28/10/2024 7:22:40

Hướng nghiệp trong Kỷ nguyên Công nghệ: Nữ sinh và các ngành STEM

Đây là chủ đề hội thảo do trường Cao đẳng Lý Thái Tổ (LIC – Bắc Ninh) và Phòng Giáo dục – Đào tạo Thành phố Từ Sơn (Bắc Ninh) tổ chức hôm 25/10 với thông điệp thúc đẩy bình đẳng giới, cân bằng giới trong tuyển sinh, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đối với nữ giới; xóa bỏ định kiến giới trong định hướng nghề nghiệp cũng như đẩy mạnh công tác định hướng cho các em học sinh trong các trường THCS, THPT trước ngưỡng cửa chọn trường, chọn nghề.

Hội thảo cũng là cơ hội đề xuất chính sách ưu đãi của Chính phủ, các doanh nghiệp,  nhằm khuyến khích, tạo động lực và thu hút đối tượng nữ theo ngành STEM.

Nữ giới chỉ chiếm 11% người theo học công nghệ 

Tham luận của PGS.TS Nguyễn Tiến Đông- Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ với chủ đề “Mất cân bằng giới trong tuyển sinh ngành kỹ thuật” đã phản ánh thực trạng lao động là đối tượng nữ giới chiếm tỷ lệ thấp trong các ngành kỹ thuật – công nghệ, vốn được xem là nhóm ngành trụ cột của sự phát triển kinh tế và công nghiệp hiện đại.

Minh chứng cho sự chênh lệch đáng kể về tỷ lệ giới trong tuyển sinh các ngành kỹ thuật – công nghệ, báo cáo “Thị trường nhân lực ngành Công nghệ thông tin 2020” của Vietnam Works in Tech chỉ ra rằng, nữ giới chỉ chiếm 11% trong tổng số người theo học Công nghệ – Thông tin. Trường Đại học Công nghệ thông tin trong năm 2019 cũng cho thấy số lượng sinh viên nam chiếm tỷ lệ cao nhất với gần 80%, trong khi nữ chỉ chiếm hơn 20%. Hay tại trường Đại học Bách Khoa có tới 78% là nam, nữ chỉ chiếm 22%…

PGS.TS Nguyễn Tiến Đông – Hiệu trưởng CĐ Lý Thái Tổ tham luận tại hội thảo

Cũng như tình trạng chung trên thế giới, tuy tỷ lệ nữ theo học đại học và các bậc cao hơn tại Việt Nam là 54,6% ( Bộ Giáo dục và Đào tạo- 2017), số lượng nữ cử nhân khối ngành STEM là rất thấp. Theo báo cáo của ILO ( ASEAN trong quá trình chuyển đổi) ngành học dẫn đầu tại Việt Nam là kinh doanh và thương mại ( 41,2% sinh viên nam và 60,6% sinh viên nữ). Nam giới Việt Nam cũng thường chọn ngành kỹ sư ( 20,8%), thông tin, truyền thông và công nghệ (18,6%). Tuy nhiên, theo khảo sát chưa đến 10% đối tượng nữ giới Việt Nam theo đuổi các ngành STEM.

STEM (Science, Technology, Engineering & Mathematics) là các lĩnh vực và chương trình giảng dạy và tập trung vào các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Tại Việt Nam, STEM thường được nhìn nhận như là một chương trình giáo dục được xây dựng dựa trên ý tưởng trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng liên quan đến các lĩnh vực trên- theo cách tiếp cận liên môn và người học có thể áp dụng giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. STEM đóng vai trò thiết yếu trong bối cảnh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang trong giai đoạn đầu của cuộc CMCN 4.0.

Dữ liệu này cho thấy, tỷ lệ nữ sinh theo học các ngành này vẫn ở mức thấp so với nam giới, bất chấp những nỗ lực gia tăng cơ hội tiếp cận trong thời gian qua.

