Trong làn sóng “bỏ phố về quê” của người trẻ tuổi hai năm trở lại đây, có những người chọn về quê để bớt bon chen, sống đời bình đạm. Cũng có người bỏ phố nhưng mang giấc mơ, khát vọng sôi nổi về một tương lai sáng sủa hơn cho làng quê – họ là những người trẻ về quê để khởi nghiệp bằng kinh nghiệm, kiến thức và công nghệ mới sau nhiều năm tích lũy từ thành phố.
Khởi nghiệp Sống Xanh
Anh Nguyễn Hoài Lộc (sinh năm 1992, ngụ xã Đức Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) là một trong những người trẻ như thế khi chọn tài nguyên là nông sản quê nhà để khởi nghiệp Sống Xanh. Khởi nghiệp Sống Xanh cũng là tên công ty của anh Lộc thành lập khi quay về Tân Trụ, Long An sau gần 10 năm bươn chải ở thành phố Hồ Chí Minh.
Công ty TNHH Khởi nghiệp Sống Xanh ra đời từ ý tưởng của cả 2 vợ chồng anh Lộc. Qua thử nghiệm nhiều loại trái cây, anh Lộc nhận thấy dâu tằm – một loại nông sản có nguồn cung dồi dào từ chính làng quê mình mang lại nhiều lợi ích cho hệ tiêu hóa, tim mạch,… nên anh đã chọn kết hợp Kombucha với dâu tằm để tạo ra sản phẩm bia dâu tằm. Đây cũng là sản phẩm chủ lực của công ty. Ngoài ra, anh còn cho ra mắt nhiều dòng thức uống Kombucha như trà ổi hồng, trà vải, trà dâu,…
Thành phần chính để làm trà Kombucha là trà, đường và con giống nấm men Scoby (Symbiotic Colony of Bacteria and Yeast, nghĩa là cộng sinh của vi khuẩn và nấm men). Trong quá trình lên men, Scoby làm phá vỡ cấu tạo của carbohydrate có trong đường và giải phóng vi khuẩn probiotic (một dạng vi khuẩn và nấm men có lợi cho hệ tiêu hóa). Kết quả tạo nên một thức uống có chứa hàm lượng cao axit, như acetic, gluconic và lactic cùng với vitamin B và enzyme.
Trước đây, Kombucha chủ yếu được biết trong những người ăn chay hoặc cần chữa bệnh, giống như một loại thuốc – thực phẩm nên người khỏe mạnh ít để ý đến, vì vị không ngon, chỉ có mỗi trà và con nấm. Tuy nhiên khi được nghiên cứu kỹ lưỡng và kết hợp với trái cây tự nhiên giàu dinh dưỡng, những sản phẩm kombucha Dâu tầm, trái cây các loại đều có hương vị cuốn hút và dễ uống, độ cồn thấp. Nhiều khách hàng dùng qua sản phẩm của công ty Sống Xanh có cùng nhận định đây là thức uống phù hợp cho các buổi tiệc thay vì các đồ uống bia, rượu có nồng độ cồn mạnh khác. Sản phẩm của công ty anh Lộc từ đó nhanh chóng được thị trường đón nhận.
Với kinh nghiệm hơn 10 năm làm giáo viên tiếng Anh và khả năng giao tiếp tốt, đồng thời với phát triển sản xuất, anh Lộc xây dựng các kênh YouTube, TikTok,… và nhanh chóng thiết lập được mối quan hệ với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Long An. Qua đó, sản phẩm được quảng bá, giới thiệu nhiều hơn, nhanh hơn đến người tiêu dùng.
Anh Lộc kể về kỷ niệm ngày đầu tiên mở địa điểm trưng bày sản phẩm: “Hôm đó, có một cô lớn tuổi ghé mua uống thử, cô nói chai trà lên men tự nhiên ngon vậy mà có 10.000 đồng/chai rẻ quá nên mua thêm để dùng dần”. Đó chính là động lực để anh tiếp tục cố gắng. Giá các sản phẩm thức uống đóng chai của công ty anh dao động từ 10.000 – 30.000 đồng/chai.
Anh Lộc cũng tích cực tham gia các hoạt động thương mại nhằm giao lưu và giới thiệu sản phẩm như “Tuần lễ xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP”, “Tập huấn phát triển ngành nghề nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới”,… để đưa sản phẩm đến gần hơn với khách hàng.
Mở rộng kinh doanh gia tăng giá trị cho nông sản quê nhà
Bước đầu, công ty Khởi nghiệp Sống Xanh của anh Hoài Lộc đã góp phần giải quyết việc làm mới cho 8 lao động địa phương với năng lực sản xuất 400 – 500 chai trà Kombucha các loại/ngày. Anh Lộc chia sẻ, đây chỉ là giai đoạn khởi động cho khát vọng khởi nghiệp từ làng của mình.
Sinh ra và lớn lên ở khu vực Hàng Cau, Tân Trụ một nơi có nhiều phong cảnh đẹp, điểm đến sinh thái hấp dẫn lại liền kề TP.HCM, anh mong muốn phát triển mạnh hơn quy mô sản xuất và tạo thêm điểm nhấn về du lịch nông nghiệp tại quê mình.
“Ước mơ của tôi là tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, nhân rộng vùng nguyên liệu trong nông dân địa phương để tạo cảnh quan cho du khách thưởng ngoạn khi đến thăm Tân Trụ, Long An. Đồng thời, thay đổi tập quán sản xuất, đem lại sinh kế cho người dân từ việc trồng và chế biến sâu các sản phẩm từ nông sản” anh bộc bạch.
Anh Lộc cho biết, anh đã đầu tư 500 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng sản xuất và vận hành cửa hàng bán và giới thiệu trà Kombucha tại địa phương. Hiện anh đã đăng ký nhãn hiệu cho trà Kombucha đang sản xuất là “Trà Cơm” và đang hoàn tất các thủ tục để xây dựng dòng sản phẩm “Trà dâu tằm” thành sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm), cũng như mở rộng quy mô sản xuất.
Có thể nói, hành trình khởi nghiệp của anh Nguyễn Hoài Lộc cũng như rất nhiều người trẻ trong làn sóng “bỏ phố về quê” mới ở giai đoạn bước đầu. Tuy nhiên, việc mạnh dạn áp dụng khoa học, kỹ thuật vào các mô hình chế biến sâu nông sản và tâm huyết của họ thực sự là luồng gió mới cho kinh tế nông thôn. Những mô hình, ý tưởng khởi nghiệp của người trẻ về từ phố đang góp phần giúp nhiều nông dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từng bước làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.
Trần Quyền