Nếu người Mỹ lo ngại dịch bệnh, mất niềm tin và ngừng chi tiêu, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ rơi vào suy thoái.
Cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu đang đe dọa dập tắt điểm sáng lớn nhất của Mỹ, nếu không muốn nói là của cả thế giới. Đó là ví tiền của người Mỹ. Tiêu dùng sôi động là lý do duy nhất giúp Mỹ tránh suy thoái trong thời kỳ đỉnh điểm chiến tranh thương mại năm ngoái. Khi sản xuất sụp đổ, doanh nghiệp ngại chi tiêu, thì người Mỹ vẫn tiếp tục mua sắm.
Nhiều nhà phân tích lo ngại nỗi lo sợ dịch bệnh tại Mỹ sẽ thay đổi điều này, tạo ra cú sốc mới với kinh tế toàn cầu và đe dọa đà tăng trưởng tại Mỹ. Dịch bệnh bùng phát đang bóp nghẹt kinh tế Hàn Quốc và Italy. Nó hoàn toàn có thể làm điều tương tự với Mỹ, khiến người dân hạn chế đến nhà hàng, trung tâm mua sắm và sân bay.
Rủi ro này đã khiến nhà đầu tư toàn cầu hoảng loạn vài phiên qua, khiến chỉ số DJIA trên sàn chứng khoán Mỹ mất gần 2.000 điểm, tương đương 6,5% tuần này. “Người tiêu dùng Mỹ chính là ranh giới giữa tăng trưởng và không tăng trưởng”, Mark Zandi – kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics cho biết trên CNN, “Nếu họ mất niềm tin, mà virus corona lại là phép thử thực sự của lòng tin, suy thoái sẽ xảy ra”.
Tuần này, Zandi đã nâng dự báo khả năng suy thoái của Mỹ trong nửa đầu năm từ 20% lên 40%. “Nếu Covid-19 biến thành đại dịch và lan đến Mỹ, tôi không thấy chúng ta có cách nào ngăn suy thoái”, ông nói.
S&P 500 giảm phiên thứ 5 liên tiếp, dù mức giảm đã chậm lại, khi nhà đầu tư đánh giá ảnh hưởng từ dịch bệnh lên kinh tế toàn cầu.
Trong 11 nhóm ngành thuộc chỉ số S&P 500, năng lượng giảm mạnh nhất với gần 3%. Trong khi đó, công nghệ tăng mạnh nhất với 0,4%.
Rất nhiều nhà đầu tư vẫn đang thận trọng, do thông tin về sự lây lan của dịch bệnh vẫn chưa rõ ràng. “Chúng ta cần nhiều thông tin hơn để thị trường điều chỉnh mạnh hơn nữa, hoặc được xoa dịu rằng mọi chuyện sẽ không leo thang”, Jason Draho – Giám đốc mảng Tài sản tại Mỹ thuộc UBS Global Wealth Management nhận xét, “Từ giờ đến lúc đó, thị trường sẽ vẫn biến động mạnh”.
So với đỉnh gần nhất hồi giữa tháng, DJIA hiện thấp hơn 8,8%. S&P 500 mất 8% và Nasdaq giảm 8,5%. Sau khi tăng 1,7% phiên sáng, S&P 500 xuống đáy phiên khi giới chức y tế Nassau (New York) cho biết đang theo dõi 83 người trở về từ Trung Quốc và có thể đã tiếp xúc với virus. Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) trước đó cũng cảnh báo dịch bệnh này đang dần trở thành một đại dịch.
Thị trường cũng đi xuống sau khi Đức cho biết họ không thể theo dõi hết các ca nhiễm và Na Uy xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm Covid-19 tại nước này. Lần đầu tiên số ca nhiễm mới bên ngoài vượt số ca nhiễm mới tại Trung Quốc.
Trên thị trường hàng hóa, giá vàng hôm qua chốt phiên tăng 6,2 USD lên 1.640 USD một ounce. Sáng nay, giá tiếp tục đi lên, hiện giao dịch quanh 1.644 USD. Giá dầu thô Brent hiện giảm 2,77% về 53,43 USD một thùng. Dầu thô Mỹ WTI cũng mất 0,6% về 48,44 USD.
Với nhiều công ty Mỹ, dịch bệnh khiến họ thiệt hại đủ đường. Không chỉ chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhu cầu của người tiêu dùng cũng giảm sút. Apple đã cảnh báo khả năng thiếu hụt iPhone. Coca-Cola thì cho biết chất tạo ngọt của họ sản xuất tại Trung Quốc cũng khan hiếm. Nhu cầu bay đến Trung Quốc tại hãng bay United Airlines đã về 0. Còn MasterCard cũng cảnh báo chi tiêu của chủ thẻ giảm sút.
