Thương mại điện tử là một ngành công nghiệp trẻ tại Việt Nam, đang trên đà phát triển lý tưởng. Đặc biệt, hơn 2 năm dịch Covid đã thay đổi thói quen mua sắm của đa số người tiêu dùng từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm online. Đây là một trong những đòn bẩy tạo ra những con số phát triển đáng kinh ngạc của ngành thương mại điện tử Việt Nam trong những năm gần đây.
Đại dịch COVID-19 xuất hiện đã làm “rung chuyển” ngành bán lẻ toàn cầu, khi hàng nghìn cửa hàng phải đóng cửa và một lượng lớn lao động trong lĩnh vực này bị mất việc làm. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để ngành bán lẻ dần thay đổi và từ đó, giúp củng cố lĩnh vực này bao gồm các khoản đầu tư lớn vào công nghệ, tạo ra các phương thức mới để kết nối với người tiêu dùng và tăng tốc độ phân phối các đơn hàng trực tuyến. Tại Việt Nam, đây được xem là một sự “chuyển mình” đáng kinh ngạc để thích ứng với bối cảnh thực tế của nhiều doanh nghiệp khi quyết định thay đổi mô hình kinh doanh theo những cách chưa từng có.
Sự phát triển bùng nổ của thị trường TMĐT tại Việt Nam
Theo kết quả tổng kết cuối năm, tình hình kinh doanh ngành bán lẻ năm 2022 cho thấy có nhiều sự khởi sắc về doanh thu, quy mô kinh doanh cũng như kênh bán hàng, vận chuyển và thanh toán. Kết quả đã ghi nhận sự phục hồi khá nhanh về doanh thu năm 2022.
Cụ thể, tỷ lệ nhà bán hàng có sự tăng trưởng doanh thu chiếm 37,72%, cao hơn năm 2021 (23,88%) và năm 2020 (30.7%). Số lượng nhà bán hàng có sự tăng trưởng trên 30% doanh thu chiếm 6,36%. Kết thúc năm 2022, khoảng 74,5% nhà bán hàng kỳ vọng thị trường năm 2023 sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng. Trong đó, 12,18% nhà bán hàng tin tưởng ngành bán lẻ chắc chắn sẽ tăng trưởng mạnh mẽ.
Năm 2022 đã chứng khiến sự thống trị của “tứ đại gia” trên thị trường TMĐT Việt Nam là Shopee, Lazada, Tiki và Sendo. Báo cáo của Metric (Nền tảng Số liệu TMĐT dành cho Doanh nghiệp, Thương hiệu và Nhà bán) cho biết, tổng doanh thu của 4 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam đạt mức 135.000 tỷ đồng, có 566.000 gian hàng đã phát sinh đơn hàng trên 4 sàn này với hơn 1,3 tỷ đơn vị sản phẩm.
Theo đó, Shopee là sàn TMĐT lớn nhất khi chiếm gần 73% tổng doanh số của 4 sàn nêu trên, tương đương mức 91.000 tỷ đồng; Lazada đạt doanh thu khoảng 26.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 21%; Tiki chiếm 5% thị phần với doanh thu tương đương 5.700 tỷ đồng. Cuối cùng Sendo chiếm khoảng 1% với doanh thu đạt gần 1.000 tỷ đồng.
Phần lớn những nhà bán lẻ có sự tăng trưởng doanh thu năm 2022 đang kinh doanh trong lĩnh vực thời trang- phụ kiện, mỹ phẩm, tạp hóa- siêu thị mini và đồ chơi. Các nhà bán lẻ ghi nhận doanh thu giảm sút trên 30% chủ yếu kinh doanh trong nhóm ngành đồ gia dụng, sinh hoạt; đồ mẹ và bé; thuốc và thực phẩm chức năng,…
Dự kiến đến cuối năm 2023 sẽ có 36,18% nhà bán hàng dự định mở rộng quy mô kinh doanh; 29,03% nhà bán hàng dự định đa dạng hóa mặt hàng kinh doanh; chỉ 2,85% nhà bán hàng dự định duy trì và tối ưu chi phí. Bên cạnh đó, có 25,43% nhà bán hàng tỏ ra bi quan với tình hình kinh doanh năm 2023, do tình hình địa chính trị trên thế giới vẫn tiếp tục biến động, kinh tế suy thoái, tỷ lệ lạm phát tăng,… sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công việc kinh doanh trong ngành bán lẻ.
