Thông tư có hiệu lực từ hôm nay 15/1. Điều 11 thông tư 67/2019 của Bộ Công an quy định người dân sẽ có 4 cách giám sát lực lượng công an trong công tác bảo đảm trật tự ATGT như sau:
Thứ nhất, giám sát thông qua các thông tin công khai của CAND và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Thứ hai, thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ.
Thứ tư, thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Đây là lần đầu tiên Bộ Công an có quy định chi tiết về hình thức giám sát thứ năm, đó là thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp.
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền và điều tra xử lý tai nạn giao thông (TNGT), Cục CSGT cho biết, thực tế trước khi Thông tư 67 có hiệu lực, khi còn là dự thảo, sau đó được Bộ trưởng Bộ Công an ký vào ngày 28/11/2019, Cục CSGT đã thông tin, tuyên truyền và giao nhiệm vụ cho CSGT tại tất cả các tỉnh thành trong cả nước.
Theo đó, từ sáng 15/1, cùng với thực hiện nghiêm các quy định trong công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đảm bảo an toàn, trật tự giao thông trên đường, CSGT trên cả nước sẽ áp dụng các điều khoản, quy định mới tại Thông tư 67.
Tuy nhiên, với nội dung ghi âm, ghi hình lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, thượng tá Nguyễn Quang Nhật cũng lưu ý: để người dân được giám sát thuận lợi và không gây ảnh hưởng đến công việc, thậm chí có thể gây ức chế cho lực lượng thực thi pháp luật, thông tư còn có quy định về việc ghi âm, ghi hình của người dân.
Cụ thể, tại mục 5 điều 11 nêu rõ: Khi thực hiện giám sát bằng hình ảnh, người dân phải đảm bảo các điều kiện, gồm : Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ khi đang thực thi nhiệm vụ; Ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông); Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan…
Theo điều 10 thông tư này, những việc nhân dân giám sát Công an nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông gồm: Việc thi hành các quy định của pháp luật trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; Việc chấp hành quy định của Bộ Công an về quy tắc ứng xử của cán bộ, chiến sỹ khi làm nhiệm vụ.
Việc nhân dân giám sát Công an nhân dân phải khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật, không được làm cản trở, ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, chiến sỹ.
Thông tư 67/2019 được đánh giá là một trong những quy định giúp ngăn chặn hiện tượng tiêu cực của lực lượng CAND khi thực hiện công tác đảm bảo trật tự ATGT, trong đó có CSGT.
Cho ý kiến về việc người dân được phép ghi âm, ghi hình CSGT làm việc, ông Nguyễn Sinh Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nói: Hoan nghênh quy định trên vì nó giúp cho mỗi tài xế, lái xe yên tâm hơn khi đi lại và có thể được phép ghi lại hình ảnh (nếu cần) khi bị lực lượng CSGT xử lý vi phạm trên đường.
“Trước đây việc này chưa được quy định rõ, thậm chí Cục CSGT còn có đề xuất quy định phải xin phép nên tài xế, lái xe muốn ghi lại hình ảnh để làm căn cứ báo cáo lại chủ doanh nghiệp hoặc đôi khi làm tư liệu, bằng chứng cho mình thường rụt rè, không dám công khai.
Nay Bộ Công an có quy định như vậy là rất đáng hoan nghênh, thể hiện sự dân chủ, công khai và văn minh”, ông Quyền nhấn mạnh.
Phóng viên (T/h)