Thị trường chứng khoán diễn biến tiêu cực trong phiên đầu tuần khi VN-Index đi dưới tham chiếu suốt thời gian giao dịch, sau đó chốt tại 930,7 điểm. Việc mất hơn 10 điểm đến từ sức ép bán mạnh tại nhóm cổ phiếu ngân hàng, trong khi hoạt động mua vào yếu. Hàng loạt cổ phiếu trụ của rổ VN30 cũng chìm trong sắc đỏ, chỉ le lói vài điểm sáng như CTD, ROS giữ mạch tăng trần phiên thứ hai liên tiếp.
Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán với 220 mã giảm điểm và thanh khoản xuống thấp hơn mức bình quân 20 phiên gần nhất. Điều này cho thấy nhà đầu tư đã thận trọng hơn khi thị trường toàn cầu đang trở nên phức tạp.
Sau ba phiên phục hồi từ đáy do ảnh hưởng bởi dịch viêm phổi, VN-Index chạm vùng kháng cự và quay đầu dứt khoát. Trạng thái này xác nhận nhịp hồi phục ngắn hạn đã kết thúc.
Theo nhóm phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), chỉ số có thể hình thành dao động đi ngang, thậm chí tiêu cực hơn là kéo dài mạch giảm trong bối cảnh vắng thông tin hỗ trợ. Dao động này được giới hạn bởi vùng hỗ trợ 920-922 điểm và vùng kháng cự 936-942 điểm. Bất kỳ sự phá vỡ nào tại hai điểm cận cũng mở ra một nhịp biến động mới cho thị trường.
Trước khi phát tín hiệu rõ nét hơn cho xu hướng mới, VN-Index hôm nay được dự báo tiếp tục giằng co mạnh và tích luỹ trong vùng 920 điểm nhằm ổn định mặt bằng giá mới. Các thông tin tích cực được giới quan sát kỳ vọng sớm xuất hiện để đưa chỉ số bứt qua vùng này.
Dòng tiền đầu tư dài hạn đang cho thấy sự trở lại nhưng khá dè dặt, cộng thêm tâm lý thận trọng tại những thị trường trong khu vực, nhà đầu tư được các công ty chứng khoán khuyến nghị không nên mua đuổi. Việc tăng dần tỷ trọng ở những mã cổ phiếu có nền tảng tốt chỉ nên thực hiện trong những nhịp điều chỉnh. Đối với những cổ phiếu đã tăng trưởng mạnh, nhà đầu tư được khuyên chia lệnh chốt lời khi chỉ số hồi phục.
Trong khi đó chỉ số S&P 500 và Nasdaq hôm qua lập đỉnh, khi người Trung Quốc đi làm lại và các nhà máy dần mở cửa sau đợt nghỉ Tết kéo dài.
Chốt phiên đầu tuần (10/2), chỉ số DJIA tăng 0,6% lên 29.276 điểm. S&P 500 tăng 0,73% lên kỷ lục 3.352 điểm. Mạnh nhất là Nasdaq Composite với 1,13% lên 9,628 điểm.
Trong 11 nhóm ngành lớn thuộc S&P 500, chỉ năng lượng là đi xuống. Nhóm cổ phiếu công nghệ tăng mạnh nhất, với Amazon, Microsoft và Alphabet.
Mùa báo cáo kết quả tài chính tại Mỹ cũng sắp kết thúc. Đến nay, 324 công ty đã công bố. 70% số đó có kết quả vượt dự kiến.
Lo ngại về virus corona khiến nhà đầu tư gần đây chùn chân phần nào. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) còn cảnh báo việc lây nhiễm ngoài Trung Quốc có thể “châm ngòi cho ngọn lửa lớn hơn”.
Dù vậy, báo cáo tài chính lạc quan, số liệu kinh tế Mỹ tích cực và các biện pháp kích thích gần đây của Trung Quốc vẫn khiến chứng khoán Mỹ hấp dẫn. “Dòng tiền mà Trung Quốc bơm vào nền kinh tế sẽ đi ra cả thế giới. Tâm lý mua bán mọi thứ sẽ xuất hiện”, Paul Nolte – Giám đốc Danh mục Đầu tư tại Kingsview Asset Management nhận định, “Mỹ cũng đang tăng trưởng. Điều này giúp nhà đầu tư có thêm lý do đổ tiền vào Wall Street”.
Cổ phiếu Tesla hôm qua tăng 3,1% khi nhà máy tại Thượng Hải của hãng hoạt động trở lại. Foxconn cũng tái khởi động một nhà máy quan trọng tại Trung Quốc với 10% nhân lực. Việc này phần nào xoa dịu Apple, trong bối cảnh doanh số bán iPhone của hãng tại Trung Quốc được dự báo giảm tới 50% vì virus corona.
Phóng viên (T/h)