Ngành bán lẻ thay đổi do hành vi mua sắm của người tiêu dùng
Theo Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 994,2 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 0,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,2% (cùng kỳ năm 2022 giảm 1,1%). Theo đó, ngành TMĐT sẽ tiếp tục trở thành đầu tàu trong sự tăng trưởng của nền kinh tế số Việt Nam.
Xu hướng đầu tiên, Người mua hàng của ngành bán lẻ sẽ trở thành người tiêu dùng kỹ thuật số, tiếp tục duy trì hay thậm chí gia tăng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử và mua sắm trực tuyến trong 9 tháng tới. Mua sắm giải trí, sáng tạo nội dung số đi kèm với tiếp thị sản phẩm sẽ tiếp tục là xu hướng chủ đạo trong những năm tới. Lượng bán hàng trung bình liên quan tới các nền tảng giải trí, streaming và các sản phẩm liên quan đến các nhà sáng tạo nội dung sẽ tăng mạnh.
Xu hướng tiếp theo là cải tiến vận hành, quản trị doanh nghiệp trong ngành bán lẻ. Sau thời gian chống chọi với dịch bệnh, các nhà bán lẻ bước vào thời kỳ khôi phục và tăng trưởng doanh thu, bước đầu chú trọng đến yếu tố duy trì và phát triển kinh doanh từ bên trong. Ứng dụng công nghệ và phần mềm quản lý bán hàng sẽ giúp chủ cửa hàng mở rộng kinh doanh và vận hành hiệu quả, hỗ trợ vận hành cửa hàng offline, thúc đẩy kênh bán hàng online và tăng trưởng đa kênh.
Ông Đặng Anh Dũng – Phó Tổng giám đốc Lazada Việt Nam cho biết, các nhà bán lẻ trên thế giới khi nhìn vào Việt Nam đều chung nhận định đây là thị trường béo bở. Với dân số hơn 100 triệu dân và sức mua của người dân nơi đây rất tốt. Do đó, rất nhiều nhà bán lẻ trên thế giới muốn đầu tư vào Việt Nam.
Phó Tổng giám đốc Lazada Việt Nam tin rằng thị trường TMĐT thay đổi rất nhanh, nếu chỉ tập trung vào các chương trình khuyến mãi, các đợt giảm giá hay vouchers, các sàn TMĐT sẽ không bao giờ giữ được lượng khách hàng trung thành dù đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới hành vi mua sắm của khách hàng.
Hiện tại, người tiêu dùng Việt Nam có thể mua các món hàng của Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, Đức… ngay tại trong nước, chúng ta không thiếu gì hết. Ông Dũng cho rằng thị trường bán lẻ Việt Nam còn phát triển lên một cấp khác nữa.
“Ngoài ra, tôi nghĩ rằng tương lai của TMĐT thuộc về những người trẻ, nhanh nhạy trong việc nắm bắt các xu hướng mới và nhìn thấy sự thay đổi xảy ra rất nhanh. Các bạn có thể biến những ý tưởng thành hành động hoặc chiến lược cụ thể. Trong vài năm gần đây, Lazada đã thu hút rất nhiều nhân sự trẻ, đa số ở đội tuổi Gen Z, tạo ra sự năng động và sáng tạo. Hiện Lazada có khoảng hơn 1.000 lao động dưới 30 tuổi. Vì vậy, không thể lãnh đạo các bạn theo kiểu “cầm tay chỉ việc” hay “bảo gì làm đấy” mà phải tìm cách để định hướng các con đường tốt nhất cho các bạn, còn làm thế nào để các bạn có thể đi đến đích là dựa nhiều vào sự sáng tạo và thay đổi của các bạn”, ông Đặng Anh Dũng chia sẻ thêm
Từ đó có thể thấy, để một sàn TMĐT có thể đi nhanh và đi xa hơn trong tương lai, tất cả bộ phận và các yếu tố cấu thành của doanh nghiệp phải hoạt động nhịp nhàng, đồng lòng và quyết tâm cùng nhau. Hiện nay, ngành bán lẻ Việt Nam có quy mô thị trường 142 tỷ USD, dự báo sẽ tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025 và tiếp tục là một trong những lĩnh vực tiềm năng. Chính vì thế, cuộc đua giành thị phần bán lẻ ở Việt Nam sẽ còn diễn ra khốc liệt hơn nữa trong thời gian tới.
Quang Trung