Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 379/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án “Người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm”. Đề án này không chỉ nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò quan trọng của người cao tuổi trong quá trình phát triển đất nước mà còn mở ra cơ hội mới để họ tham gia tích cực vào các hoạt động đổi mới sáng tạo và bảo vệ môi trường.
Nhận thức mới về vai trò của người cao tuổi
Theo Đề án, mục tiêu lớn nhất là nâng cao nhận thức của xã hội và chính quyền các cấp về tiềm năng và vai trò quan trọng của người cao tuổi trong chuyển đổi số, khởi đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm. Các chính sách này hướng tới việc giúp người cao tuổi không chỉ duy trì sức khỏe tinh thần, mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Đặc biệt, Đề án tập trung vào việc cải thiện chất lượng sống của người cao tuổi, giúp họ nắm bắt và ứng dụng công nghệ số, tham gia bảo vệ môi trường và phát triển các mô hình khởi nghiệp, từ đó cải thiện thu nhập và tạo thêm cơ hội việc làm.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và 2035
Đề án đưa ra các mục tiêu cụ thể, trong đó phấn đấu đến năm 2030, 90% người cao tuổi sẽ được tuyên truyền về các chủ trương chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm. Một trong những mục tiêu quan trọng là ít nhất 50% người cao tuổi sẽ thành thạo các kỹ năng số cơ bản như thanh toán trực tuyến, dịch vụ công trực tuyến, bảo vệ bản thân trên không gian mạng.
Ngoài ra, đề án cũng hướng tới việc trồng ít nhất 100 triệu cây xanh, phát triển các mô hình thu gom rác thải tại nguồn, và thúc đẩy mô hình nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn. Dự kiến đến năm 2035, 100% người cao tuổi sẽ được tiếp cận với thông tin về các chủ trương này, và 70% sẽ thành thạo các kỹ năng số cơ bản.
Các mô hình thí điểm và chính sách hỗ trợ
Một điểm đặc biệt trong Đề án là việc xây dựng các mô hình thí điểm cho người cao tuổi tham gia chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm. Những mô hình này sẽ được triển khai ở các cộng đồng và phát triển thành các mô hình điển hình, có thể nhân rộng trên phạm vi toàn quốc.
Ngoài việc xây dựng mô hình thí điểm, Đề án cũng đặt trọng tâm vào việc nghiên cứu chính sách hỗ trợ người cao tuổi tham gia các hoạt động này, bao gồm việc cung cấp đào tạo, tư vấn, và huy động nguồn lực xã hội hóa, hợp tác quốc tế.
Phối hợp liên ngành để thực hiện dự án
Để triển khai thành công các mục tiêu của Đề án, các bộ, ngành sẽ phối hợp chặt chẽ trong từng nhiệm vụ cụ thể. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chịu trách nhiệm về các hoạt động chuyển đổi xanh và phát triển nông nghiệp hữu cơ. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì các hoạt động chuyển đổi số, trong khi Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đảm nhận nhiệm vụ khởi nghiệp. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ thúc đẩy các chương trình tạo việc làm cho người cao tuổi.
Ngoài các cơ quan chính phủ, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức triển khai Đề án, hỗ trợ các địa phương và huy động nguồn lực thực hiện các mục tiêu đề ra.
Đề án “Người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm” không chỉ giúp nâng cao chất lượng sống cho người cao tuổi mà còn tận dụng nguồn lực quý giá này trong việc phát triển bền vững đất nước. Với những mục tiêu rõ ràng và các giải pháp thiết thực, Đề án hứa hẹn sẽ mang lại thay đổi tích cực cho cả người cao tuổi và xã hội trong những năm tới.
Phan Linh