11/10/2023 10:23:30

CĐN Ninh Thuận: Tập huấn nâng cao năng lực Chuyển đổi số cho giảng viên

Ngày 11/10, trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận đã tổ chức chương trình tập huấn nâng cao năng lực trong công tác Chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường.

Buổi tập huấn nâng cao năng lực chuyển đổi số thu hút 30 giảng viên của nhà trường tham dự.

Đây là một trong những hoạt động thường xuyên, liên tục của nhà trường kể từ khi bị tác động ảnh hưởng của dịch Covid- 19, nhằm thích ứng, linh hoạt đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập, làm việc mọi lúc mọi nơi trên không gian số.

Phát biểu khai mạc chương trình tập huấn, thầy Nguyễn Phan Anh Quốc cho biết: Trong bối cảnh mới, cùng với cả nước thực hiện nhiệm vụ mục tiêu trong chương trình Chuyển đổi số quốc gia, lãnh đạo trường CĐN Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh đội ngũ cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên hưởng ứng, sáng tạo và ứng dụng chuyển đổi số trong giảng dạy, nghiên cứu và học tập. Từ đó, tạo ra những giá trị thiết thực, tiện ích cho mọi người. Buổi tập huấn thu hút trên 30 cán bộ, giảng viên của nhà trường tham dự.

Thầy Nguyễn Phan Anh Quốc, hiệu trưởng nhà trường phát biểu tại lễ khai mạc lớp tập huấn.
Thầy Nguyễn Phan Anh Quốc, hiệu trưởng nhà trường phát biểu tại lễ khai mạc lớp tập huấn.

Thông qua buổi tập huấn, các bài giảng chuyên đề về “ Tài sản số và Tài nguyên số trong Giáo dục Đại học”; chuyên đề “ Khung năng lực số” của Tiến sĩ Lê Phương Trường (Đại học Lạc Hồng) đã mang đến cho giảng viên trường CĐN Ninh Thuận những phương pháp lưu trữ tài sản số trên hệ thống LMS của nhà trường một cách tự chủ. Đồng thời, giải quyết được các vấn đề liên quan, cũng như hỗ trợ được những người xung quanh có phương pháp lưu trữ, bảo lưu dữ liệu thông tin giảng dạy, hay các lĩnh vực quản lý công việc giảng dạy, học tập của giảng viên, sinh viên trên hệ thống LMS.

Đặc biệt, bài giảng hướng tới cho đội ngũ giảng viên xây dựng được kho học liệu tài nguyên số, đáp ứng được nhu cầu giáo dục mở, linh hoạt. Theo đó, các tư liệu học, dạy và nghiên cứu trong bất kỳ phương tiện nào; ngân hàng học liệu không giới hạn trong môi trường công cộng hoặc được phát hành theo một giấy phép mở. Tài nguyên học liệu mở này sẽ cho phép mọi người cùng truy cập, sử dụng linh hoạt theo nhu cầu học tập của mỗi cá nhân.

Phổ biến kiến thức chuyên đề “Khung năng lực số”, tiến sĩ Lê Phương Trường đề cập đến một số khung năng lực số tại một số nước Châu Âu, Anh, Chi Lê cho thấy: Các nước này trao quyền cho người học thông qua sự thúc đẩy hợp tác giữa người học và người dạy học, cá nhân hóa người học đang là xu hướng phát triển. Bởi vậy, cần có sự hỗ trợ nâng cao năng lực số cho người học để giúp họ có phương pháp giải quyết các vấn đề. Các vấn đề về thông tin, giao tiếp và hợp tác trên nền tảng số, tạo nội dung số, an ninh, giải quyết trên nền tảng số… cũng được phát triển.

Ban Giám hiệu nhà trường và T.S Lê Phương Trường (giữa) chụp ảnh lưu niệm tại buổi khai mạc tập huấn.

Dẫn chứng đối với Việt Nam, theo nghiên cứu của PGS Dương Thị Kim Oanh (Trường Đại học sư phạm kỹ thuật T.P Hồ Chí Minh) cũng đưa ra khung năng lực sử dụng công nghệ vào dạy học trực tuyến. Trong đó các năng lực đều có tác động bổ trợ nhau: Năng lực hiểu sinh viên trong môi trường học tập trực tuyến; Năng lực thiết kế dạy học trực tuyến; Năng lực quản lý khóa học trực tuyến; Năng lực đánh giá kết quả học tập trực tuyến; Năng lực tổ chức hoạt động tích cực trong môi trường học tập trực tuyến; Năng lực phát triển học liệu số.

Thông qua chương trình tập huấn này, đội ngũ giảng viên nhà trường sẽ hướng tới từng bước xây dựng học liệu, bài giảng số, cũng như các dữ liệu trong quản trị số trong nhà trường đạt hiệu quả.

Thu Thủy