Nhật Bản hiện là nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái do Covid-19.
Với việc Nhật Bản tăng trưởng âm trong quý cuối của năm 2019, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này đã chính thức rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật sau hai quý tăng trưởng âm liên tiếp.
Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết trong quý 1/2020, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của nước này đã giảm 3,4% so với quý trước đó, trong bối cảnh tiêu dùng cá nhân, chi phí tài sản cố định và xuất khẩu giảm mạnh do chịu tác động nặng nề của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Như vậy, với việc Nhật Bản tăng trưởng âm trong quý cuối của năm 2019, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này đã chính thức rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật sau hai quý tăng trưởng âm liên tiếp.
Đây là lần đầu tiên kinh tế Nhật Bản rơi vào tình trạng suy thoái kể từ năm 2015.
Covid-19 đang gây ra thiệt hại nặng nề với các doanh nghiệp và người tiêu dùng tại nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. “Gần như chắc chắn GDP Nhật Bản sẽ còn giảm mạnh hơn nữa trong quý này”, Yuichi Kodama – nhà kinh tế học tại Viện Nghiên cứu Meiji Yasuda nhận xét.
Tiêu dùng cá nhân – vốn đóng góp hơn nửa nền kinh tế quy mô 5.000 tỷ USD của Nhật Bản – giảm 0,7% trong quý I. Đây là quý thứ hai liên tiếp số liệu này đi xuống, do người tiêu dùng chịu tác động kép từ Covid-19 năm nay và đợt nâng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% năm ngoái.
Xuất khẩu quý I giảm 6%. Riêng tháng 3, xuất khẩu giảm mạnh nhất 4 năm, chủ yếu do sản phẩm xuất sang Mỹ lao dốc.
Chi tiêu vốn giảm 0,5% trong quý đầu năm. Đây cũng là quý thứ hai liên tiếp số liệu này đi xuống.
Tất cả yếu tố trên đang gây sức ép lên thị trường lao động. Tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản đã lên cao nhất một năm trong tháng 3. Số việc làm sẵn có cũng xuống đáy 3 năm.
Dịch COVID-19 đã khiến doanh thu ngành du lịch Nhật Bản giảm tới 90%, ngành công nghiệp và thương mại đã gần như bị đình trệ, Olympic Tokyo 2020 bị hoãn lại.
Tuy nhiên, so với các nền kinh tế phát triển, Nhật Bản ít chịu tác động bởi dịch COVID-19 hơn với hơn 16.000 ca nhiễm trên cả nước và 750 ca tử vong.
Tuy nhiên, nhà chức trách lo ngại rằng số ca nhiễm có thể tăng mạnh tại thủ đô Tokyo, nơi có mật độ dân cư dày đặc, đồng thời hối thúc người dân ở trong nhà và đóng cửa các doanh nghiệp.
Tuần trước, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ban bố tình trạng khẩn cấp cho hầu hết các khu vực trên cả nước, ngoại trừ hai trung tâm kinh tế là Tokyo và Osaka.
Để giảm thiểu tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế, Thủ tướng Abe đã cam kết hỗ trợ tiền mặt cho mỗi cá nhân 100.000 yen (tương đương 930 USD).
Đây là một phần trong các biện pháp kích thích trị giá khoảng 1.000 tỷ USD nhằm bảo vệ việc làm, hỗ trợ ngành y tế và các hộ gia đình.
Phóng viên (t/h)