12/05/2020 12:26:03

Doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19: Tập trung nâng chất lượng nhân lực theo hướng tiếp cận công nghệ mới

Một trong những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kích hoạt và tái khởi động nền kinh tế chính là hướng tới nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giúp người lao động tiếp cận được công nghệ mới.

Trong bối cảnh chung của nền kinh tế bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid, doanh nghiệp Việt Nam đứng trước những khó khăn và thử thách về bài toán giữa lao động việc làm, duy trì và phục hồi lại sự phát triển của doanh nghiệp…

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp vừa được tổ chức có sự tham dự của đông đảo các doanh nghiệp, lãnh đạo các Bộ, ngành, trong đó có sự tham dự của Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung.

Theo Bộ trưởng Dung, một trong những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kích hoạt và tái khởi động nền kinh tế chính là hướng tới nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giúp người lao động tiếp cận được công nghệ mới.

Thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Bộ LĐ-TB&XH cũng có chủ trương đề xuất Chính phủ dành kinh phí để đào tạo lại lực lượng lao động.

Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống xin trích dẫn ý kiến của lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Bộ trưởng LĐ-TB&XH khi đề cập đến vấn đề này.

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

Để khôi phục và sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh, yêu cầu sống còn là phải đào tạo, đào tạo lại và nâng cao kỹ năng nghề cho lao động để tăng năng suất lao động.

Hệ lụy lớn nhất của chúng ta là nếu cắt giảm nhân sự hàng loạt thì chi phí tuyển dụng lại sẽ rất lớn, hoặc doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng lao động khi hoạt động sản xuất được quay trở lại.

Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH sẽ trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về vấn đề này, sẽ đề xuất và tham mưu với Chính phủ dành khoảng 3.000- 5.000 tỷ đồng từ kết dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại lực lượng lao động.

Dự kiến, sẽ có khoảng 1 triệu lao động được đào tạo lại và cấp chứng chỉ. Về phương thức, sẽ đào tạo và đào tạo lại tại doanh nghiệp gắn với trường nghề, gắn hoạt động trực tiếp của doanh nghiệp và trực tiếp các hoạt động của doanh nghiệp cũng như quá trình triển khai các hoạt động.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam(VCCI)

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp là hội nghị lớn nhất từ trước đến nay, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì chúng ta đang chuyển sang một giai đoạn mới của nền kinh tế.

Việt Nam là đất nước hiếm hoi trên thế giới đã kiểm soát và đẩy lùi được đại dịch, nên chúng ta sẽ có “thời cơ vàng” để bắt đầu sớm hơn trong việc phục hồi, tái khởi động nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cùng bàn về những phương án để có thể phục hồi nền kinh tế và đưa ra các giải pháp cần phải triển khai.

Hội nghị đã thống nhất rất về cơ hội thuận lợi cho sự phục hồi sau đại dịch. Cách đây một tháng tình hình doanh nghiệp khá bi đát khi có đến 80% doanh nghiệp được khảo sát nói rằng họ sẽ khó có thể trụ được sau 12 tháng 4 nếu tình hình dịch bệnh không được kiểm soát.

Tuy nhiên, nhờ nỗ lực kiểm soát tốt dịch bệnh, tình hình đã chuyển biến tích cực khi có tới 50% doanh nghiệp khẳng định tiếp tục duy trì được quy mô sản xuất của mình trong thời gian vừa qua, 20% doanh nghiệp đều nói rằng tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh và chỉ có 21% doanh nghiệp nói rằng sẽ phải thu hẹp sản xuất hoặc rời khỏi thị trường.

Đây là số liệu tốt trong bức tranh về sự chống chịu của doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh nhưng phần lớn các doanh nghiệp Việt nam đã luôn cố gắng để lo công ăn việc làm, lo đời sống cho người lao động.

Mặc dù doanh nghiệp có thể phải thu hẹp sản xuất, rất có thể là không có lãi, thậm chí là thua lỗ, vẫn chăm lo cho người lao động, coi người lao động là tài sản quý là động lực lớn nhất của doanh nghiệp thì đó chính là tâm thế của doanh nghiệp Việt Nam trong dịch, và sẽ là tâm thế của doanh nghiệp Việt Nam trong sự phát triển. Lao động và việc làm trong bối cảnh dịch bệnh vừa qua và cũng sẽ là mối quan tâm đặc biệt trong thời gian tới.

Theo khảo sát của VCCI, có tới 75% doanh nghiệp đã quan tâm tới vấn đề tự động hóa và cho tới thời điểm hiện nay có 10% các hoạt động sản xuất kinh doanh của họ đã được tự động hóa. Theo kế hoạch của họ, trong 3 năm tới sẽ tự động hóa từ ¼ đến 1/3 nhân lực tại thời điểm, tức là chuyển sang cho máy móc, cho trí tuệ nhân tạo.

Trong trường hợp này, thị trường lao động Việt Nam sẽ xoay chuyển theo hướng nào khi tự động hóa vừa tạo ra thách thức với người lao động nhưng cũng tạo ra cơ hội cho lao động kỹ năng cao.

Chiến tranh thương mại, dịch bệnh càng thúc đẩy hơn nữa xu hướng tự động hóa để giảm thiểu những tác động của xung đột chính trị và dịch bệnh. Vì vậy, chắc chắn nếu tiến hành khảo sát lại tình hình của doanh nghiệp lúc này sẽ thấy xu hướng chuyển dịch sang tự động hóa sản xuất là rất lớn.

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung có nhắc tới thuật ngữ “Up skill” – nâng cao kỹ năng lao động – của người lao động đang trở thành vấn đề cấp tốc trong chính sách kinh tế xã hội của chúng ta trong thời gian tới. Đó là động lực rất là quan trọng và theo tôi, chúng ta đang có cơ hội trở thành điểm đến của sự chuyển dịch toàn cầu trong sản xuất lớn nhất trong lịch sử nhân loại.

Muốn đón nhận được cơ hội này, Việt Nam phải chuẩn bị về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực có tay nghề. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề sẽ là vấn đề trung tâm và quan trọng nhất trong chương trình nghị sự của chúng ta trong kế hoạch tái khởi động phục hồi nền kinh tế.

Bình Minh