Năm mươi năm đã trôi qua kể từ giây phút lịch sử thiêng liêng Nam – Bắc về chung một nhà, mỗi người dân Việt Nam yêu nước đều cảm thấy bồi hồi, xúc động. Để có được thắng lợi vĩ đại đó, chúng ta đã trải qua bao khó khăn, trở ngại, có những “cuộc rút lui chiến lược”, có thất bại, hy sinh, có cả sự tráo trở của đối phương trong thực hiện hiệp định đã ký kết… và chúng ta đã chiến thắng. Tuy nhiên, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng những sự kiện này để chống phá cách mạng Việt Nam. Luận điểm chúng đưa ra không mới nhưng thâm độc, hướng đến người trẻ trong xã hội. Việc nhắc lại lịch sử là cần thiết để thanh niên có đủ kiến thức, bản lĩnh, phản bác lại những thông tin sai sự thật.
Các thế lực phản động xuyên tạc ý nghĩa cụm từ “Quân ta rút lui có chiến lược” là do ta sợ hoặc khi thua trận bị đánh cho tơi tả nên phải rút.
Kẻ đưa ra quan điểm này hoặc là do hạn chế về mặt nhận thức, hoặc cố tình không hiểu về nghệ thuật quân sự của cha ông ta. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, chúng ta luôn phải chống lại những kẻ thù mạnh hơn gấp nhiều lần, đương đầu trực diện với chúng chẳng khác gì “lấy trứng trọi đá”, chỉ nhanh chóng dẫn đến thất bại. Ta phải biết khéo léo lui binh khi thế và lực của ta chưa đủ để tránh mũi nhọn của giặc và bảo toàn lực lượng, hoặc tổ chức rút lui khi đã đạt được mục đích đề ra ban đầu, chờ thời cơ phản công. Hai ví dụ sau đây sẽ làm rõ luận điểm này:
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông lần thứ nhất (năm 1257 – 1258), quân Mông Cổ hừng hực khí thế tràn xuống phương Nam xâm lược nước ta sau khi đã thôn tính xong nhà Nam Tống, thế giặc năm ấy cuồn cuộn như thác đổ. Trước tình hình đó, vua Trần Thái Tông tự mình đem quân đến Bình Lệ Nguyên chặn giặc, quyết một trận sống mái với quân thù. Quân Trần chiến đấu vô cùng dũng cảm. Song, do ta chưa biết khai thác điểm yếu, hạn chế điểm mạnh của giặc, để cho vó ngựa thảo nguyên vốn đã quen tác chiến trên một vùng bình địa rộng lớn mặc sức tung hoành, trận địa quân ta dần bị lấn lướt trước sức tấn công ào ạt của quân thù. Lúc này, danh tướng Lê Phụ Trần (tức Lê Tần) biết thế của ta chưa đủ phá giặc nên ông đã khuyên vua Trần tạm thời rút lui bảo toàn lực lượng. Vua Trần Thái Tông sáng suốt nghe theo, thoát khỏi trận chiến, bảo toàn được một phần lực lượng để sau này tiếp tục cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông.
