Đầu tháng 3, khi covid-19 chưa được coi là đại dịch toàn cầu, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lên tiếng cảnh báo về việc các thiết bị bảo hộ y tế chống dịch covid-19 đang cạn kiệt. Khi đó, WHO ước tính, để đối phó với dịch COVID-19, thế giới cần 89 triệu khẩu trang y tế, 76 triệu đôi găng tay y tế và 1,6 triệu kính bảo hộ mỗi tháng.
Chỉ 3 tuần sau, Châu Âu hoàn toàn thất thủ và trở thành tâm dịch covid-19. Chỉ trong vòng 24h, châu Âu ghi nhận thêm hơn 20.000 ca mắc mới và hơn 1.500 ca tử vong do Covid-19. Italy hiện đang là nước có số ca mắc Covid-19 cao thứ 2 thế giới sau Trung Quốc đại lục và có số ca tử vong do dịch bệnh này cao nhất thế giới. Tổng số ca mắc bệnh tại Italy hiện tại là 69.176, trong đó có 6.820 ca tử vong. Các bệnh viện quá tải, các đồ bảo hộ y tế, đặc biệt là khẩu trang chuyên dụng vô cùng thiếu thốn.
Tại, Tây Ban Nha số ca mắc Covid-19 gần chạm mốc 40.000 sau khi nước này ghi nhận thêm 4.740 trường hợp trong ngày 24/3. Tây Ban Nha hiện là “ổ dịch” lớn thứ 2 ở châu Âu sau Italy. Giới chức Tây Ban Nha cho biết, tình trạng khan hiếm đồ bảo hộ đã khiến hơn 5.000 y bắc sỹ nước này mắc Covid-19.
Tại Mỹ, tính tới chiều ngày 24/3, số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Mỹ là gần 52.000 người và gần 700 người đã tử vong. Cảnh báo về sự khan hiếm vật tư y tế đã nổ ra ở khắp nước Mỹ khi thống đốc các bang đã khẩn thiết kêu gọi chính phủ liên bang viện trợ thêm nguồn cung.
Lúc này, các “ông lớn” của ngành thời trang không thể đứng ngoài cuộc. H & M và Inditex, công ty mẹ của Zara, đã cam kết hướng các hoạt động tới mảng vật tư y tế. Tập đoàn Kering (Pháp) cũng tuyên bố 2 thương hiệu Balenciaga và Yves Saint Laurent đang chuẩn bị sản xuất khẩu trang chống covid-19. Tập đoàn này cũng đã cam kết mua 3 triệu khẩu trang từ Trung Quốc cho ngành Y tế của Pháp. Đồng thời thương hiệu lớn nhất của tập đoàn này là Gucci cũng đang sản xuất và quyên góp 1,1 triệu khẩu trang và 55.000 bộ bảo hộ y tế cho các nhân viên y tế ở Italy.
Trong khi đó, LVMH, ông chủ của Louis Vuitton và Christian Dior đang tận dụng chuỗi cung ứng toàn cầu của mình để có thể cung ứng 40 triệu khẩu trang từ Trung Quốc trong 4 tuần tới, đồng thời hỗ trợ việc việc vận chuyển có thể lên tới 5 triệu euro.
Tại Italy, Prada thông báo đã bắt đầu sản xuất 80.000 bộ bảo hộ y tế và 110.000 khẩu trang theo yêu cầu của các nhà chức trách ở Tuscany. Một thương hiệu khác là công ty dệt Miroglio Group đã điều chỉnh lại hoạt động ở khu vực Piedmont, và cuối tuần trước đã giao lô hàng đầu tiên là 10.000 khẩu trang vải cho các nhân viên cấp cứu, các tổ chức phi chính phủ và các phóng viên ở Italy. Công ty này đặt mục tiêu cung ứng 600.000 chiếc vào giữa tuần tới và nâng công suất lên 100.000 chiếc mỗi ngày.
Tại Mỹ, nhà thiết kế Brandon Maxwell, người đã thiết kế cho Lady Gaga, Michelle Obama đã tuyên bố rằng ông đang chuyển sang sản xuất áo bảo hộ cho nhân viên y tế. Thương hiệu đồ bơi cao cấp Karla Colletto, nhà sản xuất quần áo và tạp dề Hedley & Bennett hiện cũng đang chuyển sang sản xuất khẩu trang cho nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch.
Mặc dù hiệu quả của khẩu trang trong việc ngăn ngừa sự lây lan của bệnh vẫn còn là vấn đề tranh luận, đặc biệt là khẩu trang vải, tuy nhiên, trong hoàn cảnh thiếu hụt trầm trọng thiết bị bảo hộ y tế như hiện nay, việc các nhân viên y tế được đảm bảo khẩu trang, đồ bảo hộ trong khi làm việc vẫn có nhiều ý nghĩa tích cực.
P.V (Tổng hợp)