30/03/2020 2:41:57

Doanh nghiệp xuất khẩu mong sớm được hỗ trợ

Đã chủ động chuẩn bị các phương án, kế hoạch để đối phó với những tác động từ Covid-19, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu đang rất cần được hỗ trợ để duy trì sản xuất, trang trải tiền lương và chính sách cho người lao động…

Nhiều doanh nghiệp dệt may đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo chính sách cho người lao động do bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Ảnh: Đức Thanh

Mong đẩy nhanh thủ tục của gói hỗ trợ

Sau một thời gian xoay xở lo nguyên liệu để đảm bảo sản xuất liên tục, Tổng công ty Dệt may Hòa Thọ vừa nhận một số thông tin không mấy khả quan về đơn hàng xuất khẩu.

Ông Nguyễn Đức Trị Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Dệt may Hòa Thọ cho biết, từ ngày 16 đến 18/3, đồng loạt khách hàng tại Mỹ đã thông báo với Tổng công ty về việc lùi giao hàng, hủy đơn hàng thành phẩm và ngừng đặt mua nguyên phụ liệu cho các đơn hàng đã xác nhận.

Theo đó, 350.000 sản phẩm của Tổng công ty bị hủy; 100.000 sản phẩm bị lùi thời gian sản xuất; 150.000 sản phẩm có nguy cơ bị dừng sản xuất hoặc hủy. Khách hàng cũng đề nghị được lùi thời gian thanh toán tiền thành phẩm 30 – 60 ngày so với thời hạn đang được áp dụng.

Bên cạnh những giải pháp tự thân đã và đang thực hiện, ông Trị cho biết, doanh nghiệp rất mong các gói hỗ trợ doanh nghiệp mà Chính phủ đã công bố được đẩy nhanh thủ tục. “Chính sách hỗ trợ cần kịp thời, nhanh chóng mới có thể “cứu” doanh nghiệp trong lúc khó khăn nhất”, ông Trị nói.

Trước đó, ứng phó với những diễn biến khó lường của Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã chủ động sắp xếp, lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong ngắn hạn để vượt khó, đồng thời trực tiếp đề xuất các chính sách hỗ trợ phù hợp với đặc thù của ngành sử dụng nhiều lao động. Ngoài chính sách giảm lãi, giảm thuế, giãn nợ, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong ngành may mặc, da giày đề nghị được hỗ trợ tiền lương cho người lao động.

Mới đây, Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng do Covid-19 cũng đã được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trong Đề án này, Bộ đề xuất 6 nhóm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn vì Covid-19 như được dừng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; được dừng đóng phí công đoàn.

Bên cạnh đó, một trong những nhóm giải pháp quan trọng được đưa ra là huy động ngân sách trung ương để hỗ trợ doanh nghiệp vay tiền trả lương ngừng việc và đóng các chính sách cho người lao động. Nguồn ngân sách cũng được huy động để giúp doanh nghiệp trả trợ cấp thôi việc.

Lo vốn duy trì sản xuất

Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp cho biết, họ vẫn chưa nhận được thông tin cụ thể và hướng dẫn từ cơ quan có thẩm quyền liên quan đến chính sách hỗ trợ của Nhà nước liên quan đến nguồn vốn vay ưu đãi để trang trải khi hoạt động sản xuất và kinh doanh gặp khó khăn, bị đình trệ do Covid-19.

Lãnh đạo một doanh nghiệp da giày tại Vĩnh Phúc cho hay, khi cầu tiêu dùng hàng hóa tại các thị trường xuất khẩu chủ lực giảm, doanh nghiệp càng khó xoay xở. Hàng làm xong, nhưng chưa xuất được nên phải lưu kho, doanh nghiệp như “ngồi trên đống lửa”.

Với những đơn hàng gia công, thì doanh nghiệp còn có thể “cầm cự” được, nhưng nếu xuất khẩu theo phương thức FOB, doanh nghiệp sẽ đối mặt thách thức rất lớn do vốn bị đọng ở nguyên phụ liệu, áp lực từ các khoản lãi vay ngân hàng là không nhỏ, trong khi chưa thể vay được vốn theo gói cứu trợ của Chính phủ.

Theo ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), việc bị hoãn giao hàng, chậm thanh toán sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng thanh toán nợ vay của nhiều doanh nghiệp trong vài tháng tới.

Để giảm khó cho doanh nghiệp, ông Trường đề nghị, các ngân hàng thương mại nên có chính sách hỗ trợ. Cụ thể, doanh nghiệp đang có dư nợ tại ngân hàng được hưởng ân hạn chưa phải trả lãi và gốc đến hạn năm 2020 của các khoản đầu tư dài hạn và được phép trả nợ vào các năm sau. Đồng thời, kéo dài vòng quay của vốn lưu động, giúp các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của việc giãn đơn hàng, giãn tiến độ thanh toán của bên mua không bị rơi vào tình trạng quá hạn đối với các khoản nợ ngắn hạn, không bị hạ loại hoặc chuyển loại tín dụng.

Bên cạnh đó, ông Trường đề xuất cho phép doanh nghiệp được hoãn, miễn đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn năm 2020 để dùng quỹ này trả lương cho người lao động khi thiếu việc; hoãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019 tới cuối năm, hoãn thuế VAT 2020 đến cuối năm, giãn thời hạn nộp tiền sử dụng đất, tạo dòng tiền tốt hơn để ổn định đội ngũ lao động rất lớn của ngành dệt may…

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hàng ngàn doanh nghiệp đã phải cắt giảm quy mô sản xuất, giảm giờ làm.
Trong tháng 2/2020, cả nước đã có 47.000 lao động xin hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 59% so với tháng 1 và tăng 70% so với cùng kỳ năm 2019.

Thế Hoàng