Báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội mới đây cho biết trong nửa đầu của nhiệm kỳ, bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ NHCSXH lần thứ V, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra, NHCSXH đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Theo đó, trong kỳ, đã có 7,5 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH với tổng doanh số cho vay đạt 268.930 tỷ đồng và hơn 6,6 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.
Vốn tín dụng chính sách đã góp phần thu hút, tạo việc làm cho hơn 1,7 triệu lao động; giúp trên 167.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 3 triệu công trình nước sạch, vệ sinh nông thôn,…
Tính đến 30/6/2023, tổng nguồn vốn NHCSXH đạt 324.538 tỷ đồng, tăng 93.497 tỷ đồng so với 30/6/2020, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10%/năm.
Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 303.509 tỷ đồng, tăng 83.944 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 9,6%/năm.
Trong đó, dư nợ theo chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 240.222 tỷ đồng, tăng 50.723 tỷ đồng, hằng năm đều hoàn thành 100% kế hoạch tăng trưởng được giao. Riêng 6 tháng đầu năm 2023 hoàn thành 92% kế hoạch tăng trưởng năm 2023.
Nợ quá hạn và nợ khoanh là 1.907 tỷ đồng, chiếm 0,63%/tổng dư nợ.
Tín dụng chính sách đã trở thành kênh tín dụng quan trọng góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi./.
Hoàng Quân