ (nguyên phó chánh án TAND tối cao) cho biết hiện nay TAND tối cao đã rút hồ sơ để xem xét, đánh giá. Việc bị cáo có oan không phải chờ cơ quan chức năng kết luận.

Ông Lương Hữu Phước

Tuy nhiên, nếu có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, vi phạm tố tụng nghiêm trọng dẫn đến đánh giá sai bản chất vụ án thì cơ quan có thẩm quyền sẽ kháng nghị giám đốc thẩm.

Trong trường hợp bản án bị hủy để điều tra, xét xử lại, dù bị can, bị cáo đã chết nhưng việc điều tra vẫn có thể tiến hành được bởi ngoài lời khai của bị can, bị cáo còn có lời khai của người làm chứng và các tài liệu, chứng cứ khác.

Bộ luật tố tụng hình sự 2015 cũng quy định trong trường hợp bị can, bị cáo đã chết nếu thực sự họ không có tội thì vẫn được giải oan.

Về trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng trong trường hợp bản án bị hủy, theo ông Độ, trong vụ việc này, việc bị cáo tự tử không phải là hậu quả của việc tuyên án. Tuy nhiên, nếu bản án này bị hủy thì những người tiến hành tố tụng vẫn có trách nhiệm.

Việc bị cáo tự tử có thể do nhiều nguyên nhân. Ví dụ như hoàn cảnh gia đình hay những bí bách trong cuộc sống tác động đến tâm lý dẫn đến hành vi nông nổi.

Đây là câu chuyện buồn, không ai mong muốn. Tuy nhiên, không thể dùng hậu quả này để quy trách nhiệm cho người tiến hành tố tụng. Trừ trường hợp bị cáo bị tuyên tử hình, đã bị thi hành án nhưng sau đó phát hiện bản án oan sai thì đây là hậu quả của việc điều tra, truy tố xét xử.

Theo luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM), khi bị cáo đã chết, gia đình họ vẫn có quyền kiến nghị giám đốc thẩm. Nếu xét thấy hồ sơ vụ án còn những điều chưa làm rõ thì cơ quan có thẩm quyền sẽ hủy bản án để điều tra, xét xử lại.

Nếu như cơ quan có thẩm quyền kết luận các bản án đúng pháp luật, không oan sai, bản án phúc thẩm đã có hiệu lực nhưng bị án đã chết thì chánh án TAND TP Đồng Xoài ra quyết định đình chỉ thi hành án.

Nhìn lại vụ tai nạn giao thông liên quan đến ông Lương Hữu Phước

Tỉnh ủy Bình Phước vừa tổ chức buổi họp báo thông tin về vụ tai nạn giao thông liên quan đến ông Lương Hữu Phước – người nhảy lầu tại TAND tỉnh này vào ngày 29/5, sau khi bị tuyên án 3 năm tù về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ xảy ra năm 2017.

Tại cuộc họp báo, bà Lê Hồng Hạnh, thẩm phán, chủ tọa phiên phúc thẩm vụ án Lương Hữu Phước, cho rằng tuyên phạt 3 năm tù đối với bị cáo Phước là đúng pháp luật. Theo bà Hạnh, đây là một vụ án phức tạp, bị cáo liên tục kêu oan nên những người làm pháp luật rất thận trọng.

Song, nhiều chuyên gia pháp lý bày tỏ quan điểm không đồng tình xoay quanh nhiều vấn đề của vụ án.

Trưa 15/1/2017, sau khi uống rượu ở nhà người quen ở khu phố Phước An, phường Tân Xuân, thị xã Đồng Xoài, ông Lương Hữu Phước đi về nhà.

Đến 13h cùng ngày, ông Trần Hữu Quý gọi điện thoại bảo ông Phước quay lại để đổi dép. Sau đó, ông Quý rủ ông Phước đi hát karaoke. Do ông Quý không đội mũ bảo hiểm, ông Phước lái xe về nhà người này để lấy mũ.

Đến gần nhà ông Quý ở khu phố Suối Đá, ông Phước dừng xe bên lề phải theo hướng di chuyển của minh. Tuy nhiên, ông Quý không chịu xuống xe.

Lúc này, ông Phước lái xe (không bật tín hiệu đèn xi nhan) rẽ trái đi qua đường. Khi xe của ông Phước tới phần đường dành cho xe đi ngược chiều hướng ngã ba trạm điện đi ngã tư Sóc Miên thì va chạm với xe máy do anh Lâm Tươi (23 tuổi, ngụ TP Đồng Xoài, Bình Phước) điều khiển.

Vụ tai nạn khiến ông Phước và ông Quý bị thương. Công an thị xã Đồng Xoài tiến hành do nồng độ cồn đối với ông Phước, xác định 0,69mg/l khí thở.

Đến 17/1/2017, ông Quý tử vong do vỡ xương sọ, dập não xuất huyết.

Điều đáng nói, lúc xảy ra tai nạn, Lâm Tươi chưa có giấy phép lái xe. Ngoài ra, Tươi và người ngồi sau xe là ông Trị Tiếp có nồng độ cồn trong hơi thở là 0,57mg/l. Tuy nhiên, Tươi chỉ bị xử phạt hành chính 4,5 triệu đồng và được xác định tư cách “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan”.

Tại buổi họp báo, bà Hạnh cho biết tội Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ có 4 yếu tố cấu thành tội phạm, quan trọng nhất là yếu tố lỗi, trong đó lỗi trực tiếp gây nên cái chết của nạn nhân.

