17/07/2024 9:39:03

Tăng cường chính sách quốc gia đối với lao động có trình độ GDNN, giải pháp phân luồng học nghề

Vài năm gần đây lĩnh vực giáo dục nổi lên những nghịch lý khiến xã hội bức xúc đó là tình trạng những đứa trẻ vừa thoát mầm non tiền tiểu học muốn vào lớp 1 phải học trước, phải thi đầu vào, phải “chọi” nhau với tỷ lệ cao ngất ngưởng. Học sinh thi  vào  lớp 10 còn khó hơn thế nữa. Phụ huynh có con thi được vào lớp 10 công lập thì cả họ ăn mừng như có con đỗ đại học cách đây chục năm.

Ngược với tình trạng trên là vào đại học lại quá dễ,  không phải thi. Nhiều trường ĐH nhất là các trường top 2 top 3 học sinh chỉ cần có học bạ đạt điểm trung bình 5 là vào ĐH. Sự dễ rãi trong chính sách tuyển sinh đại học đang là một trong những  trở ngại gây khó cho việc đạt các mục tiêu phân luồng học sinh học nghề mà chính sách của Đảng Nhà nước đã đề ra.

Học sinh THCS trải nghiệm nghề nấu ăn tại Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa Vũng Tàu

Chính sách nhiều, thực thi khó, vì sao ?

Giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển đất nước trong bối cảnh CMCN 4.0 là lĩnh vực được Đảng Nhà nước ta quan tâm từ rất sớm trong đó đặc biệt là vấn đề phân luồng học sinh học nghề với nhiều chỉ thị nghị quyết và mục tiêu rất cụ thể.

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X đã xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2006 – 2010 là: “…bảo đảm công bằng về cơ hội học tập cho mọi người, tạo điều kiện để toàn xã hội học tập và học tập suốt đời…; Hoàn chỉnh và ổn định lâu dài hệ thống giáo dục quốc dân (HTGDQD); chú trọng phân luồng đào tạo sau THCS; bảo đảm liên thông giữa các cấp đào tạo… Yêu cầu về tăng cường PLHS sau THCS tiếp tục được đề cập tại Chỉ thị số 10-CT/TW của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập GDTH và THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xóa mù chữ cho người lớn.  Đặt mục tiêu phấn đấu có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề..
Tiếp đến Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 14/11/2013 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã khẳng định mục tiêu: “…Bảo đảm cho học sinh có trình độ THCS có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS, THPT phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng….”.

Ngày 14.5.2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 522/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025”. Quyết định số 522/QĐ-TTg đã hướng dẫn rất rõ về đối tượng phân luồng và mục tiêu cụ thể được đặt ra đến năm 2025 có ít nhất 40% HS tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.

SV Cao đẳng Cơ điện Phú Thọ được học, thực hành trên các thiết bị số hiện đại

Đặc biệt Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2030 thu hút 50 – 55% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động….”

Mặc dù chủ trương phân luồng đã được thể chế hóa trong luật giáo dục và các chỉ thị nghị quyết của Đảng, chính phủ, tuy nhiên cho đến nay phân luồng học sinh học nghề vẫn chưa đạt các mục tiêu đặt ra. Bàn về nguyên nhân, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh rào cản về tâm lý bằng cấp là các chính sách tuyển sinh đại học, chính sách trả lương đối với người có bằng cấp GDNN còn nhiều bất cập.

Theo PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, chính sách tuyển sinh đại học đã có tác động không nhỏ tới việc PLHS sau THCS vào hệ thống GDNN.

Bà Loan dẫn chứng:Thực tiễn những năm qua, từ khi Bộ GD&ĐT thực hiện đồng thời chính sách thi tuyển sinh ĐH với điểm sàn chung thấp và xét tuyển sinh ĐH thông qua xét điểm học bạ THPT thì cơ hội để học sinh tốt nghiệp THPT vào học ĐH được mở rộng. Hệ lụy là luồng HS tốt nghiệp THCS và THPT vào hệ thống GDNN thấp, các cơ sở GDNN càng khó khăn hơn trong tuyển sinh, trong thu hút học sinh vào học.