Tham luận nêu rõ rằng sự mất cân bằng giới trong các ngành này không chỉ ảnh hưởng đến tính đa dạng và sáng tạo trong nghiên cứu và phát triển công nghệ mà còn làm suy giảm chất lượng nguồn nhân lực kỹ thuật cao, từ đó giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Ngoài ra, sự chênh lệch này còn gây ra lãng phí cơ hội phát triển cho cả nền kinh tế, bởi những đóng góp tiềm năng từ lực lượng lao động nữ không được khai thác đầy đủ.

Tham luận cũng phân tích các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới trong STEM, bao gồm các định kiến giới từ giai đoạn giáo dục cơ bản, sự thiếu hụt hình mẫu nữ giới thành công trong ngành kỹ thuật – công nghệ, và sự chênh lệch trong chính sách cũng như cơ hội tiếp cận học tập.

Những yếu tố này đã góp phần hình thành rào cản tâm lý và tạo ra sự thiếu tự tin ở nữ giới khi lựa chọn và theo đuổi các ngành học kỹ thuật – công nghệ.

Từ các phân tích trên, tham luận đưa ra khuyến nghị cần thiết về việc tăng cường hợp tác song phương và đa phương giữa các bên liên quan, bao gồm chính phủ, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, để xây dựng các chương trình toàn diện, thúc đẩy sự tham gia và thành công của phụ nữ và trẻ em gái trong lĩnh vực STEM.

Các chương trình này cần hướng đến việc tạo ra môi trường học tập và làm việc thân thiện, thúc đẩy nữ giới tham gia các ngành nghề kỹ thuật – công nghệ, đồng thời xóa bỏ các định kiến và rào cản xã hội, nhằm đạt được sự bình đẳng giới thực chất trong lĩnh vực này.

Xóa bỏ định kiến giới trong hướng nghiệp cho nữ giới

Tại hội thảo, bà Đặng Thanh Mai – Chuyên gia về Giới tại Cơ quan Liên hợp quốc vì Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đã có bài tham luận chi tiết về chủ đề “Định kiến giới và những ảnh hưởng tới quá trình hướng nghiệp cho nữ giới”.

Bài tham luận của Chuyên gia Đặng Thanh Mai cung cấp cơ sở lý luận về bình đẳng giới và thông tin nhu cầu của thị trường nguồn nhân lực – lực kéo nữ sinh tham gia trong giáo dục và việc làm các ngành STEM.

Bà Đặng Thanh Mai – Chuyên gia UN Women phát biểu tham luận

Phân tích về khái niệm Giới tính – Giới, thời gian gần đây mâu thuẫn giữa giới tính và giới trở nên phổ biến do tác động của môi trường. Định kiến giới là những quan niệm niềm tin cố hữu về trách nhiệm, khả năng của nam giới và nữ giới trong cộng đồng. Những định kiến này xuất phát từ văn hóa, không cập nhật các xu thế mới…

Thông qua đó bà Đặng Thanh Mai cũng phân tích làm rõ về khái niệm bình đẳng giới. Bà khẳng định rằng định kiến giới chính là “con dao” tạo áp lực, gây tổn thương về tâm lý cho các em học sinh trong quá trình phát triển.

Thực tế, với những chính sách xóa bất bình đẳng giới hiện nay, xã hội cần phải có sự chung tay của tất cả các cơ quan ban ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức, cá nhân nỗ lực một thời gian rất dài nữa mới có thể đạt được.

Tác động của định kiến giới gây hạn chế sự phát triển của cá nhân và định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho các em nữ sinh; giảm khả năng thăng tiến trong nội bộ của doanh nghiệp, cản trở hoạt động của doanh nghiệp; gây lãng phí nguồn nhân lực và thiếu hụt nguồn nhân lực trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên. Nếu như không phá bỏ rào cản này, sẽ không làm giảm thiểu được những tác động tiêu cực trong xã hội.

