Tổ chức Y tế Thế Thế giới (WHO) đang trao đổi với Trung Quốc về việc cử một phái đoàn tới nước này để điều tra về nguồn gốc của dịch Covid-19.
Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, người đứng đầu bộ phận phụ trách các bệnh mới nổi và bệnh lây từ động vật sang người tại WHO, ngày 6/5 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các nhà chức trách xác định virus corona chủng mới gây đại dịch Covid-19 bắt nguồn từ loài động vật nào.
“Chúng tôi đang có cuộc thảo luận với những người đồng cấp tại Trung Quốc cho một sứ mệnh xa hơn, trong đó tập trung nhiều hơn vào việc nghiên cứu và xem xét chuyện gì đã xảy ra trong giai đoạn đầu, liên quan tới việc tiếp xúc với nhiều loại động vật khác nhau, từ đó chúng tôi có thể có cách tiếp cận mới để tìm ra nguồn lây nhiễm”, chuyên gia Van Kerkhove nói trong cuộc họp báo tại trụ sở của WHO ở Geneva, Thụy Sĩ.
Giới chức WHO từng nói rằng virus corona chủng mới gây đại dịch Covid-19 có thể bắt nguồn từ một chợ hải sản ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Họ cho rằng virus này có thể xuất phát từ loài dơi, sau đó lây truyền sang một “vật chủ trung gian” trước khi lây nhiễm cho con người.
Các nhà khoa học hiện vẫn tiếp tục tiến hành các xét nghiệm trên nhiều loài động vật khác nhau, nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm ra vật chủ chứa virus gây đại dịch Covid-19.
Hồi tháng 2, WHO từng cử một nhóm chuyên gia quốc tế, trong đó có cả bà Van Kerkhove, tới Trung Quốc, cùng các chuyên gia Trung Quốc tìm hiểu về bản chất của virus corona chủng mới. Bà Van Kerkhove cho biết nhóm chuyên gia này sau đó đã khuyến cáo Trung Quốc nên tiếp tục điều tra về nguồn gốc động vật của Covid-19.
Theo bà Van Kerkhove, việc xác định nguồn gốc của virus rất quan trọng vì nếu không làm rõ được vấn đề này, “chúng ta sẽ gặp khó khăn trong việc ngăn chặn dịch bệnh tái diễn”.
“Điều này xảy ra với tất cả mầm bệnh mới xuất hiện, vì hầu hết mầm bệnh mới xuất hiện đều xuất phát từ động vật”, chuyên gia của WHO cho biết thêm.
Các nhà khoa học tin rằng dịch SARS bùng phát hồi năm 2002 khiến gần 800 người chết trên toàn thế giới trong hơn 9 tháng cũng bắt nguồn từ loài dơi, trước khi lây truyền sang cầy hương và sau đó là con người.
Phần lớn các nhà khoa học tin rằng Covid-19 lây truyền từ động vật sang con người, xuất hiện tại Trung Quốc từ cuối năm 2019 và có thể bắt nguồn từ một khu chợ bán động vật hoang dã tại Vũ Hán. Tuy nhiên Tổng thống Donald Trump và các quan chức Mỹ vẫn để ngỏ khả năng Covid-19 bắt nguồn từ Viện Virus học Vũ Hán.
Về phía Trung Quốc, họ luôn khẳng định hoàn toàn minh bạch và không giấu điều gì về Covid-19, nhưng nhiều người thắc mắc tại sao Bắc Kinh một mực phản đối điều tra.
Covid-19 khởi phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, hồi tháng 12 năm ngoái đã dẫn tới một đại dịch toàn cầu, khiến hơn 3,7 triệu người nhiễm và gần 260.000 người chết. Cái giá phải trả cho những thiệt hại về kinh tế – xã hội trong đại dịch này vô cùng lớn. Do đó, việc thế giới muốn có một cuộc điều tra về nguồn gốc và cách thức lây lan của nCoV là điều hoàn toàn hợp lý.