Phát huy tinh thần quật cường của tiền nhân, cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông lần thứ hai (1285) và thứ ba (1288) Trần Hưng Đạo đã khéo léo thi hành kế sách “vườn không nhà trống”, tạm thời “lùi một bước biển rộng trời cao” khiến quân giặc chủ quan, lơ là cảnh giác trước khi tổ chức phản công giành thắng lợi, làm nên một trong những trang sử hào hùng nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Thanh xâm lược vào cuối thế kỷ thứ XVIII, quân Tây Sơn phải đương đầu với 29 vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu chia làm ba đạo tiến vào nước ta, với sự hậu thuẫn từ bên trong của bè lũ bán nước Lê Chiêu Thống. Quân Tây Sơn do Ngô Thì Nhậm, Ngô Văn Sở chỉ huy đã có một nước đi linh hoạt, quyết đoán và cực kỳ đúng đắn: một mặt giả vờ tỏ ra khúm núm, sợ sệt trước “thiên uy” của “thiên triều”, một mặt tổ chức rút lui toàn bộ quân chủ lực về phía nam, lập ra phòng tuyến Tam Điệp (Ninh Bình) – Biện Sơn (Thanh Hoá) là nơi có địa hình hiểm trở, dễ thủ khó công, bố trí các chốt chặn hiểm yếu chặn đứng bước tiến quân thù. Ngoài ra, Ngô Thì Nhậm còn tổ chức những trận đánh du kích, nhỏ lẻ suốt dọc tuyến hành quân để vừa tiêu hao sinh lực địch, vừa kéo dài thời gian giúp quân Tây Sơn rút lui an toàn. Quân Thanh trong thế thắng như chẻ tre và dễ dàng chiếm kinh đô Thăng Long lại càng sinh lòng kiêu căng, từ đó dẫn đến sơ hở, thiếu phòng bị. Một loạt các kế sách của Ngô Thì Nhậm được triển khai, qua đó quân giặc bị ta điều khiển, đưa vào một cái bẫy như đưa lũ chuột vào trong hũ gạo, cho chúng say sưa trong men chiến thắng để rồi vua Quang Trung là người đóng sập cửa bẫy và giáng cho chúng những đòn sấm sét trong các trận Hà Hồi, Ngọc Hồi và Đống Đa, quét sạch 29 vạn quân Thanh chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày. Có thể khẳng định rằng, cuộc rút lui chiến lược năm 1788 là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu tạo nên chiến thắng mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789) của dân tộc.
Hai chiến thắng nêu trên trước những kẻ thù hùng mạnh từ phương Bắc đã khẳng định nghệ thuật quân sự tài tình, sáng tạo của cha ông ta. Tư tưởng quân sự “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh, lấy đoản binh thắng trường trận” đã là nội dung nghệ thuật quân sự chủ đạo, phù hợp với các điều kiện, hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam.
Các cụm từ “Dân miền Nam oằn mình dưới gót giày của đế quốc Mỹ xâm lược”, “Dân miền Nam bị đế quốc Mỹ kiềm kẹp” bị các thế lực phản động phản bác rằng: xã hội miền Nam trước giải phóng giàu có; xe hơi, xe gắn máy chạy đầy đường; Sài Gòn là hòn ngọc viễn đông… Liệu thực sự có đúng như vậy?
Ta thường nghe nói rằng Sài Gòn là “hòn ngọc viễn đông”, với những biệt thự lộng lẫy và đồ sộ, với xe ô tô chạy đầy đường trên những đại lộ rộng rãi thẳng tắp, với những khu phố ăn chơi về đêm và những thứ hàng hóa xa xỉ bậc nhất thời bấy giờ như rượu vang Bordeaux (Pháp), xì gà Cuba, thịt bò Mỹ, thuốc phiện,… Sài Gòn trước giải phóng là thành phố hoa lệ, nhưng sự thật là: hoa cho người giàu còn lệ cho người nghèo. Để làm rõ luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch cho rằng trước giải phóng, người dân miền Nam giàu có, ô tô, xe gắn máy chạy đầy đường,… Trước hết, ta cần phải tìm hiểu bản chất nền kinh tế Việt Nam Cộng hoà là gì ?
Nền kinh tế của Việt Nam Cộng hòa là nền kinh tế viện trợ, tức là GDP (tổng sản phẩm quốc nội) không phải do chính nó tạo ra, mà phụ thuộc rất lớn vào nguồn viện trợ khổng lồ từ Mỹ. Sự xa hoa, tráng lệ của các đô thị lớn ở miền Nam không phải xuất phát từ nội lực của nền kinh tế. Nguồn tiền tài trợ từ Mỹ chủ yếu chỉ để phục vụ giới cầm quyền, phục vụ những chi tiêu quân sự của quân đội Mỹ và chư hầu. Phần lớn nhân dân miền Nam sống ở các vùng nông thôn nghèo khổ, một số người sống lay lắt ở các thành phố lớn, làm những công việc nặng nhọc, vất vả như trở thành thợ thuyền xưởng đóng tàu Ba Son, làm phu khuân vác cảng Sài Gòn, hay làm phu xe kéo “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.