“Chúng tôi đã xác định được lỗi của bị cáo ở đây là qua đường mà không quan sát. Qua đường phải quan sát, ưu tiên cho người đang đi trên chiều lưu thông của họ. Ở tòa bị cáo cho rằng có quan sát. Nhưng lời trình bày của anh Lâm Tươi và những người có mặt ở hiện trường thì đây là đoạn đường thẳng, tầm nhìn không bị che khuất”, chủ tọa phiên tòa này nói.

Cũng theo bà Hạnh, hiện trường chỉ thể hiện vết cà của xe ông Phước. Xe bị cáo ngã nằm hoàn toàn bên phần đường bên phải của xe còn lại. Việc xác định lỗi ở đây trong bản án phúc thẩm đã nhận định rõ, bị hại là ông Quý đưa tay lên vai ông Phước cũng có lỗi.

Xét xử sơ thẩm lần 1, TAND thị xã Đồng Xoài tuyên phạt ông Phước 3 năm tù về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Sau đó, ông Phước kháng cáo kêu oan vì cho rằng tai nạn khiến ông Quý tử vong không liên quan đến ông.

Nhiều điều cần làm sáng tỏ

Theo dõi xuyên suốt nội dung buổi họp báo, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao Phạm Công Hùng cho rằng theo trình bày của chủ tọa Hạnh, tội phạm trong vụ án này được hình thành bởi lỗi hỗn hợp, cụ thể là trong người Phước và Tươi đều có độ cồn khi điều khiển xe, riêng Phước có thêm lỗi là không quan sát, Tươi mắc thêm lỗi không có giấy phép lái xe. Bên cạnh đó, nạn nhân là ông Quý đã chết cũng có lỗi là đưa tay lên vai của Phước.

Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng khi phân tích mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, tòa án không đánh giá hỗn hợp lỗi của Phước, lỗi của Tươi và lỗi của bị hại để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho Phước là không khách quan, không đúng pháp luật.

Việc chủ tọa phiên tòa khẳng định là Phước không quan sát vì nếu quan sát thì Tươi không thể tông vào xe của Phước là rất phiến diện, bởi vì Tươi không được học điều khiển xe, không có giấy phép, không hiểu luật, lại có cồn trong người nên việc Tươi bất cẩn đâm xe vào Phước là hoàn toàn có thể xảy ra kể cả khi Phước quan sát kỹ.

Hiện trường nơi ông Phước tự tử

Luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM) nêu quan điểm khi xử lý hình sự vụ án về tai nạn giao thông, cơ quan tố tụng phải làm rõ lỗi “cứng” và lỗi “mềm”.

Lỗi “cứng” bao gồm giấy phép lái xe, nồng độ cồn, bằng lái… Lỗi “mềm” là vị trí dừng xe, qua đường thế nào, tốc độ ra sao…

Trong vụ án này, cả ông Phước và Lâm Tươi có lỗi “cứng” là có nồng độ cồn, riêng Tươi còn không có giấy phép lái xe. Còn lỗi “mềm” vẫn còn tranh cãi vì không xác định được tốc độ xe của Tươi.

“Khi có người chết và khởi tố vụ án thì những người điều khiển giao thông va vào nhau có lỗi đều phải bị khởi tố. Trong vụ án này, cơ quan điều tra không khởi tố bị can với Lâm Tươi là bỏ lọt tội phạm”, luật sư Dũng nhận định.

Theo cáo trạng, ông Phước cũng bị thiệt hại sức khoẻ, ông Quý tử vong. Cơ quan chức năng không xác định tốc độ của xe Lâm Tươi. Ngoài ra, theo lời khai của Lâm Tươi tại tòa, khi cách 50 m có nhìn thấy ông Phước qua đường, “lúc chạy gần tới nơi cách 5 m thì ông Phước qua đường gấp nên tôi không xử lý kịp”.

Điều này chứng tỏ Tươi đã không tập trung quan sát về phía trước khi điều khiển xe, dù trước đó ở khoảng cách 50 m anh ta đã thấy ông Phước từ từ qua đường nhưng vẫn tông xe vào. Luật sư cho rằng tốc độ chạy xe của Tươi phải cao.

Với những tình tiết như thế, luật sư cho rằng hành vi của ông Phước có thể bị tuyên phạt 16-18 tháng tù treo hoặc phạt cải tạo không giam giữ.

“Xử 3 năm tù cho ông Lương Hữu Phước là không tương xứng với hành vi phạm tội”, luật sư nói.

Phiên tòa phúc thẩm lần 1, TAND tỉnh Bình Phước cho rằng trong quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp sơ thẩm có nhiều thiếu sót trong việc điều tra thu thập chứng cứ, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng như lời khai của bị cáo và các nhân chứng có nhiều quan điểm còn mẫu thuẫn, biên bản khám nghiệm phương tiện thể hiện không đầy đủ nên kết quả điều tra và bản án sơ thẩm xác định bị cáo chuyển hướng không bật đèn xi nhan là chưa đủ căn cứ…Tòa phúc thẩm khi đó đã hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Sau đó, tòa sơ thẩm lần 2 tiếp tục tuyên phạt ông Phước 3 năm tù về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Ông Phước lại tiếp tục kháng cáo kêu oan.

Phiên tòa phúc thẩm lần 2 được mở vào ngày 26/5. Sáng 29/5, ông Phước đến tòa để nghe HĐXX tuyên bản án phúc thẩm. Kết quả, tòa đã tuyên y án sơ thẩm 3 năm tù giam đối với ông Phước.

Phóng viên (t/h)