29/05/2020 12:51:34

Lại đổ cây trong sân trường, trách nhiệm thuộc về ai?

Sáng 28/5, ông Y Khoa Niê Kđăm, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên (trên địa bàn P. Ea Tam, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), xác nhận một cây phượng cổ thụ vừa bật gốc, ngã đổ trong sân trường vào sáng sớm cùng ngày.

Theo ông Y Khoa Niê Kđăm, thời điểm cây phượng đổ ngã chưa có sinh viên, học sinh đến trường nên rất may không gây thương tích cho người.

Ghi nhận tại hiện trường cho thấy cây phượng bị đổ ngã có đường kính khoảng 1 m, cao khoảng 10 m.

Ông Y Khoa cũng cho biết cây phượng trên đã được trồng nhiều năm, bị mối ăn nên gốc bị mục ruỗng, gặp gió to nên gãy đổ.

“Trong khuôn viên trường có hơn 10 cây phượng và cây cổ thụ khác. Hiện nhà trường chỉ đạo xử lý cây phượng bị đổ ngã và tiến hành kiểm tra tất cả các cây lớn khác, nếu phát hiện cây nào có dấu hiệu bị mối mọt, mục ruỗng thì cho cưa hạ ngay để đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên”, ông Y Khoa nói.

Trước đó, tại TP.HCM một cây phượng lâu năm tại sân Trường THCS Bạch Đằng (Q3, TP HCM) bật gốc, đổ ngã, khiến một học sinh tử vong và nhiều học sinh khác bị thương.

Liên tục những vụ cây đổ trong khuôn viên sân trường đã dấy lên câu chuyện về quản lý, chăm sóc cây xanh trong các trường học.

Ông Nguyễn Đức Hiền – hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ (Q.6, TP.HCM) – cho biết trường bắt đầu xây dựng từ năm 2013 nên cây xanh chủ yếu được trồng lúc xây dựng dự án gồm phượng, bàng Nhật, hoàng nam và các loài hoa.

Hiện nay, trường giao việc chăm sóc cây xanh hằng ngày cho bảo vệ, người này thường tưới nước, bón phân định kỳ, cắt tỉa những cây nhỏ sau giờ học. Còn các vườn hoa thực hành các môn như sinh học, công nghệ do học sinh quản lý.

Trường cử một hiệu phó phụ trách cây xanh trong khuôn viên. Ông Hiền cũng cho biết trường chưa có kinh phí để tuyển dụng hẳn nhân viên chăm sóc cây cho trường, mà vẫn để bảo vệ kiêm nhiệm. “Vị trí này không bắt buộc, tùy các trường cân đối” – ông Hiền nói.

Theo ông Hiền, những vấn đề chuyên môn về cây xanh thường được công ty công ích tư vấn như trồng mới, cắt tỉa những cây lớn, chăm sóc, tưới nước như thế nào… Một số cây ở khuôn viên trường không phù hợp cũng sẽ dần được thay thế trong thời gian tới, trong đó có một cây phượng trồng trên nền đất trước đây là nền một nhà máy pin.

Hiện trường cây đổ làm một học sinh tử vong ở trường THCS Bạch Đằng

Ông Tống Phước Lộc – hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn An Ninh (Q.10, TP.HCM) – cho biết trong hơn 10 năm qua trường thay dần các cây bàng theo khuyến cáo vì bàng giòn, dễ gãy, vừa đảm bảo an toàn vừa không đột ngột lấy hết bóng mát. Trường thay thế bằng các loại cây tán rộng nhưng không quá cao.

Về kinh phí, mỗi đợt cắt tỉa cành trước kỳ mưa bão, đặc biệt với 4 cây lớn trong trường, tốn 8-10 triệu đồng. Các chi phí như nước, phân bón không đáng kể trong khi nhân công là bảo vệ kiêm nhiệm.

“Mỗi giáo viên về hưu sẽ tặng trường một cây kỷ niệm, thường hỏi ý kiến của trường để dần thay thế một số loại cây trong khuôn viên” – ông Lộc nói.

Tại cuộc họp báo ngày 26/5, ông Lê Hoài Nam – phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – cho biết những vấn đề chuyên môn kỹ thuật như trồng cây, đốn cây an toàn trong nhà trường thì trường không thể tự quyết định.

Chẳng hạn khi trường xây mới, các cây được phép trồng sẽ nằm trong quy định của giấy phép xây dựng phê duyệt. Các cây lớn tuổi khi đốn đi đều phải xin phép, hệt như giấy phép xây nhà.

“Đốn cây trên 10m phải xin ý kiến của các cơ quan có chức năng về quản lý cây xanh” – ông Nam nói. Ngoài ra, ông Nam cho biết thêm về kỹ thuật, hiệu trưởng không được quyết định đốn cây hay không, mà chỉ có thể làm văn bản gửi các cơ quan chức năng thẩm định để đảm bảo an toàn. Việc tỉa cành, mé nhánh hằng năm đều được các trường thực hiện trước mỗi mùa mưa, nhưng do những đơn vị có chuyên môn thực hiện.

Phóng viên (t/h)