Cho đến gần đây, giới chức y tế và các nhà kinh tế học vẫn nghĩ dịch bệnh gần như chỉ giới hạn tại Trung Quốc. Và tình hình tại đây lại đang dần cải thiện. Tuy nhiên, virus bùng phát tại nhiều nền kinh tế lớn khác như Hàn Quốc, Italy, Nhật Bản và Iran đã khiến nhiều người lo ngại. Hôm qua, giới chức y tế Mỹ cũng cảnh báo việc virus lây lan đến Mỹ dường như là điều khó tránh khỏi.
“Chỉ cần xuất hiện một ổ dịch ở một trung tâm thương mại hay hội thảo nào đó thôi, hành vi của người dân sẽ thay đổi nhanh chóng”, David Kotok – Chủ tịch Cumberland Advisors cho biết. Ông cho rằng đợt bùng phát như vậy sẽ châm ngòi cho suy thoái toàn cầu. Và thị trường tài chính đã bắt đầu tính đến rủi ro này rồi.
“Tôi vẫn hy vọng dịch bệnh không bùng phát tại đây. Nhưng 2 tuần trước, Hàn Quốc và Italy cũng đâu nghĩ việc này sẽ diễn ra”, ông nói.
Dù vậy, tin tốt là kinh tế Mỹ đến nay vẫn khá khởi sắc. Các cú sốc trước đây, như khủng hoảng nợ tại châu Âu hay thảm họa động đất – sóng thần năm 2011 ở Nhật Bản, đều không khiến Mỹ suy thoái. Sau mỗi sự kiện, nền kinh tế này vẫn phục hồi nhanh, và sự hoảng loạn của thị trường lại là cơ hội mua vào cho nhà đầu tư.
Ngành bán lẻ Mỹ cũng vẫn lạc quan một cách thận trọng. Bất chấp các rủi ro như virus cororna và bầu cử tổng thống, Hiệp hội Bán lẻ Quốc gia Mỹ hôm qua cho biết vẫn giữ dự báo tăng trưởng doanh thu 3,5% – 4,1% năm nay. “Khi thu nhập của người dân tăng, lãi suất thấp đi và niềm tin tiêu dùng mạnh, chúng tôi cho rằng năm nay vẫn rất tốt”, Matthew Shay – Giám đốc hiệp hội này cho biết.
Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ quý I, về 1,2%. Công cụ theo dõi của Fed Atlanta cho rằng tốc độ này là 2,6%. Cả hai đều cách suy thoái rất xa.
Cuối tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết họ sẽ có đánh giá tốt hơn về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến nền kinh tế trong ba hoặc bốn tuần tới. Và hiện tại là quá sớm để nói về điều này.
Trong một cuộc họp báo hôm qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn khẳng định rủi ro nCoV tại Mỹ là “rất thấp”, do chính quyền Mỹ đã có nhiều biện pháp đối phó từ sớm, như hạn chế đi lại với người Trung Quốc. Ông cho biết Mỹ đã sẵn sàng ứng phó trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục lan rộng, và bổ nhiệm Phó tổng thống Mike Pence làm người phụ trách cuộc chiến chống Covid-19 ở nước này.
Chính phủ Mỹ hôm 25/2 trình quốc hội kế hoạch chi bổ sung 2,5 tỷ USD để phát triển vaccine, tăng dự trữ quốc gia và các thiết bị thiết yếu nhằm đối phó dịch bệnh. Tổng thống Mỹ còn tuyên bố ông sẵn sàng chi nhiều hơn nếu đảng Dân chủ muốn.
Số liệu mới nhất cũng cho thấy người tiêu dùng Mỹ không lo sợ trước diễn biến gần đây của dịch bệnh. Niềm tin tiêu dùng thậm chí tăng nhẹ trong tháng 2, theo tổ chức nghiên cứu Conference Board.
Dù vậy, việc này có thể thay đổi nhanh chóng theo các tin tức gần đây và đà sụt giảm của chứng khoán Mỹ. “Nếu thị trường tiếp tục mất 1.000 điểm mỗi ngày, mọi người sẽ hoảng loạn rất nhanh”, Zandi cho biết.
Nhà đầu tư đang kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) một lần nữa ra tay giải cứu bằng chính sách nới lỏng tiền tệ. Công cụ theo dõi CME FedWatch Tool cho thấy khả năng Fed hạ lãi suất tháng 6 là 80%. Tỷ lệ này tăng so với chỉ 28% cách đây một tháng.
Dù vậy, Fed không còn nhiều công cụ để đối phó dịch bệnh. Năm ngoái, họ đã hạ lãi suất 3 lần. Chỉ cần giảm 6 lần nữa với tốc độ tương tự, lãi suất tại Mỹ sẽ về 0%. Đây là mốc mà quan chức Fed nhiều lần nhấn mạnh rằng không muốn vượt qua.
“Đây là vòi chữa cháy không hề tương xứng với một cơn hỏa hoạn. Nếu chúng ta thực sự rơi vào suy thoái, và Covid-19 là một đại dịch, Fed sẽ hết dư địa rất nhanh”, Zandi cảnh báo.
Phóng viên (t/h)