27/10/2023 9:23:12

Nâng cao nhận thức, xoá bỏ kỳ thị, giúp người khuyết tật tự tin, hoà nhập cộng đồng

Ngày 27/10, tại Hà Nội, Cục Bảo trợ Xã hội( Bộ LĐ, TB & XH) phối hợp cùng Uỷ ban quốc gia về người khuyết tật, một số đơn vị liên quan đã tổ chức chương trình tập huấn công tác truyền thông trong lĩnh vực người khuyết tật( NKT).

Bà Đinh Thị Thuỵ, Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban quốc gia về NKT chia sẻ tại chương trình tập huấn.

Đây là một trong những nhiệm vụ thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT, Luật NKT và chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021-2030.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Xã hội luôn quan tâm đến công tác NKT, đã ban hành, triển khai nhiều chủ trương, chính sách chăm lo, đảm bảo quyền và phát huy vai trò của NKT, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội và phát triển bền vững.

Công tác NKT đạt được nhiều kết quả đáng ghi  nhận. Nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể các cấp đối với NKT được nâng cao hơn, NKT ngày càng tự tin, thuận lợi hơn hoà nhập vào đời sống xã hội.

Chị Nguyễn Thị Minh, Hội NKT quận Bắc Từ Liêm- Hà Nội bày tỏ những khó khăn mà NKT phải đối diện.

Tuy nhiên, một số cấp uỷ đảng, chính quyền chưa quan tâm đầy đủ, thiếu sâu sát chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với NKT. Đời sống của một bộ phận không nhỏ NKT còn nhiều khó khăn, nhất là NKT đặc biệt nặng. Vẫn còn người khuyết tật chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ các chính sách trợ giúp của nhà nước về y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm…

Tháo gỡ những khó khăn, rào cản này, chương trình tập huấn truyền thông với mong muốn các đơn vị liên quan, các cơ quan truyền thông báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhiều hơn nữa, tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của NKT trong xã hội, cũng như tiếp cho NKT động lực vượt qua trở ngại của cuộc sống, hướng đến một xã hội tốt đẹp hơn.

Đại diện NKT, một số thành viên thuộc Hội NKT tại Hà Nội, Hội người khiếm thị đã chia sẻ những khó khăn nói chung của NKT phải đối diện, đặc biệt là sự phân biệt, đối xử kỳ thị của một bộ phận trong xã hội về mọi mặt của đời sống như: Hôn nhân, học tập, việc làm, thu nhập…đều bị thu hẹp.  Hay sự tiếp cận công nghệ số trong chuyển đổi số trong các phương thức giao dịch ngân hàng… cũng là hạn chế cần có sự hỗ trợ…v.v.

Tại buổi tập huấn, bà Đinh Thị Thuỵ, Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban quốc gia về NKT đã phổ biến các nội dung  văn bản liên quan  đến Công ước, Chỉ thị, Luật và Chương trình trợ giúp NKT. Đồng thời, phổ biến các thông tin cơ bản về NKT, định hướng báo chí truyền thông đưa tin về các chủ trương, chính sách, cơ chế ưu đãi về vay vốn, đẩy mạnh  trong các hoạt động đào tạo, tạo cơ hội việc làm cho NKT, giúp NKT vượt qua rào cản về khiếm khuyết bản thân, tạo việc làm tại chỗ và tự tin hoà nhập cộng. Mong muốn báo chí truyền thông, cùng các doanh nghiệp đồng hành cùng các hoạt động của NKT. Xã hội cần có sự thay đổi nhận thức, trao cho NKT những cơ hội để họ có môi trường vươn lên trong học tập, có được kỹ năng nghề nghiệp và được hòa nhập với thị trường lao động, tôn trọng NKT như những người lao động bình thường.

Mặt khác, bà Thuỵ cũng đề cập đến các yếu tố hạ tầng giao thông hỗ trợ NKT tham gia giao thông công cộng, hay tại các doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ tích cực về giảm giá vé đối với NKT. Về đời sống văn hoá, thể thao, NKT cần đẩy mạnh tuyên truyền nhiều hơn nữa trong các hoạt động thể thao quần chúng. Đặc biệt, đối tượng NKT là vận động viên thể thao cần được quan tâm, vinh danh, có được sự bình đẳng trong xã hội.

Khó khăn lớn nhất đối với NKT là phần lớn trình độ, kỹ năng ở trình độ thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, vị trí việc làm tại các doanh nghiệp. Ngay cả cả các doanh nghiệp cũng rất ngại nhận NKT vào làm việc, bởi phải thay đổi rất nhiều kết cấu, công cụ hỗ trợ sinh hoạt, làm việc. Bởi vậy, NKT phải đối diện với những khó khăn về lao động, việc làm, cần được đào tạo nghề phù hợp và tạo cho họ có việc làm, thu nhập ổn định.

Bà Nguyễn Vĩnh Quyên, nguyên phó TGĐ truyền hình quốc hội cho biết: Trong xã hội còn có sự phân biệt, kỳthị với NKT, quấy rối gắn với biệt danh đối với NKT. Những vướng mắc của NKT cần có tiếng nói của chính NKT và vai trò tích cực của truyền thông, truyền thông đúng và khuyến khích, truyền động lực và nghị lực sống cho NKT.

Bà Nguyễn Vĩnh Quyên, nguyên phó TGĐ truyền hình quốc hội nhấn mạnh vai trò của truyền thông, báo chí, góp phần cho cuộc sống của NKT ngày một tốt đẹp hơn.

Bà Quyên nhấn mạnh vai trò đặc biệt của truyền thông trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của xã hội đối với vấn đề NKT và có tác động tích cực đến quá trình hoà nhập của NKT.

Hình thức và nội dung mà các phương tiện truyền thông tuyên truyền có tác dụng làm cho xã hội hiểu rõ hơn những khó khăn trong thực tế mà NKT phải đối mặt. Từ đó làm thay đổi suy nghĩ, định kiến và cách hành xử gây ảnh hưởng không tốt cho NKT. Đồng thời, nhận thức đúng đắn về khả năng, đóng góp của NKT cho xã hội…

Bà Quyên đưa ra những nguyên tắc đưa tin khi viết về NKT: Phản ánh đúng sự thật, không bi kịch quá số phận, cũng không đề cao quá hoá NKT là những người yếu thế trong xã hội; Tiếp cận dựa trên quyền con người; Tôn trọng sự đa dạng, loại trừ định kiến, kỳ thị; Tuân thủ nguyên tắc đạo đức và an toàn; Đa chiều và công bằng; Sử dụng ngôn ngữ báo chí cần có sự chọn lọc và chuẩn xác theo quy định của pháp luật và mang tính phổ thông nhất.

Các bài báo thể hiện được tính chất công bằng, văn minh của xã hội trong xu thế hội nhập và phát triển, để tất cả mọi NKT đều có cơ hội thụ hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời có trách nhiệm đóng góp cho xã hội.

Có thể nói, sự tham gia của báo chí và các phương tiện truyền thông đã tạo nên môi trường thuận lợi hơn cho quá trình hoà nhập của NKT. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa vai trò của báo chí cần phản ánh đúng sự thật, có cái nhìn đa chiều, đứng trên nhiều góc độ để có sự phản ánh khách quan nhất.

Bình Minh