Sau khi Mỹ cắt giảm viện trợ từ năm 1973, kinh tế Việt Nam Cộng hòa rơi vào suy thoái và hỗn loạn, giống như một đứa trẻ ăn bám mãi không chịu lớn bắt đầu có dấu hiệu bất ổn và mất phương hướng khi cha mẹ ngừng chu cấp tiền bạc. Không quá khi nói rằng, cách tận nửa vòng trái đất, nước Mỹ chỉ cần “hắt hơi” là Việt Nam Cộng hòa “ốm”.
Tuy nhiên, thực sự có một tầng lớp giàu có trong xã hội miền Nam thời bấy giờ, đó là cộng đồng người gốc Hoa. Hoa kiều nắm trong tay gần như toàn bộ các ngành kinh tế chính ở miền Nam như thực phẩm, dệt may, hoá chất, luyện kim, điện,… và chi phối 3 lĩnh vực kinh tế quan trọng: sản xuất, phân phối và tín dụng. Tư sản Hoa kiều cùng sự lũng đoạn của họ đối với nền kinh tế miền Nam Việt Nam dần trở thành những kẻ giàu có nhờ bóc lột mồ hôi và nước mắt của nhân dân Việt Nam.
Mặt khác, người dân ở vùng nông thôn còn phải chịu sự đầy đoạ của Mỹ – nguỵ khi từ giữa năm 1961, chúng triển khai chương trình “ấp chiến lược”. Ấp chiến lược thực chất là để dồn dân, kiểm soát nghiêm ngặt để dễ bề kìm kẹp nhân dân. Mục đích của chúng là tách rời quân du kích ra khỏi quần chúng, làm cho lực lượng du kích không còn chỗ dựa, mất cơ sở hoạt động. Người nông dân bị cưỡng bức rời bỏ đất đai tiên tổ để chuyển vào các ấp chiến lược sinh sống, họ không thể tiếp cận với ruộng đồng để cày cấy, họ bị ép vào các đội lao động của ấp và làm những công việc không phải sở trường. Chương trình này của chúng mới đầu tỏ ra hiệu quả, song dần dần phản tác dụng rồi dẫn đến thất bại hoàn toàn do đi ngược lại nếp sống văn hoá và quyền lợi của nhân dân. Trớ trêu thay, “ấp chiến lược” dần trở thành “căn cứ bên trong” của quân ta tại những vùng địch kiểm soát.
Từ những phân tích trên, có thể thấy rằng những ảo tưởng, huyễn hoặc của các thế lực thù địch về một xã hội thịnh vượng ở miền Nam, nơi người dân được sống một cuộc sống an toàn, giàu sang, hạnh phúc là không có thật. Chúng xuyên tạc sự thật một cách trắng trợn, chúng không hiểu hoặc cố tình không hiểu những gì người dân miền Nam phải chịu đựng khi mang trên mình bản án nô lệ của những kẻ mất nước.
Các thế lực thù địch lu loa rằng ta vi phạm Hiệp định Giơ-ne-vơ khi đã “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, đẩy dân tộc Việt Nam vào một cuộc chiến “huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt”. Sự thật là như thế nào ?
Trước hết, cần phải biết nội dung chính của Hiệp định Giơ-ne-vơ bao gồm những điểm sau: “Các nước tham gia hội nghị tôn trọng quyền dân tộc cơ bản là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam – Campuchia – Lào. Ngừng bắn đồng thời ở Việt Nam và trên toàn chiến trường Đông Dương. Sông Bến Hải, vĩ tuyến 17 được dùng làm giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam làm hai vùng tập kết quân sự. Chính quyền và quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tập kết về miền Bắc; Chính quyền và quân đội Liên hiệp Pháp tập kết về miền Nam. Thời gian để chính quyền và quân đội các bên hoàn thành việc tập trung là 300 ngày. Dân chúng được tự do đi lại giữa hai miền. Hai năm sau sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do trong cả nước để thống nhất Việt Nam”. [1]
Với âm mưu thay chân thực dân Pháp, đế quốc Mỹ dần dần can thiệp trực tiếp vào miền Nam Việt Nam, dựng nên cái gọi là Việt Nam Cộng hoà do Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng, viện trợ đắc lực về kinh tế – quân sự cho chính quyền Diệm với âm mưu chia cắt Việt Nam lâu dài. Diệm tỏ ra là một kẻ có tư tưởng chống cộng một cách cực đoan và là tay sai đắc lực của Mỹ, Diệm đủ thông minh để hiểu rằng nếu tổ chức tổng tuyển cử theo quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ thì “thắng lợi của Hồ Chí Minh sẽ như nước triều dâng không thể cản nổi” [2]. Do vậy Diệm kiên quyết từ chối tổng tuyển cử, trà đạp lên Hiệp định Giơ-ne-vơ mặc cho Việt Nam Dân chủ cộng hoà đã nhiều lần yêu cầu tổ chức hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước.
