Đây là nhận định được bà Vũ Thị Kim Hoa – Phó Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) đưa ra tại Lễ công bố Bản ghi nhớ – thỏa thuận hợp tác về phòng, chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam giai đoạn 2023- 2025 giữa Cục trẻ em cùng Quỹ từ thiện Bloomberg và Tổ chức Campaign For Tobacco-Free Kids (Chương trình vận động chính sách y tế toàn cầu – Hoa Kỳ).
Cách đây 5 năm, lần đầu tiên chương trình Phòng chống đuối nước trẻ em được thực hiện với hỗ trợ 2,1 triệu USD và can thiệp thí điểm tại 8 tỉnh có gánh nặng đuối nước trẻ em cao nhất cả nước.
Với sự chỉ đạo của Chính phủ, sự chung tay của các bộ ngành địa phương trong việc triển khai Chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em, tỉ lệ tử vong do đuối nước trong 5 năm qua có xu hướng giảm (cả về số mắc và số tử vong).
Chương trình đã hỗ trợ nhiều địa phương tiếp cận và thực hiện phù hợp 10 khuyến nghị về giải pháp, can thiệp phòng, chống đuối nước của Tổ chức Y tế thế giới, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và chuẩn hóa kỹ thuật dạy bơi an toàn, kỹ năng an toàn cho trẻ em, đồng thời, xây dựng và hoàn thiện chính sách, chương trình về phòng, chống tai nạn thương tích, phòng, chống đuối nước.
Trong 5 năm qua, chương trình đã đạt được kết quả đáng kể với 800 nhân viên nòng cốt và tuyến tỉnh được đào tạo chuẩn về bơi an toàn, phòng chống đuối nước; 29.849 trẻ từ 6 đến 15 tuổi được dạy bơi an toàn và 50.200 trẻ em được học kỹ năng an toàn trong môi trường nước tại trường học.
Cùng với đó, chương trình đã xây dựng 14 bể bơi thông minh, huy động 73 bể bơi địa phương để phục vụ các lớp dạy bơi an toàn cho trẻ đồng thời triển khai các lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, năng lực của cán bộ ngành giáo dục về quản lý và điều phối chương trình phòng, chống đuối nước trẻ em.
Tại một số địa phương, sau khi có can thiệp, kiến thức của người dân về vấn đề đuối nước có sự cải thiện rõ rệt: nhận thức về nguy cơ tử vong do đuối nước ở khu vực can thiệp tăng từ 63,3% lên 73,5%; nhận thức về nhóm tuổi trẻ bị đuối nước tăng từ 47,1% lên 68,1%.
Tuy nhiên, đuối nước vẫn là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em từ 5 đến 14 tuổi ở nước ta hiện nay. Trung bình có hơn 3.500 trường hợp tử vong do đuối nước mỗi năm, trong đó có gần 2.000 trẻ em.
Xuất phát từ thực tế đó, việc tăng cường, mở rộng phạm vi can thiệp của dự án phòng, chống đuối nước trẻ em trên toàn quốc càng trở nên cấp thiết, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, tham gia có hiệu quả của các ngành, đoàn thể, tổ chức quốc tế tạo thành mạng lưới liên ngành phòng, chống đuối nước.
Ngày 1/6/2023, thời điểm tròn 5 năm kể từ ngày thỏa thuận hợp tác đầu tiên có hiệu lực, Bộ LĐTB&XH, Quỹ từ thiện Bloomberg và Tổ chức Campaign For Tobacco-Free Kids, Hoa Kỳ công bố biên bản hợp tác về phòng, chống đuối nước cho trẻ em trong giai đoạn mới 2023-2025.
Theo đó, Quỹ từ thiện Bloomberg tiếp tục cam kết đồng hành, hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho Bộ LĐTB&XH triển khai Chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em giai đoạn 2023-2025 dựa trên Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bà Agarwal Vandana Shah, Phó Chủ tịch về tăng cường hệ thống y tế, Tổ chức CTFK/GHAI tại Hoa Kỳ, chia sẻ “Chúng tôi đánh giá cao những kết quả Việt Nam đã đạt được trong công tác phòng, chống đuối nước giai đoạn vừa qua, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Quốc hội, Chính phủ, Bộ LĐTB&XH. Chúng tôi cam kết đồng hành với Chính phủ Việt Nam thời gian tới nhằm đạt được mục tiêu về phòng, chống đuối nước đã đề ra.
Tôi hy vọng Việt Nam sẽ trở thành mô hình điểm thành công trên thế giới về năng lực của địa phương trong triển khai phòng, chống đuối nước trẻ em. Đặc biệt, Việt Nam sẽ xây dựng thêm nhiều quy định, chính sách quốc gia cụ thể để đảm bảo tính bền vững của chương trình”.
Về phía Việt Nam, bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục trẻ em tin tưởng với sự hỗ trợ kịp thời từ Quỹ từ thiện Bloomberg và Tổ chức Campaign For Tobacco-Free Kids, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu 50% trẻ em từ 6-15 tuổi biết bơi và 60% trẻ em được dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Đồng thời, bà Hoa cũng nhấn mạnh đây là món quà ý nghĩa dành cho trẻ em Việt Nam nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi và Tháng hành động vì trẻ em 2023.
Theo thỏa thuận hợp tác, chương trình sẽ đào tạo cho ít nhất 200 giảng viên, giám sát viên, hướng dẫn viên về bơi an toàn và kỹ năng an toàn trong môi trường nước; dạy bơi an toàn cho ít nhất 25.760 trẻ từ 6-15 tuổi.
Đồng thời, chương trình tiếp tục hỗ trợ tăng cường công tác phối hợp liên ngành phòng chống đuối nước trẻ em, nâng cao năng lực cho các bộ ngành, tổ chức và chỉnh sửa, chuẩn hóa để áp dụng các tài liệu, hướng dẫn về bơi an toàn và kỹ năng an toàn.
Bà Đoàn Thu Huyền, đại diện Tổ chức Campaign For Tobacco – Free Kids tại Việt Nam cho biết: “Đuối nước hoàn toàn có thể phòng chống nếu mỗi gia đình và cá nhân chủ động quan tâm hơn nữa và đảm bảo an toàn cho các con. Biết bơi là quan trọng nhưng không đủ, trẻ cần có kỹ năng an toàn trong môi trường nước để chủ động bảo vệ bản thân trong những tình huống xấu”.
PV