Thực trạng này khiến cho PLHS sau THCS và THPT không đạt được mục tiêu đặt ra. Trong khi đó, quy mô đào tạo ĐH ở nước ta những năm qua tăng quá nhanh (tăng 10 – 15% mỗi năm), trong khi các điều kiện đảm bảo chất lượng về chương trình đào tạo, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và phương tiện dạy học đại học v.v… còn rất hạn chế”.

Cần tăng cường chính sách quốc gia với người lao động có trình độ giáo dục nghề nghiệp

Những năm gần đây sự kết hợp giữa các trường THCS và THPT với các cơ sở GDNN trong công tác tư vấn hướng nghiệp học sinh đã được đẩy mạnh khá hiệu quả, mặc dù gặp không ít khó khăn trở ngại.

Trong đó khó nhất vẫn là tâm lý muốn con cái học lên cao, có bằng cấp đại học. Mới đây một clip có nick name Người đàm phán được lan truyển rộng rãi trên mạng xã hội (facebook) với nội dụng “phụ huynh bức xúc khi thầy hiệu trưởng lúc nào cũng tư vấn và hướng học sinh vào trường nghề khi chưa thi cấp 3”.

Clip ghi lại cảnh tại hội nghị tư vấn hướng nghiệp của một trường THCS với nhiều phụ huynh học sinh của xã Đào Mỹ (thuộc huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang – PV) một phụ huynh nam bày tỏ “rất bức xúc” và phê phán gay gắt việc tư vấn của nhà trường hướng con họ vào trường nghề quá sớm. Theo nam phụ huynh này, cá nhân ông và các phụ huynh khác trong hội nghị rất bức xúc  với việc tư vấn hướng con em họ vào trường nghề làm con họ nản chí học tập lên bậc cao hơn. “Học tài, thi phận” hãy để con em chúng tôi học lên, khi nào không học được lên nữa lúc đó mới vào trường nghề cũng không muộn” – phụ huynh này nói. Theo phụ huynh này “việc học nghề chỉ là xóa mù chữ”, vậy nên không cần nhà trường phải tư vấn hướng nghiệp.

Không chỉ vậy, cách đây vài tháng, Đài THVN trên VTV1 cũng đưa tin phản ánh những kiến nghị của phụ huynh về việc phân luồng học sinh vào trường nghề là tước mất cơ hội học lên của con em họ. Bản tin không có sự phân tích, định hướng dư luận về chủ trương chính sách phân luồng của Đảng nhà nước nên dễ gây sự hiểu lầm đối với hoạt động tư vấn hướng nghiệp và thực hiện chính sách phân luồng học nghề của một số địa phương.

Thay đổi tâm lý “bằng cấp” không dễ và không hiệu quả nếu chỉ tuyên truyền suông. Nhu cầu “học nữa học mãi”,  học lên là nhu cầu chính đáng của con người, nhu cầu này cũng đã được thừa nhận, khuyến khích và  thể chế hóa trong hệ thống chính sách pháp luật về giáo dục của Việt Nam.

Vấn đề là học  nữa thế nào, học mãi thế nào để đúng với sở trường năng lực của mỗi cá nhân, đề không bị lãng phí quá trình đầu tư cho việc học và quan trọng nhất để con người có thể mưu sinh bền vững với việc học, thông qua đó đóng góp cho sự phát triển của xã hội .

PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, giải pháp quan trọng nhất trong các giải pháp điều tiết phân luồng đó là nhà nước cần tăng cường các chính sách quốc gia đối với người lao động có trình độ GDNN.

Cụ thể chính phủ cần nghiên cứu, đổi mới các chế độ, chính sách về lao động, việc làm, chính sách lương và các chính sách đãi ngộ khác đối với người lao động có trình độ GDNN để đảm bảo cuộc sống vật chất và tinh thần, chính sách tôn vinh, khuyến khích, đãi ngộ và động viên họ tự hào gắn bó và cống hiến với nghề nghiệp đã chọn.

Cùng với việc đổi mới các chính sách trong đào tạo nhân lực, nhà nước và các cơ quan, doanh nghiệp cần đổi mới chính sách tuyển dụng nhân lực, chuyển trọng tâm từ tuyển dụng dựa trên bằng cấp sang tuyển dụng dựa theo nhu cầu về vị trí việc làm, dựa vào năng lực thực tế của các ứng viên.

Hoài Phương