Mặt khác, trong khi ta nghiêm chỉnh chấp hành Hiệp định thì tại miền Nam, máu vẫn đổ. Được Mỹ bật đèn xanh, Ngô Đình Diệm thẳng tay tàn sát, trả thù những người tham gia kháng chiến thông qua chiến dịch “tố Cộng, diệt Cộng” một cách hết sức dã man. Diệm lê máy chém đi khắp miền Nam như một thứ công cụ ưa thích để thực hiện chính sách cực đoan của mình. Các khẩu hiệu nổi tiếng được Mỹ – Diệm sử dụng như: “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”, “đồng tâm diệt Cộng”,… không chỉ giết hại hàng loạt cán bộ của ta mà còn gián tiếp liên luỵ đến hàng chục vạn dân thường bị tình nghi có liên quan tới Việt Minh. Đặc biệt, với đạo luật khét tiếng 10/59 của mình, Ngô Đình Diệm đã khiến phong trào cách mạng miền Nam Việt Nam chịu những tổn thất hết sức nặng nề.
Như vậy có thể thấy rằng, chúng ta muốn hoà bình, độc lập và thống nhất, chúng ta nghiêm chỉnh chấp hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, nhưng với dã tâm quyết tâm thay chân Pháp xâm lược Việt Nam, âm mưu chia cắt lâu dài và biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự và thuộc địa kiểu mới, đế quốc Mỹ và tay sai sẵn sàng phá hoại Hiệp định vừa được các bên tham gia ký kết. Đảng ta xác định không còn con đường nào khác là phải dùng bạo lực cách mạng đánh đổ Đế quốc Mỹ và tay sai, giành lại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Xu hướng phát triển cách mạng bắt đầu từ khởi nghĩa của nhân dân tiến lên cuộc đấu tranh vũ trang trường kỳ của cả dân tộc. Trong đó, miền Bắc đóng vai trò là hậu phương vững chắc, chi viện sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt thông qua con đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Miền Nam – thành đồng của Tổ quốc, nơi đi trước về sau, là tiền tuyến của cuộc đấu tranh thống nhất đất nước vĩ đại của dân tộc.
Các thế lực thù địch rao giảng rằng “Chiến thắng Mậu Thân năm 1968 thực chất là thất bại nặng nề của miền Bắc, bộ đội chính quy Bắc Việt chết la liệt gấp 6 lần lính miền Nam”.
Không thể phủ nhận một thực tế rằng trong chiến dịch Mậu Thân 1968, bộ đội ta hi sinh nhiều. Ta chủ động đánh thẳng vào trung tâm đầu não của địch là Thành phố Sài Gòn và các đô thị lớn ở miền Nam, nên không tránh khỏi những thương vong lớn. Tuy nhiên, cái mà ta đạt được là chiến thắng về mặt chiến lược và chính trị, không những đã làm lung lay tận gốc chế độ nguỵ quyền Sài Gòn mà còn rung chuyển cả cả Lầu Năm Góc cũng như trên toàn nước Mỹ. Qua đó, thế giới biết nhiều hơn về sự khốc liệt, tàn bạo của chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là trên đất nước Mỹ xa xôi, dẫn đến những phong trào phản chiến, biểu tình yêu cầu Mỹ rút quân trên toàn thế giới cũng như trên chính đất Mỹ. Sau sự kiện này, Mỹ buộc phải chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Pari và ngừng ném bom đánh phá miền Bắc, cuộc chiến đã bẻ ngoặt sang hướng có lợi cho cách mạng Việt Nam. Đó mới chính là ý nghĩa thật sự của chiến thắng Mậu Thân năm 1968 mà ta đã đạt được.
