Sáng 5/4, triển lãm quốc tế ngành công nghiệp Dệt & May – Thiết bị & Nguyên phụ liệu 2023 (SaigonTex & Saigon Fabric 2023) chính thức khai mạc tại TPHCM. Đây được xem là cơ hội để các doanh nghiệp dệt may Việt Nam gặp gỡ đối tác, nhà cung cấp quốc tế, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong bài phát biểu khai mạc tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh, thời gian qua, ngành Dệt may Việt Nam đã vượt qua nhiều thách thức, khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước, nhất là trong ngành công nghiệp.
Mặc dù bị ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid và các biến động địa chính trị trên thế giới, Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu dệt may lớn thứ ba trên thế giới với giá trị xuất khẩu năm 2021 đạt trên 40,4 tỷ USD, năm 2022 đạt 44,4 tỷ USD, tăng 9,7% so với năm 2021, xuất siêu 18,9 tỷ USD. Ngành dệt may Việt Nam hiện đang sử dụng hơn 2 triệu lao động, thu nhập trung bình của người lao động đạt khoảng 8,5 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thương mại quốc tế đang có nhiều biến động hiện nay, nhu cầu hàng hóa nói chung, sản phẩm dệt may nói riêng sụt giảm nghiêm trọng, các doanh nghiệp dệt may đang gặp một số khó khăn trong việc tìm kiếm và duy trì thị trường, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm.
Theo đó, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh, trong nhiều giải pháp phát triển bền vững ngành Dệt may, việc tổ chức Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp Dệt & May – Thiết bị & Nguyên phụ liệu 2023 là nhiệm vụ cần thiết, kịp thời.
Sự kiện tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ngành dệt may trong và ngoài nước gặp gỡ, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường. Đây cũng là cơ hội tốt giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiếp cận những công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, từ đó các doanh nghiệp có cơ sở định hướng đầu tư trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng mong muốn doanh nghiệp dệt may Việt Nam chủ động hơn nữa trong tìm kiếm đối tác, nhà cung cấp uy tín, thúc đẩy mối quan hệ giao thương, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng dần tỷ lệ nội địa hóa, chủ động đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng trong và ngoài nước, đáp ứng quy tắc xuất xứ đòi hỏi của các Hiệp định Thương mại.
Việc từng doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất tốt không chỉ góp phần nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm mà còn góp phần quan trọng vào phát triển ngành Dệt may Việt Nam, hội nhập hiệu quả hơn với khu vực và quốc tế.
Theo ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) bước sang năm 2023, ngành dệt may Việt Nam vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức do đơn hàng sụt giảm, lãi suất tăng cao và biến động tỷ giá. Đặc biệt, câu chuyện về phát triển bền vững đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Trên thị trường quốc tế, các đối tác ngày càng khắt khe hơn trong yêu cầu truy soát nguồn gốc bông, vải, sợi hay xanh hóa dệt may. Đây chính là bài toán lớn cho doanh nghiệp Việt từ năm 2023. Theo đó, triển lãm lần này là cơ hội để doanh nghiệp dệt may Việt Nam tìm kiếm lời giải cho bài toán trên. Tập trung nhất là việc tăng cường kết nối, chuyển giao khoa học, công nghệ và tiếp thu thành tựu chuyển đổi số từ đối tác, nhà cung ứng nguyên, phụ liệu, nhãn hàng lớn của các nước tiên tiến.
Về quy mô triển lãm, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam – Đại diện Ban tổ chức sự kiện cho biết, triển lãm Saigon Tex & Saigon Fabric 2023 quy tụ 1.700 gian hàng trưng bày thiết bị dệt may hàng đầu thế giới, cùng nguyên phụ liệu của 1.300 công ty đến từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Với sự tham gia đông đảo của các nhà cung cấp thiết bị máy móc, đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam được tham quan trao đổi để tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư mua sắm thiết bị mới nhất, hiện đại nhất, tối ưu cho sản xuất. Từ năm 1991 đến nay, đây cũng là triển lãm quốc tế lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam với diện tích trưng bày 30.000 m2.
Trần Quyền