Theo ông Nguyễn Bắc Nam – Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP. HCM, trong chương trình Dân hỏi – Chính quyền trả lời sáng 16/3 với chủ đề “Tinh gọn bộ máy và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp”, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cán bộ, công chức thuộc diện tinh giản biên chế.
Ông Nam cho biết, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND TP. HCM thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị định 178 của Chính phủ và Nghị quyết 01 của HĐND TP. HCM, nhằm đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, công chức tinh giản. Đồng thời, TP. HCM cũng triển khai nhiều biện pháp giúp người lao động dôi dư có thể tiếp tục công tác.
TP. HCM sẽ hỗ trợ cho cán bộ, công chức bị tinh giản biên chế tìm việc làm mới (ảnh minh hoạ).
Cụ thể, TP. HCM sẽ giới thiệu những cán bộ, công chức này tới các doanh nghiệp nhà nước để tuyển dụng, giúp họ tiếp tục đóng góp vào công việc. Đây cũng là cách để thành phố tận dụng hiệu quả nguồn nhân lực sẵn có.
Với những người có nguyện vọng khởi nghiệp hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, TP. HCM sẽ cung cấp hỗ trợ về vay vốn ưu đãi, hướng dẫn lập kế hoạch kinh doanh và kết nối với các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp. Thêm vào đó, qua Trung tâm Dịch vụ Việc làm, thành phố sẽ kết nối người lao động dôi dư với các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, doanh nghiệp tư nhân để tìm kiếm cơ hội việc làm phù hợp.
Ông Nam nhấn mạnh: “Thành phố sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để cán bộ, công chức thuộc diện tinh giản vẫn có cơ hội tiếp tục làm việc và cống hiến”.
Bên cạnh đó, TP. HCM đã hoàn thành việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy các đơn vị hành chính, sự nghiệp từ cấp thành phố đến quận, huyện và đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/3. Quá trình triển khai vẫn bảo đảm các hồ sơ, thủ tục được giải quyết nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Hiện nay, TP. HCM cũng đang chuẩn bị các đề án sắp xếp lại các tỉnh, thành chưa tổ chức cấp huyện và đơn vị hành chính cấp xã, theo chỉ đạo của Trung ương.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, TP. HCM đang triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ. Một trong số đó là Đề án Xây dựng nền công vụ hiện đại và Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên môn giai đoạn 2026–2030. Năm 2025, TP. HCM dự kiến sẽ tổ chức 55 lớp bồi dưỡng cho khoảng 32.000 cán bộ, công chức, bao gồm cả đào tạo trong và ngoài nước.
TP. HCM cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị chủ động tổ chức lớp bồi dưỡng và cử nhân sự tham gia các khóa đào tạo của Trung ương và TP. HCM, ưu tiên cho cán bộ, công chức nhận nhiệm vụ mới hoặc chuyển đổi chức năng, nhiệm vụ.
Trước đó, Sở Nội vụ TP. HCM đã trình đề án sắp xếp, bố trí và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách, người lao động sau khi thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy. Theo đề án, TP. HCM đặt mục tiêu giảm ít nhất 4% công chức, viên chức mỗi năm từ nay đến 2030. Đối tượng tinh giản chủ yếu là cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị sắp xếp tổ chức bộ máy; cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách; những người không tái cử, tái bổ nhiệm theo Nghị định 177/2024/NĐ-CP; người lao động hợp đồng trước ngày 15/1/2019 trong các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị – xã hội.
Đề án tinh giản này chủ yếu áp dụng tại hai nhóm đơn vị gồm, nhóm 1 là các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội từ cấp thành phố đến cấp xã. Nhóm 2 là các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP. HCM, các sở, ngành, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện.
Việc tinh giản biên chế không chỉ giúp bộ máy chính quyền hoạt động hiệu quả hơn mà còn tạo điều kiện cho cán bộ, công chức có nguyện vọng tiếp tục làm việc tìm được vị trí phù hợp trong cả khu vực công và tư.
TP. HCM dự trù 17.000 tỷ đồng để chi trả theo Nghị định 178
Trong giai đoạn 1, thành phố ước tính có 7.159 nhân sự bị ảnh hưởng. Cụ thể, có 521 cán bộ, công chức, viên chức thuộc khối Đảng; 2.015 cán bộ, công chức (không bao gồm cấp xã); và 2.767 viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Cũng trong giai đoạn này, có 988 cán bộ, công chức dôi dư do việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết 1278 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 418 người phụ trách công tác đảng tại các doanh nghiệp nhà nước bị dôi dư sau khi sắp xếp; và 450 trường hợp không đủ điều kiện tái cử, bổ nhiệm. Để hỗ trợ các cán bộ dôi dư, TP. HCM dự trù 17.000 tỷ đồng để chi trả theo Nghị định 178 và Nghị quyết 01 của HĐND TP. HCM. Trong đó, mức chi trả cao nhất có thể lên đến gần 2,7 tỷ đồng. Đối với nhóm cán bộ còn lại tiếp tục làm việc trong hệ thống chính quyền, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo họ đáp ứng được yêu cầu công việc mới. Dự kiến, vào năm 2025, chính quyền sẽ tổ chức 55 lớp học cho 32.000 cán bộ, công chức để học tập, bồi dưỡng trong và ngoài nước. |
Thanh Quang