Các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam vin vào những con số so sánh sự hy sinh về người và của giữa hai bên để tìm kiếm chút an ủi, để trốn tránh sự thật rằng chúng đã thảm bại đau đớn như thế nào tại Việt Nam, như thể một kẻ sắp chết đuối đến nơi giữa biển khơi mênh mông đang cố bấu víu vào chiếc phao cứu sinh, nhưng rồi cũng không thoát khỏi lớp sóng cuồn cuộn của thời đại.
Sự hi sinh là điều không tránh khỏi trong chiến tranh, đặc biệt khi ta phải đương đầu với Mỹ – cường quốc số một thế giới. Nhưng ta chưa bao giờ đắn đo ta sẽ phải hi sinh bao nhiêu người để giang sơn thu về một mối, giống như việc ta không thể thắc mắc vua Quang Trung chấp nhận mất bao nhiêu người để giành lại đất nước từ tay giặc Thanh bạo tàn, hay tại sao vua Lê Lợi không chọn đầu hàng giặc Minh để đổi lấy ấm no cho riêng mình ? Tôi tin rằng khi tổ quốc gọi tên, người Việt Nam muôn người như một đều sẽ đáp lời.
Những người lính năm đó nằm lại trên chiến trường miền Nam chắc hẳn sẽ cảm thấy sự hi sinh của mình cho Tổ quốc là vô cùng xứng đáng và tự hào. Họ đã sống và chết cho Tổ quốc mai sau còn mãi, bởi có lẽ họ biết rằng nếu không có sự hi sinh đó, các thế hệ tương lai có thể phải có những hi sinh gấp vạn lần như vậy.
Lời kết:
Những ngày này, hoà chung không khí tưng bừng của đất nước kỷ niệm 50 ngày chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, người Việt Nam yêu nước đều mang trong mình cảm xúc tự hào, phấn khởi xen lẫn bồi hồi, xúc động khi nhìn lại một giai đoạn lịch sử hào hùng đã qua. Thử hỏi rằng ai không cảm thấy tự hào khi xem lại thước phim xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập, các chiến sĩ giải phóng quân cắm cờ trên nóc Dinh, đánh dấu sự cáo chung của chế độ nguỵ quyền Sài Gòn. Không tự hào sao được khi chứng kiến các cuộc diễu binh, diễu hành của Quân đội, Công an, dân quân tự vệ và các lực lượng chứng tỏ sức mạnh to lớn của đất nước, đồng thời chứng kiến sự đổi thay của đất nước sau 50 năm kể từ ngày giải phóng. Mặc dù các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam cũng triệt để lợi dụng sự kiện này để quảng bá, tuyên truyền những quan điểm sai trái, thù địch về cách mạng Việt Nam, về chiến thắng lịch sử mùa Xuân 1975 mà chúng là những kẻ chiến bại nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, nhưng những người Việt Nam hiểu rõ về lịch sử dân tộc và không cho phép thế lực nào có thể xuyên tạc sự thật rằng “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã khẳng định. Xin được nhắc lại lời Tổng Bí thư Tô Lâm: “Chúng ta không thể viết lại lịch sử, nhưng chúng ta có thể hoạch định lại tương lai. Quá khứ là để ghi nhớ, để tri ân và để rút ra bài học. Tương lai là để cùng nhau xây dựng kiến tạo và phát triển. Đó là lời hứa danh dự của thế hệ hôm nay với những người đã ngã xuống, là tâm nguyện chung của một dân tộc từng trải qua nhiều đau thương nhưng chưa bao giờ khuất phục” [3].
————–
[1] Tham khảo https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/ky-niem-67-nam-ngay-ky-ket-hiep-dinh-geneve-20-7-1954-20-7-2021-thuc-su-ai-da-pha-hoai-hoa-binh-1491880668
[2] Tham khảo https://baodongnai.com.vn/phapluat/202107/ai-pha-hoai-hoa-binh-ai-gay-chien-tranh-3068266/
[3] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/bai-viet-cua-tong-bi-thu-to-lam-nuoc-viet-nam-la-mot-dan-toc-viet-nam-la-mot-119250427115622646.htm
Đỗ Việt An