Lao động GenZ có xu hướng nhảy việc nhiều hơn các thế hệ trước. Vậy làm cách nào để quản lý, giữ chân đội ngũ Gen Z nhằm phát huy tối đa sáng tạo của thế hệ này trong công việc đã và đang trở thành một thách thức lớn đối với rất nhiều doanh nghiệp.
Tìm kiếm sự thỏa mãn trong công việc
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, đến năm 2025, thế hệ Gen Z (lao động trẻ sinh năm từ 1997 trở lại đây) sẽ đóng góp 1/3 lực lượng trong độ tuổi lao động tại Việt Nam. Nhóm lao động này được đánh giá là một thế hệ sáng tạo, nhanh nhạy và am hiểu công nghệ. Tuy nhiên họ cũng có những kì vọng và suy nghĩ khác so với các thế hệ nhân sự trước.
Thế hệ Gen Z coi trọng sự thỏa mãn và ý nghĩa trong công việc. Họ mong muốn công việc không chỉ mang lại thu nhập mà còn phải phù hợp với giá trị cá nhân, cho phép họ phát triển bản thân và tạo ra tác động tích cực. Nếu công việc hiện tại không đáp ứng được những kỳ vọng này, họ sẵn sằng tìm kiếm môi trường thật sự phù hợp với mình.
Bạn Nguyễn Đức Minh (sinh năm 2000, tại Hà Nội) đã “nhảy việc” bốn lần trong năm để tìm kiếm môi trường mới phù hợp hơn cho bản thân. Tuy nhiên, khi phải đối mặt với những định kiến như: thiếu kiên nhẫn, quá đề cao cái tôi… Minh hoàn toàn phủ nhận và cho rằng đây là một quan niệm sai lầm.
Chia sẻ về điều này, Minh cho biết: “Bản thân là một người trẻ tuổi nên em luôn muốn có nhiều cơ hội để tìm kiếm môi trường thật sự phù hợp với mình để có thể phát triển nhanh chóng trong sự nghiệp. Môi trường làm việc lý tưởng mà em hướng tới sẽ có những trải nghiệm đa dạng để em có thể phát triển bản thân, trao dồi kĩ năng và mở rộng mối quan hệ. Đặc biệt là những công ty có lộ trình thăng tiến rõ ràng, lãnh đạo công ty có tư duy trẻ trung nhằm giúp gắn kết mạnh mẽ với nhân viên, có sự lắng nghe, đồng cảm và thấu hiểu nhân sự của mình”.
Còn với bạn Lê Yến Nhi (sinh năm 2001, quận Tây Hồ, Hà Nội) hiện đang làm tại một công ty Startup về truyền thông cho rằng, công việc nào cũng có những áp lực riêng, khả năng chịu áp lực công việc của mỗi người là khác nhau. Tuy nhiên, áp lực đó sẽ hạ nhiệt nếu như những bày tỏ, chia sẻ của GenZ được nhà quản lý lắng nghe và đưa ra những phương án xử lý phù hợp.
Giải pháp giữ chân GenZ
Để giữ chân lao động Gen Z, các doanh nghiệp cần áp dụng những giải pháp linh hoạt và sáng tạo phù hợp với đặc điểm và nhu cầu của thế hệ này. Theo chị Nguyễn Bích Phượng – Giám đốc kinh doanh của một công ty sáng tạo phần mềm có tới 70% nhân sự Gen Z cho biết, chị đánh giá rất cao vai trò của đội ngũ nhân sự này trong việc thúc đẩy doanh số của công ty.
“Nhóm nhân sự thế hệ trẻ này học viêc rất nhanh và có tư duy, khả năng sáng tạo linh hoạt, nhạy bén. Nhưng bên cạnh đó, các bạn trẻ GenZ cũng thể hiện được những cá tính khá riêng của mình, đôi khi có cái tôi rất cao, nếu không được đáp ứng nhu cầu như mong muốn sẽ sẵn sàng nhảy việc bất cứ lúc nào. Đây chính là khó khăn lớn nhất của công ty khi đào tạo lứa nhân sự này. Để giữ chân nhân sự Gen Z và giải bài toán quản lý nhân sự, công ty đã cố gắng tạo một môi trường làm việc trẻ trung, năng động, thời gian làm việc linh hoạt, thiết lập các chương trình đào tạo để GenZ có cơ hội học hỏi và phát triển bản thân. Bên cạnh đó, công ty còn xây dựng các kênh giao tiếp mở, các buổi làm việc “café work” để các bạn có thể thoải mái chia sẻ ý kiến, đóng góp ý tưởng sáng tạo của mình“, chị Phượng chia sẻ.
Chị Nguyễn Thái Hà, trưởng phòng nhân sự công ty tuyển dụng tại Hà Nội cho biết: “Để thu hút nguồn nhân lực trẻ hiện nay, các doanh nghiệp phải có những chính ưu đãi, lương thưởng hấp dẫn, cung cấp các gói phúc lợi toàn diện bao gồm bảo hiểm, chế độ nghỉ phép minh bạch, tạo cơ hội cho nhân sự có cơ hội phát triển năng lực của mình. Tổ chức các hoạt động xây dựng đội ngũ, sự kiện công ty để tăng cường sự gắn kết giữa các nhân viên từ đó thúc đẩy môi trường làm việc đa dạng và bao dung, nơi mọi người đều cảm thấy được tôn trọng và có giá trị. Bên cạnh đó, mỗi năm các doanh nghiệp nên tổ chức kỳ thi nâng bậc cho tất cả người lao động. Đặc biệt, cân nhắc những người trẻ có năng lực lên làm vị trí quản lý sau 3-5 năm làm việc”.
Việc tạo ra một môi trường làm việc phù hợp với những nhu cầu và giá trị của GenZ không chỉ giúp doanh nghiệp thu hút được nguồn nhân lực chất lượng mà còn giữ chân được những tài năng trẻ đầy tiềm năng trong thế hệ này.
Diệu Linh