06/12/2023 9:59:33

Lao động làm việc ở nước ngoài góp phần phát triển kinh tế và hình ảnh đất nước

Việt Nam có lực lượng lao động, tu nghiệp sinh, thực tập sinh, chuyên gia ra nước ngoài đông đảo, góp phần làm gia tăng quy mô cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài từ 5,3 triệu người năm 2021 lên 6 triệu người năm 2023.

NLĐ đi làm việc nước ngoài thực hiện mục tiêu phát triển đất nước

Theo bà Vũ Thị Huỳnh Mai – Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP. Hồ Chí Minh thì lĩnh vực đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội của địa phương nói riêng và cả nước nói chung, và quảng bá hình ảnh và những giá trị tốt đẹp của đất nước, văn hóa và con người Việt Nam đến cộng đồng quốc tế. Sau khi trở về nước, nhiều người tiếp tục tham gia có hiệu quả vào thị trường lao động trong nước với tinh thần, ý thức trách nhiệm và năng lực, trình độ, kỹ năng tay nghề cao.

Bà Vũ Thị Huỳnh Mai – Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP. Hồ Chí Minh.

“Tuy nhiên, trong các chuyến công tác cộng đồng người Việt ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan … chúng tôi nhận thấy công tác kết nối giữa cơ quan Ngoại giao Việt Nam ở nước sở tại với cơ quan quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động ở trong nước, với các công ty xuất khẩu lao động trên địa bàn Thành phố chưa phát huy hết hiệu quả trong công tác quản lý, bảo hộ công dân; công tác chuẩn bị các thông tin về văn hóa xã hội nước sở tại cho người chuẩn bị đi chưa đầy đủ; công tác thông tin về tình hình người lao động đi làm việc ở nước ngoài trái phép, vi phạm pháp luật của nước sở tại, bỏ hợp đồng hoặc khi hết hạn hợp đồng không về nước chậm được thông tin về cơ quan quản lý ở trong nước; năng lực của một số tổ chức, doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu…” – bà Mai nói

Qua đó, bà cũng cho rằng việc thiết lập một kênh liên lạc hợp tác hiệu quả và bền vững giữa các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp trong việc quản lý và bảo vệ quyền lợi của NLĐ và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài là hết sức cần thiết. Sự hợp tác tốt sẽ giúp giải quyết nhiều thách thức và đem lại nhiều cơ hội cho NLĐ và chuyên gia. Ngoài ra, cũng nên tìm hiểu, nghiên cứu về tình trạng của NLĐ và chuyên gia Việt Nam tại nước sở tại, những khó khăn và thách thức mà họ đang đối mặt cũng như cơ hội để cải thiện, nâng cao các chương trình và dự án liên quan đến xuất khẩu lao động…

Trong Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới có nêu rõ: “Xác định công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là góp phần phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động…, quảng bá văn hóa, hình ảnh tốt đẹp đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Đồng thời là cơ hội học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và tác phong làm việc chuyên nghiệp cho lao động Việt Nam, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao sau khi về nước…”. Như vậy, Chỉ thị đã khẳng định rõ nhiệm vụ nâng cao chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài không chỉ phục vụ mục tiêu tăng thu nhập, đem lại nguồn lực cho đất nước, mà chính là góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về lâu dài, là một trong ba khâu đột phá quan trọng thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước từ nay đến năm 2045.

Khẳng định rõ với mục tiêu trên, ông Nguyễn Mạnh Đông – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài – Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, “yêu cầu này ngày càng trở nên cấp thiết hơn khi chúng ta đã có lực lượng lao động, tu nghiệp sinh, thực tập sinh, chuyên gia ra nước ngoài đông đảo, góp phần làm gia tăng quy mô cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài từ 5,3 triệu người năm 2021 lên 6 triệu người năm 2023”.

TP. Hồ Chí Minh – nơi cung cấp nguồn lao động chuyên gia kỹ thuật cao

Tại TP. Hồ Chí Minh là một địa phương có tiềm năng lớn về hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, với nguồn cung lao động dồi dào, nhiều chuyên gia kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, đó là tiềm năng để thành phố đẩy mạnh hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội cả trước mắt và lâu dài.

Lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài được đánh giá cao về tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi và tiếp thu công việc nhanh

Theo thông tin từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh thì hiện thành phố có 70 doanh nghiệp được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Trước năm 2020, bình quân mỗi năm các doanh nghiệp đã đưa từ 10.000 -14.000 người đi làm việc ở nước ngoài. Từ năm 2020 cho đến nay, do ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19, các nước hạn chế tiếp nhận lao động nước ngoài để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, do đó số lượng lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài giảm mạnh. Thu nhập bình quân hàng tháng của NLĐ khoảng từ 15 – 28 triệu đồng. NLĐ đi làm việc chủ yếu là lao động chưa qua đào tạo, phần lớn là lao động phổ thông làm công việc giản đơn, số lao động có trình độ từ trung cấp trở lên chiếm tỷ lệ chưa cao.

Đặc điểm của lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài được người sử dụng lao động đánh giá cao về tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi và tiếp thu công việc nhanh. Ở những thị trường lao động truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc chủ sử dụng rất thích sử dụng lao động Việt Nam bởi sự khéo léo, chăm chỉ và thích nghi nhanh.

Song, vẫn còn một số hạn chế mà theo bà Huỳnh Lê Như Trang – Phó Giám đốc Sở LĐTB & XH TP. Hồ Chí Minh, về phía doanh nghiệp vẫn còn thiếu kinh nghiệm trong việc phát triển các thị trường mới, chưa có nguồn lao động trong nước hợp lý và chủ động, một số lĩnh vực đưa NLĐ đi làm việc không yêu cầu chuyên môn kỹ thuật dẫn đến việc NLĐ làm những công việc giản đơn hoặc lao động phổ thông tại các nước tiếp nhận.

“Quy mô hoạt động của một số doanh nghiệp còn nhỏ, đội ngũ nhân sự làm công tác tư vấn, công tác chuyên môn tại một số doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm để tư vấn cho NLĐ trước khi quyết định tham gia thị trường lao động cũng như thực hiện hồ sơ tiến hành làm thủ tục xuất cảnh theo quy định. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp dẫn đến NLĐ phải chịu nhiều chi phí để đi làm việc ở nước ngoài. Công tác bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho NLĐ chưa đạt yêu cầu, nội dung phổ biến chưa đầy đủ, phổ biến không đúng sự thật, không phổ biến các nội dung cần thiết về chi phí cần thiết, quyền lợi của NLĐ, tính chất công việc phức tạp của công việc NLĐ phải làm ở nước ngoài” – bà Huỳnh Lê Như Trang nói.

Bên cạnh đó, tình trạng NLĐ hết hạn hợp đồng lao động không về nước đúng thời hạn, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp hoặc không thực hiện hợp đồng bỏ trốn ra ngoài làm việc, vi phạm pháp luật nước sở tại đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến cơ hội tìm kiếm việc làm và thu nhập của nhiều NLĐ và gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của các doanh nghiệp cũng như hình ảnh của đất nước.

Ngoài ra, với mong muốn nhanh chóng đi làm việc ở nước ngoài mà không yêu cầu bất kỳ điều kiện về độ tuổi, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ dẫn đến việc NLĐ dễ bị các tổ chức, cá nhân hứa hẹn, thu tiền dịch vụ cao nhưng không đưa được NLĐ đi làm việc ở nước ngoài hoặc hứa hẹn giới thiệu làm việc nhẹ lương cao.

Người lao động làm việc ở nước ngoài góp phần phát triển kinh tế và quảng bá hình ảnh giá trị tốt đẹp của đất nước

Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh lao động các nước

Làm thế nào để nâng cao năng lực cạnh tranh với lao động các nước khác đi làm việc ở nước ngoài, giữ gìn hình ảnh lao động Việt Nam tại các thị trường truyền thống, xây dựng hình ảnh lao động Việt Nam tại các thị trường mới, bà Huỳnh Lê Như Trang – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. Hồ Chí Minh cho rằng đầu tiên cần quan tâm tới công tác tạo nguồn lao động chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong và ngoài nước thông qua các chương trình, kế hoạch đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Song song đó, cần tăng cường công tác giám sát, thanh kiểm tra việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, xử lý nghiêm những doanh nghiệp vi phạm. Đặc biệt, cần phối hợp để kết nối các doanh nghiệp hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài với các trường nghề đề đào tạo nguồn lao động có chất lượng đưa đi làm việc ở nước ngoài, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của đối tác nước ngoài.

Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền tránh việc người lao động không nắm bắt đầy đủ thông tin dẫn đến tình trạng bị lừa gạt, mất tiền cho các tổ chức, cá nhân khi có hứa hẹn đưa đi làm việc ở nước ngoài.