Trong bài phân tích đăng trên tờ Hill ngày 5/5, Brahma Chellaney, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi, Ấn Độ, nhận định cuộc điều tra về nguồn gốc của đại dịch quan trọng vì một lý do khác, bởi đây không phải dịch bệnh đầu tiên khởi phát từ Trung Quốc và lây lan trên toàn cầu. Trung Quốc từng gây ra đại dịch đầu tiên của thế giới ở thế kỷ 21 khi che giấu sự bùng phát của dịch SARS hồi năm 2002-2003.
Tìm hiểu ngọn nguồn về sự bùng phát và lây lan của Covid-19 là điều quan trọng để thiết lập các cách phản ứng nhanh nhằm ngăn chặn nguy cơ một dịch bệnh khác ở một địa phương có thể trở thành đại dịch toàn cầu mới.
Thậm chí Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đồng tình với quan điểm này. WHO trước đó bị Tổng thống Mỹ chỉ trích vì đã chậm trễ gióng lên hồi chuông cảnh báo về Covid-19 và “lấy Trung Quốc làm trung tâm”. Trump ngày 14/4 tuyên bố Mỹ sẽ ngừng cấp ngân sách cho tổ chức này. Không chỉ riêng Mỹ, một số quốc gia muốn thực hiện cuộc điều tra về Covid-19 cũng muốn làm rõ vai trò của cả WHO và Trung Quốc trong đại dịch này.
Tại sao Trung Quốc dừng mọi chuyến bay từ Vũ Hán tới phần còn lại của đất nước sau khi Covid-19 bùng phát, nhưng vẫn cho phép các chuyến bay quốc tế hoạt động ở thành phố này, theo đó tạo điều kiện để nCov lây lan trên toàn cầu? Hoặc tại sao Bắc Kinh gần đây ngăn chặn các cuộc nghiên cứu sâu hơn của các nhà khoa học trong nước về nguồn gốc của nCoV?
Bắc Kinh đã ban hành một chính sách mới yêu cầu hiệu đính trước thông tin, sau khi một số tài liệu nghiên cứu của Trung Quốc nhấn mạnh sự nguy hiểm khi nghiên cứu về virus hình dạng vương miện (corona) ở loài dơi. Trong đó, một nghiên cứu cho rằng “nCoV có khả năng bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán”.
Thực tế, giới chức Trung Quốc đã đóng cửa một phòng thí nghiệm ở Thượng Hải một ngày sau khi công bố thông tin về bộ gen của nCoV giúp thế giới có cơ sở xét nghiệm và chẩn đoán vào hôm 12/1. Trung Quốc cũng từ chối chia sẻ bất kỳ mẫu virus sống nào, khiến “thế giới gặp khó khăn trong việc theo dõi sự phát triển của bệnh”, theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
Giáo sư Chellaney cho biết Trung Quốc cũng không cho chuyên gia nước ngoài tiếp cận bất kỳ cơ sở hay địa điểm nào có thể là nơi khởi phát virus, bao gồm Viện Virus học Vũ Hán. Nhà khoa học Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli) chính là người đứng đầu các nghiên cứu về loại virus corona ở loài dơi tại Viện Virus học Vũ Hán (WIV).
Nghiên cứu nguy hiểm này có thể giải thích tại sao Trung Quốc chọn tiêu hủy toàn bộ số mẫu nghiên cứu của phòng thí nghiệm này, thay vì chia sẻ nó với thế giới, theo ông Pompeo và trang tin Caixin Global có trụ sở ở Bắc Kinh. Tình báo Mỹ cũng xác nhận rằng đang điều tra liệu có phải đại dịch Covid-19 là do “một tai nạn trong phòng thí nghiệm ở Vũ Hán” hay không.
Ông Chellaney đặt câu hỏi nếu Trung Quốc hoàn toàn không che giấu thông tin, tại sao Bắc Kinh lại không hoan nghênh nhiều lời kêu gọi quốc tế về một cuộc điều tra độc lập hay đề nghị hỗ trợ cho một cuộc nghiên cứu như vậy. Theo giáo sư này, một cuộc điều tra rõ ràng có thể mang tới cơ hội giúp Trung Quốc “gột rửa” tiếng oan với phần còn lại của thế giới.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đang thẳng thừng từ chối những lời kêu gọi điều tra, trong đó có cả đề nghị của chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC). Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành cho biết nước này kiên quyết phản đối mọi cuộc điều tra quốc tế “mang tính chính trị” về Covid-19.