Một số khuyến nghị được bà Đăng Thanh Mai đưa ra là cần có chương trình khuyến khích và hỗ trợ nữ sinh tham gia vào các ngành STEM, bao gồm các học bổng, chương trình cố vấn và các mô hình vai trò nữ giới thành công trong lĩnh vực STEM; Truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến; nâng cao hiểu biết và nhận thức của gia đình và nhà trường về hướng nghiệp các ngành nghề; Chính phủ và các tổ chức cũng cần có những chính sách để khuyến khích nữ sinh theo đuổi các ngành STEM….

Định hướng giáo dục STEM trong chương trình giáo dục phổ thông

PGS.TS Lê Huy Hoàng – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương với bài tham luận “Giáo dục STEM trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018, định hướng phát triển nhân lực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học cho sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Theo đó, việc định hướng, hướng nghiệp – đặc biệt là nữ sinh tham gia giáo dục và việc làm các ngành STEM có ý nghĩa quan trọng nhằm giải quyết bài toán về phát triển và cung ứng nguồn nhân lực trong lĩnh vực Khoa học, Công nhệ, Kỹ thuật và Toán học.

PGS.TS Lê Huy Hoàng – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục- Ban Tuyên giáo Trung ương

Từ thực tế triển khai, vấn đề STEM đến nay đã được bàn luận rất nhiều, triển khai rất nhiều nhưng thực tế tỉ lệ học sinh lựa chọn đăng ký khối ngành Khoa học kỹ thuật vẫn chưa nhiều.

Bởi vậy, cần một sự thay đổi mạnh mẽ các chính sách nội dung, phương pháp giáo dục và dạy nghề nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới, trong đó cần tập trung vào thúc đẩy đào tạo về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toàn học (STEM).

Chính sách đặc biệt của doanh nghiệp dành cho nữ giới tham gia ngành STEM

Bà Nguyễn Thị Lan Anh – Giám đốc nhân sự, Công ty TNHH Hitachi Energy Việt Nam với bài tham luận “Các chính sách tuyển dụng và cơ hội thăng tiến cho phụ nữ tại Hitachi”, mang đến những thông tin về nhu cầu của doanh nghiệp công nghệ – đại diện phía nhà tuyển dụng.

Với những chính sách đặc biệt của doanh nghiệp này dành cho nữ giới như các chương trình: Diversity 360, chương trình tăng tốc cho phụ nữ;  các chương trình đào tạo và phát triển dành cho nữ giới giúp nữ giới phát huy hết tiềm năng, trang bị các kỹ năng lãnh đạo để có thể sẵn sàng đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo, chủ chốt trong công ty.

Hitachi cũng tạo ra một môi trường hòa nhập, chế độ lương thưởng cho các vị trí tạo sự công bằng cho các giới. Đồng thời, có chế độ linh hoạt làm việc từ xa để giúp nữ giới vừa có thể hoàn thành trách nhiệm với gia đình, vẫn có thể hoàn thành tốt công việc…

Với các chính sách trên,  Hitachi tạo ra một môi trường phát triển bền vững, thu hút nhân tài và đào tạo các nhà lãnh đạo nữ trong tương lai.

Công bố Quỹ học bổng “LIC – WOMEN IN STEM”

Ban Giám hiệu CĐ Lý Thái Tổ trao giấy khen và phần thưởng cho các em học sinh, sinh viên đạt giả trong cuộc thi ảnh Woman in STEM 

Cũng tại hội thảo, Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ cũng tổ chức công bố Quỹ học bổng LIC – WOMAN IN STEM dành cho các nữ sinh viên của Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ có kết quả học tập đạt kết quả cao. Đặc biệt, dành cho các nữ sinh khối THPT trên địa bàn Thành phố Từ Sơn đạt giải trong các cuộc thi Khoa học kỹ thuật – STEM từ cấp thành phố trở lên.

Quỹ học bổng LIC – Women in STEM  nhằm góp phần giải quyết sự chênh lệch về giới tính trong mảng việc làm và kỹ năng kỹ thuật số tại khu vực Thành phố Từ Sơn nói riêng và toàn tỉnh Bắc Ninh nói chung.

Thu Thủy