21/05/2020 9:08:25

Vì sao chưa thể ghép phổi cho bệnh nhân 91?

“Bệnh nhân 91”, phi công người Anh, 43 tuổi, nặng 100 kg, cao 1,81 m, là bệnh nhân Covid-19 nặng nhất hiện nay. 

Đến thời điểm hiện tại, tình trạng bệnh nhân vẫn còn rất nặng. Bệnh nhân không sốt, mạch và huyết áp ổn định, chức năng phổi cải thiện, đang tiếp tục thở máy. Người bệnh tiếp tục được sử dụng kháng sinh, kháng nấm, kết quả xét nghiệm 5 lần liên tiếp âm tính với virus corona (từ 7/5 đến nay). Bệnh nhân này sắp được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị hồi sức tích cực và nhiều chuyên khoa kết hợp.

Bệnh nhân trải qua 2 tháng 3 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Bệnh nhân hiện vẫn tiếp tục ECMO (can thiệp tim phổi nhân tạo) ngày thứ 44, sự sống gần như phụ thuộc hoàn toàn vào kỹ thuật này.

Theo các chuyên gia, việc ghép phổi cho bệnh nhân này chỉ có thể thực hiện khi đảm bảo các yêu cầu về sức khoẻ cũng như các điều kiện liên quan.

Để phục vụ cho cuộc phẫu thuật ghép phổi, ước tính đã có khoảng 50 người tình nguyện hiến tạng cho bệnh nhân 91. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng bệnh nhân chỉ có thể ghép phổi của người chết não, không thể sử dụng phổi của người sống.

Phó giáo sư Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức, ngày 19/5, giải thích có hai nguồn tạng hiến để ghép phổi cho một người. Thứ nhất là nguồn cho từ người chết não, tùy bệnh lý bệnh nhân cần ghép có thể lấy một bên phổi hoặc cả hai bên phổi người hiến. Ca ghép nguyên tạng kiểu này đơn giản hơn.

Trường hợp thứ hai, khó hơn, là ghép phổi từ người hiến còn sống. Phương án này chỉ phù hợp ghép cho trẻ em.

“Với người lớn, về nguyên tắc có thể ghép phổi từ người cho sống, nhưng phổi người lớn kích cỡ lớn, khối lượng cho lớn, như vậy người hiến sẽ biến từ một người bình thường thành tàn phế”, phó giáo sư Ước giải thích. Do đó thường không ghép phổi từ người hiến còn sống cho người lớn.

Trong trường hợp cắt một phần nhỏ, chức năng phổi của người hiến không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên sau đó họ cũng không thể làm việc nặng hay chơi các môn thể thao gắng sức.

Nếu ghép phổi người lớn từ người hiến còn sống, sẽ cần ít nhất 3 đến 4 người cho. Trường hợp thành công, việc chăm sóc bệnh nhân sau ghép, đặc biệt về miễn dịch, sẽ vô cùng khó khăn.

Bệnh viện Việt Đức đến nay đã thực hiện 5 ca ghép phổi, đều từ nguồn người hiến chết não. Trước mổ ghép, các bác sĩ phải đo đạc kích thước phổi để phù hợp giữa người nhận và người cho. Trong 5 ca, có 4 ca các bác sĩ phải cắt bớt phổi người cho.

Bác sĩ Ước đánh giá thành công của ca ghép phổi đến 85-90%, tuy nhiên khả năng bệnh nhân sống lâu dài chỉ bằng 50% so với ghép tim. 50% bệnh nhân ghép phổi sống trên 5 năm, con số này ở ghép tim là hơn 10 năm.

PV (tổng hợp)