“Chúng tôi thẳng thắn, cởi mở và ủng hộ trao đổi chuyên nghiệp giữa các nhà khoa học nhằm đánh giá và tóm tắt kinh nghiệm. Tuy nhiên, điều chúng tôi phản đối là những cáo buộc vô căn cứ nhằm vào Trung Quốc”, Thứ trưởng Lạc Ngọc Thành nói trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Mỹ NBC hôm 28/4.
Australia là một trong những quốc gia đầu tiên lên tiếng yêu cầu điều tra quốc tế về Covid-19. Ngoại trưởng Australia Marise Payne hôm 19/4 cho biết nước này sẽ “theo đuổi” một cuộc điều tra về phản ứng ban đầu của Trung Quốc về Covid-19 tại kỳ họp Đại hội đồng Y tế Thế giới vào ngày 17/5 tới.
Đáp lại, Trung Quốc cho biết “quan ngại sâu sắc” về những bình luận của Ngoại trưởng Payne và cảnh báo hàng hóa xuất khẩu của Australia sẽ phải hứng chịu làn sóng tẩy chay từ người tiêu dùng Trung Quốc. Trung Quốc là nước nhập tới 1/3 lượng hàng hóa xuất khẩu của Australia, đặc biệt là nông sản.
Sau Australia, Thụy Điển là nước tiếp theo kêu gọi điều tra về nguồn gốc của nCoV. “Khi tình hình Covid-19 trên toàn cầu được kiểm soát, tổ chức một cuộc điều tra quốc tế độc lập nhằm tìm hiểu nguồn gốc và sự lây lan của nCoV là việc quan trọng và hợp lý”, Bộ trưởng Y tế Thụy Điển Lena Hallegren viết trong báo cáo trình lên quốc hội hôm 29/4.
Trong khi các quốc gia G7, Ấn Độ và nhiều nước khác đang xem xét và cải tổ WHO, Bắc Kinh lại quyết định rót vào ngân sách của cơ quan này thêm 30 triệu USD. Quy định quốc tế yêu cầu các quốc gia phải thông báo cho WHO về lo ngại tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trong vòng 24 giờ sau khi đánh giá. Tuy nhiên, ông Chellaney cho rằng Trung Quốc đã không làm được điều này, khiến cho WHO không kịp thời cử các đội chuyên gia có thẩm quyền tới để đánh giá tình hình.
Giáo sư Chellaney cho rằng tiền sẽ không thể hỗ trợ chiến lược của Trung Quốc nhằm đánh lạc hướng chỉ trích dư luận về cuộc khủng hoảng hiện tại, cũng như không giúp làm dịu làn sóng thù địch toàn cầu đối với Bắc Kinh. Thay vào đó, cách này thậm chí có thể khiến gia tăng thêm ngờ vực đối với Trung Quốc.
Trung Quốc thực sự lo lắng rằng một khi khủng hoảng này qua đi, những quốc gia hoặc khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng có thể tìm cách tính toán thiệt hại, bao gồm đệ đơn kiện Bắc Kinh. Tổng thống Trump từng tuyên bố xem xét việc yêu cầu Trung Quốc bồi thường lớn về Covid-19. Trước tình cảnh này, Trung Quốc đang tìm cách xây dựng hình ảnh về một nhà lãnh đạo toàn cầu trong cuộc chiến chống đại dịch.
Nhưng khi tất cả “mũi dùi” đều chĩa về Trung Quốc, ông Chellaney cho rằng cách duy nhất để dập tắt lời kêu gọi và không hủy hoại hình ảnh của quốc gia này là chấp thuận một cuộc điều tra quốc tế độc lập. Ông cũng cho rằng nếu tiếp tục ngăn chặn điều tra, Trung Quốc phải trả một cái giá đắt, không chỉ là mất tiền bạc mà còn mất luôn vai trò “công xưởng” của thế giới, khi nhiều nước đã tính tới phương án rút công ty khỏi đây. Mới đây nhất, Nhật Bản cho biết dành ra 2,2 tỷ USD cho kế hoạch đưa công ty sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Theo Chellaney, nếu tình hình tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu, quyền lực của chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình cũng có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Phóng viên (t/h)